Cậu bé Rơ Mah Tú hạnh phúc trong ngôi nhà mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu vắng hơi ấm của cha từ nhỏ, đến ngày 27-8 vừa qua, em Rơ Mah Tú (làng Nú 2, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mới cảm nhận được tình cảm này. Em được Đồn Biên phòng Ia Chía nhận làm “Con nuôi Đồn Biên phòng” và đón về nuôi tại tổ công tác địa bàn của đơn vị tại làng Beng.

Căn phòng dành cho Tú khá rộng rãi và được cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía chuẩn bị đầy đủ với giường ngủ, chăn màn, bàn học, tủ quần áo, kệ sách...Lần đầu tiên được sở hữu một căn phòng riêng, ánh mắt cậu bé 10 tuổi luôn lấp lánh niềm vui. Còn chị Rơ Mah Hem (mẹ của Tú) rưng rưng xúc động khi ghé thăm nơi ăn, ở mà đơn vị sắp xếp, bố trí cho con trai.

Đồn Biên phòng Ia Chía nhận em Rơ Mah Tú (làng Nú 2) làm "Con nuôi Đồn Biên phòng" từ năm học 2024-2025. Ảnh: P.D

Đồn Biên phòng Ia Chía nhận em Rơ Mah Tú (làng Nú 2) làm "Con nuôi Đồn Biên phòng" từ năm học 2024-2025. Ảnh: P.D

Chị Hem là mẹ đơn thân. Do sức khỏe yếu nên chị Hem chỉ quanh quẩn ở nhà, trồng, chăm sóc 5 sào điều phía sau vườn nên cuộc sống của hai mẹ con còn nhiều khó khăn. Khi được cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía đề nghị nhận Tú làm con nuôi, chăm sóc và nuôi dưỡng đến khi Tú học xong THCS, chị đã không ngần ngại mà đồng ý ngay. Bởi chị hoàn toàn tin tưởng Bộ đội Biên phòng. Chị muốn gửi gắm cậu con trai duy nhất, nhờ bộ đội nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ để trưởng thành khỏe mạnh, trở thành người có ích.

Để cậu con nuôi nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở môi trường mới, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ, quản lý, kèm cặp, hướng dẫn và chăm sóc. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, chính quyền địa phương và nhà trường để nắm tình hình học tập, rèn luyện cũng như tâm tư, tình cảm.

Đại úy Rơ Mah Thiết-Nhân viên trinh sát của Đồn Biên phòng Ia Chía- “cha nuôi” trực tiếp chăm sóc Tú chia sẻ: “Cháu khá dạn dĩ nên chỉ vài ngày đã quen với môi trường, cuộc sống mới. Đơn vị đã mua sắm đầy đủ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để cháu sẵn sàng bước vào năm học mới. Năm học này, cháu học lớp 5 tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan”.

Đón nhận tình cảm mà các “cha nuôi” Đồn Biên phòng Ia Chía dành cho mình, Tú nhẹ nhàng nói: “Con được các chú mua cho rất nhiều quần áo, đồ dùng mới đều là những thứ con thích. Con sẽ cố gắng học tập thật tốt, mai sau cũng trở thành bộ đội như các chú”.

Trước khi nhận nuôi cậu bé Rơ Mah Tú, đơn vị đã nhận nuôi 2 “Con nuôi của Đồn Biên phòng”, gồm: Rơ Lan Tuen, (làng Nú 1) và Ksor Hội (làng Bang). Cả hai đã tốt nghiệp THCS. Theo quy định của chương trình, đơn vị đã bàn giao 2 “Con nuôi Đồn Biên phòng” về lại gia đình và chuyển sang chương trình “Nâng bước em đến trường”, mỗi tháng hỗ trợ 500 ngàn đồng/em.

Đại úy Rơ Mah Thiết trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ "Con nuôi Đồn Biên phòng" từ việc ăn, ở, sinh hoạt đến học tập. Ảnh: P.D

Đại úy Rơ Mah Thiết trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ "Con nuôi Đồn Biên phòng" từ việc ăn, ở, sinh hoạt đến học tập. Ảnh: P.D

Tiếp tục triển khai, duy trì Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, năm học 2024-2025, đơn vị chủ động phối hợp với các làng và trường Tiểu học, THCS trên địa bàn để khảo sát, lựa chọn đối tượng nhận nuôi. Ông Kpuih Đên-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nú 2-cho hay: “Cháu Tú là con của hộ nghèo trong làng. Mẹ Tú sức khỏe yếu nên sợ không theo sát chăm sóc, quản lý được con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vì vậy, khi bộ đội khảo sát và nhận cháu làm con nuôi, gia đình, người làng đều mừng. Dân làng cũng mong chương trình được đơn vị duy trì lâu dài và nếu được có thể nhận nuôi thêm nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa”.

Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” được các Đồn Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai từ năm 2019 đến nay. Đây là hoạt động mang tính nhân văn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân của Bộ đội Biên phòng tỉnh với nhân dân trên khu vực biên giới.

Trao đổi với P.V, Thiếu tá Hoàng Long-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Chía cho biết: “Chương trình nhằm đồng hành, giúp đỡ các cháu học sinhhoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học có thêm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập để phát triển toàn diện, sau này trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội. Thông qua chương trình, đơn vị cũng mong muốn củng cố và tăng cường tình đoàn kết gắn bó với quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới, chung sức xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc”.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).