Quang cảnh hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý rừng cộng đồng tại Tây Nguyên. Ảnh: Mai Ka |
Tham gia hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các chủ rừng cộng đồng tại các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo UBND các xã có rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn. Tuy nhiên, việc giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý trong thực tế vẫn còn những vướng mắc, trở ngại. Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ những kết quả đạt được; đồng thời thảo luận, phân tích những rào cản dẫn đến hạn chế. Qua đó, đề ra những giải pháp thiết thực và kiến nghị với các cơ quan chức năng để có biện pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy công tác giao rừng cho cộng đồng phát triển.
Diện tích có rừng của tỉnh Gia Lai hiện đang lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đứng thứ 4 so với cả nước với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Hiện nay, tỉnh đã giao cho các nhóm cộng đồng quản lý bảo vệ hơn 638 ngàn ha rừng. Thông qua việc giao, khoán rừng cho cộng đồng đã giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương đạt hiệu quả; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác giao khoán rừng cho cộng đồng như: về vị trí pháp lý, quyền lợi, quyền sở hữu cho chủ rừng cộng đồng; một số cộng đồng chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm quản lý diện tích rừng được giao; hầu hết cộng đồng chưa tiếp cận công nghệ trong quản lý diện tích rừng được giao khoán; một số địa phương, đơn vị chủ rừng chưa làm tốt công tác hướng dẫn các hộ nhận khoán trong việc lập kế hoạch, tổ chức triển khai để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao khoán bảo vệ…
Đại biểu thảo luận về tình hình giao, tổ chức và quản lý rừng cộng đồng. Ảnh: Mai Ka |
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tình hình giao, tổ chức và quản lý rừng cộng đồng tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng; công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng trên địa một số xã. Hội thảo cũng đã tập trung bàn thảo nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế và vướng mắc trong công tác tổ chức, quản lý rừng cộng đồng. Từ đó, kiến nghị những biện pháp khắc phục, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới hiện nay cho phát triển rừng bền vững ở các tỉnh Tây Nguyên.