Tăng cường phối hợp để kiểm soát tốt khu vực cửa khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Do đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng tại đây là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo cho hoạt động được thông suốt, hiệu quả.

Cửa khẩu hoạt động thông suốt

Ông Trần Thanh Vân-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho biết: "Chúng tôi luôn duy trì thường xuyên bộ phận hỗ trợ, giải đáp vướng mắc và cung cấp thông tin với người khai hải quan và người nộp thuế. Ngay cả khi doanh nghiệp nhập hàng về trong thời điểm ngoài giờ quy định, chúng tôi vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp được thông quan hàng hóa. Đồng thời, chúng tôi còn tăng cường đối ngoại, trao đổi thông tin với lực lượng hải quan phía nước bạn để việc kiểm soát hải quan diễn ra thuận lợi”.

Người dân chờ làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy
Người dân chờ làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, trong 6 tháng đầu năm, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu tại đây chuyển biến tích cực, bởi đây là thời điểm thu hoạch các mặt hàng nông sản như sắn lát, hạt điều và trái cây tươi, đặc biệt là hạt điều thô chưa bóc vỏ và mặt hàng lâm sản phụ là quả ươi khô có giá trị cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tăng cường xuất khẩu phân bón và vật tư phục vụ cho các dự án tại Campuchia.

Cùng làm việc tại khu vực cửa khẩu, ông Phạm Đức Anh-Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch vùng IV cho hay: “Mặc dù trang thiết bị của Trạm Kiểm dịch thực vật còn nhiều hạn chế, lực lượng lại mỏng, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức để kiểm soát, không để dịch bệnh “lọt” qua. Tổng khối lượng hàng hóa nhập khẩu được tiến hành kiểm tra là 180.260,02 tấn hàng hóa. Tất cả hồ sơ đăng ký của cá nhân, tổ chức được giải quyết nhanh chóng, chính xác đảm bảo theo quy định hiện hành, không có hồ sơ tồn đọng, hay giải quyết chậm trễ. Đến nay chưa phát hiện sâu bệnh hại lạ qua công tác kiểm tra”.

Đối với nhiệm vụ biên phòng, Thiếu tá Phan Văn Hùng-Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thông tin: “Bên cạnh các nhiệm vụ chính thì chúng tôi còn chú trọng công tác dân vận và công tác quần chúng. Vừa qua, chúng tôi đã tham mưu chính quyền địa phương xã Ia Dom, huyện Đức Cơ phối hợp với chính quyền xã Pó Nhầy, huyện Ozadao, tỉnh Ratanakiri tổ chức giao lưu cụm dân cư hai bên biên giới và sơ kết công tác phong trào kết nghĩa giữa các làng thuộc xã Ia Dom và xã Pó Nhầy giai đoạn 2013-2023, qua đó đánh giá tình hình hợp tác hữu nghị và đề ra những giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Mọi vấn đề phát sinh liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, 2 bên đều thống nhất cao, khi có sự vụ đều giải quyết được ngay từ cơ sở".

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh hoạt động thuận lợi, công tác cải cách hành chính theo hướng cải thiện môi trường đầu tư tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tiếp tục được chú trọng.Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại Khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu ước đạt gần 273 tỷ đồng; tổng số lao động của các doanh nghiệp là 99 lao động.

Các lực lượng chức năng tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thăm, tặng quà các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia) nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Ảnh: Hà Duy
Các lực lượng chức năng tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thăm, tặng quà các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia) nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Ảnh: Hà Duy

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các lực lượng tại khu vực cửa khẩu rất quan tâm thực hiện là đối ngoại. Theo đó, nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của Campuchia, Ban Quản lý và các lực lượng chức năng tổ chức các hoạt động thăm, chúc tết các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Oyadav, tỉnh Ratarakiri, Qua đó, tiếp tục thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên biên giới; đồng thời, trao đổi những vấn đề cần phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và các hoạt động thương mại biên giới qua hai bên cửa khẩu.

Khắc phục hạn chế, đẩy mạnh phối hợp

Mặc dù công tác quản lý tại khu vực Cửa khẩu luôn được chú trọng, song 6 tháng đầu năm vẫn có 5 vụ vi phạm hành chính, cơ quan chức năng xử gần 20 triệu đồng. Các lực lượng chức năng cũng phát hiện và bắt giữ 2 vụ vắng chủ, tạm giữ 2.350 bao thuốc lá nhập lậu, trị giá trị tang vật gần 54,3 triệu đồng; phát hiện, bắt giữ và hoàn chỉnh hồ sơ chuyển Công an huyện Đức Cơ xử lý 1 vụ (với 2 đối tượng) vận chuyển hàng cấm, tang vật gồm 9 kg pháo nổ; điều tra, xác minh 1 vụ (với 1 đối tượng) vận chuyển hàng cấm với tang vật 16 kg pháo nổ. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng xử lý 4 vụ (với 5 đối tượng) vi phạm quy định xuất nhập cảnh, tịch thu 17,25 triệu đồng.

Hiện tại, dịch bệnh trên các loại cây trồng khá phức tạp. Theo Thông tư số 04/2023/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, những sinh vật có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có trên lãnh thổ Việt Nam gồm: 62 loại côn trùng; 3 loại nhện; 18 loại nấm; 4 vi khuẩn, 5 virus; 14 tuyến trùng; 6 cỏ dại… Vì vậy, công tác kiểm dịch thực vật càng được chú trọng. “Trạm được giao nhiệm vụ kiểm dịch, nhưng công cụ, thiết bị rất hạn chế, lực lượng mỏng nên khó thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong khi lượng hàng nhập khẩu từ Campuchia về chủ yếu là nông sản, nếu không kiểm soát kỹ thì dễ lọt mầm bệnh vào Gia Lai. Vì vậy cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng để các lô hàng được kiểm tra kỹ hơn”-ông Phạm Đức Anh bày tỏ.

Thu mua hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Thu mua hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy

Một số ý kiến cho rằng, khu vực Cửa khẩu chưa có địa điểm lấy mẫu kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu nên cần phải có. Đồng thời, cần quản lý chặt hơn lượng xe qua lại khu vực Cửa khẩu. Hiện đang có tình trạng nhiều xe lợi dụng thời điểm barie số 2 mở lúc trời tối để sang, gây khó cho công tác quản lý hoặc thất thu phí hạ tầng.

Tính đến hết ngày 15-6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 139,63 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 115,76 triệu USD, tăng 112%; kim ngạch xuất khẩu đạt 23,87 triệu USD, giảm 12,75%. Tổng số phương tiện xuất nhập cảnh đạt 8.131 lượt, tổng số hành khách xuất nhập cảnh là 61.660 lượt. Tổng số thu ngân sách Nhà nước tại Cửa khẩu đạt 4,867 tỷ đồng; số thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu đạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Vân đề xuất: "Buổi tối thường phải mở barie số 2 để người dân khu vực biên giới đi làm rẫy về, không thể đóng. Nên để kiểm soát lượng xe qua trong thời điểm này, tôi đề nghị các lực lượng tích cực tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân biết, thực hiện. Đồng thời, các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch thực vật phối hợp với các cán bộ làm làm công tác thu phí hạ tầng, khi giải quyết thông quan sẽ kiểm tra hóa đơn thu phí luôn, nếu chưa đóng thì không cho đi, đóng phí mới được đi. Riêng thứ 7, Chủ nhật, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cần lập “đầu mối” để các lực lượng liên hệ khi cần. Thêm vấn đề nữa là đối với lượng xe, khách từ Campuchia về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, theo quy định, chúng tôi chỉ có thể giải quyết cho họ đến khu vực thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ. Tôi nghĩ cần nghiên cứu, đề xuất cấp giấy phép ở phạm vi rộng hơn để tạo điều kiện phát triển du lịch, hoặc để họ có điều kiện xuống TP. Pleiku khám chữa bệnh, đi thăm thân”.

Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đề xuất: “Các lực lượng tại Cửa khẩu linh động hơn trong công tác quản lý, nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp qua lại Cửa khẩu, nhất là trong trường hợp khám chữa bệnh, thông quan hàng hóa; các đơn vị cũng nên có kênh thông tin liên lạc để công tác phối hợp được chặt chẽ, nhịp nhàng. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm tốt công tác kiểm soát xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh vùng biên giới, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tại Trạm kiểm soát Liên hợp".

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.