Giao rừng cho người dân và cộng đồng quản lý, bảo vệ: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giao rừng cho người dân và cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ là chủ trương lớn nhằm góp phần nâng cao độ che phủ rừng, đồng thời giúp người dân hưởng lợi. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác này tại các địa phương tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Kết quả bước đầu

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích đất có rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh là 648.278,02 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 478.749,56 ha, rừng trồng 155.522,81 ha, rừng trồng chưa thành rừng 14.005,71 ha.

Diện tích rừng trải dài ở tất cả các địa phương trong tỉnh với 514.638,32 ha rừng được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư và tổ chức kinh tế quản lý; 208.158,06 ha đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý.

Lực lượng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly phối hợp với các hộ nhận khoán xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) phát dọn thực bì. Ảnh: N.D

Lực lượng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly phối hợp với các hộ nhận khoán xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) phát dọn thực bì. Ảnh: N.D

Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng theo Luật Lâm nghiệp, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã giao 23.482,22 ha rừng cho 51 cộng đồng, 322 hộ gia đình và 1 tổ chức quản lý, bảo vệ. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Kông Chro, Krông Pa, Ia Grai.

Ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: Năm 2023, huyện được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao rừng cho người dân và cộng đồng quản lý, bảo vệ 1.949,01 ha. Đến nay, địa phương đã giao được 1.572,49 ha, đạt 80,68% kế hoạch. Tổng diện tích không đưa vào diện rừng được giao là 376,52 ha do hiện trạng thực tế không đảm bảo.

Qua đánh giá thực tế cho thấy, việc giao rừng là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần tăng thu nhập cho người dân, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng; hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Theo ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Giao đất, giao rừng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội ở địa bàn nông thôn, đồng thời nâng cao tính trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Đặc biệt, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo động lực cho người dân và cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Hiện nay, việc giao đất, giao rừng cho người dân, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, quá trình triển khai thực hiện từ năm 2021 đến nay cho thấy, tại một số địa phương, diện tích rừng manh mún nhỏ, lẻ nằm rải rác ở những khu vực đồi núi phức tạp, xa khu dân cư nên việc giao rừng cho người dân gặp nhiều khó khăn, một số diện tích rừng không đủ điều kiện giao.

Việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, hiện trạng rừng đa phần là rừng nghèo và rừng nghèo kiệt, địa hình phức tạp.

Điển hình như huyện Chư Păh. Năm 2022, huyện Chư Păh được UBND tỉnh giao 536,94 ha nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy, UBND huyện đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan để có hướng quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với thực tế của địa phương.

Phát dọn thực bì rừng trồng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: N.D

Phát dọn thực bì rừng trồng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: N.D

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan: Khó khăn hiện nay trong công tác giao rừng là việc đo đạc và cấp GCNQSDĐ. Nhiều địa phương không thể thực hiện hạng mục giao rừng gắn với giao đất và cấp GCNQSDĐ theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt vì thiếu kinh phí đo đạc, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bên cạnh đó, còn bất cập về vị trí pháp lý, quyền lợi, quyền sử dụng, cộng đồng chưa đủ về tư cách pháp lý để ký hợp đồng với các tổ chức. Không những vậy, các văn bản pháp luật chưa quy định rõ quyền sử dụng rừng. Bà con dân tộc thiểu số sống gần rừng đa số là hộ nghèo, nguồn vốn đầu tư hạn chế, rừng giao cho cộng đồng cũng là rừng nghèo ít có sản phẩm tận thu dưới tán rừng.

Tiền dịch vụ môi trường rừng ở một số khu vực còn thấp, chính sách hưởng lợi từ rừng không ổn định dẫn đến người dân không mặn mà khi tham gia nhận rừng quản lý, bảo vệ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoan, hiện nay, hầu hết các địa phương mới chỉ thực hiện giao rừng, chưa thực hiện giao đất lâm nghiệp đối với đất chưa có rừng, nguyên nhân là do các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai chưa đồng bộ. Nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng do cấp xã quản lý còn xảy ra tranh chấp…

Đặc biệt, hệ thống mẫu biểu áp dụng trong giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất chưa có sự thống nhất giữa 2 ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường dẫn đến khó khăn trong áp dụng.

Cùng với đó, còn thiếu quy trình, quy phạm kỹ thuật hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục về giao rừng, thuê rừng gắn liền giao đất, thuê đất lâm nghiệp. Trong quá trình thực hiện, một số địa phương giao về cho các cơ quan, đơn vị quản lý khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện.

“Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh đều có chủ quản lý, bảo vệ. Do đó, bên cạnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc đề cập ở trên, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất hướng dẫn đo đạc, cấp GCNQSDĐ đối với kế hoạch giao rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2022 đến nay để các huyện tiếp tục triển khai thực hiện.

Cùng với đó, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét ban hành thông tư hướng dẫn kỹ thuật về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp thống nhất áp dụng chung trong cả nước. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả công tác giao rừng”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.