Những đứa con nuôi của Đồn Biên phòng trên đảo Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người lính Đồn Biên phòng Lý Sơn nhận nuôi nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xem các cháu như con ruột của mình, luôn tạo cho các cháu môi trường như đang sống tại gia đình.

Những người lính biên phòng trên đảo Lý Sơn bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển đảo còn nhận nuôi các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nơi đơn vị đóng quân, giúp các em tiếp tục đến trường, thực hiện giấc mơ hoài bão chinh phục tri thức.

Trái tim nhân ái của người lính

Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc nằm giữa biển Đông thuộc tỉnh Quảng Ngãi, là quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa Bắc Hải anh hùng. Nơi đây, khoảng 300 năm về trước, những người binh phu Hoàng Sa đã vượt sóng, gió biển Đông để xác lập chủ quyền của nước Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày nay, tiếp nối truyền thống của cha ông, những người lính biên phòng trên đảo Lý Sơn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh Tổ quốc, giữ vững cột cờ Tổ quốc trên vùng biển Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ thiêng liêng, canh giữ biển đảo, những người lính mang quân hàm xanh còn thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.

Đưa các em đi học trong chương trình “Nâng bước em đến trường” là hoạt động hằng ngày của những người lính Đồn Biên phòng Lý Sơn

Đưa các em đi học trong chương trình “Nâng bước em đến trường” là hoạt động hằng ngày của những người lính Đồn Biên phòng Lý Sơn

Khởi hành từ cảng Sa Kỳ, con tàu đưa chúng tôi hướng về đảo Lý Sơn vào một ngày biển động, ngập lặn trong những con sóng hung dữ cao hàng chục mét như chực nuốt chửng mọi thứ. Sau hành trình hơn 1 giờ lênh đênh trên biển, nhìn xa xa hòn đảo lấp lánh như một viên ngọc giữa trùng khơi, tàu cập cảng. Đón chúng tôi là đại úy Mai Văn Tuấn, Chính trị viên - Phó Đồn Biên phòng Lý Sơn. Khi được hỏi về chương trình "Nâng bước em đến trường" và mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" do Đồn Biên phòng Lý Sơn đang thực hiện, anh Tuấn cho biết mỗi người lính biên phòng luôn xác định "đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ của đồn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện của địa phương không chỉ vì nghĩa vụ, trách nhiệm mà hơn hết, xuất phát từ trái tim của những người lính mang "quân hàm xanh" đối với các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. "Chứng kiến hoàn cảnh nhiều cháu cơm không đủ no, áo không đủ mặc nhưng vẫn không nản lòng, càng nỗ lực vươn lên thực hiện ước mơ học tập, những điều đó đã chạm đến trái tim của người lính chúng tôi" - đại úy Tuấn bộc bạch.

Ngôi nhà thứ 2 của học sinh nghèo

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đồn Biên phòng Lý Sơn đã nhận đỡ đầu 4 cháu có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/ tháng. Số tiền này sẽ được hỗ trợ đến khi các cháu học hết lớp 12. Đây là số tiền đóng góp của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng và nguồn huy động từ các tổ chức xã hội, từ thiện, cá nhân giàu lòng hảo tâm.

Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, hằng năm đơn vị thường xuyên kết nối với các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn hỗ trợ mua các đồ dùng học tập như sách, vở, cặp, xe đạp giúp thêm cho các em và những học sinh khó khăn có nghị lực vươn lên trong học tập trên địa bàn đơn vị quản lý.

Trần Thị Hồng Thơm (SN 2008, học lớp 9; ở thôn Đông An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) là 1 trong 2 em được Đồn Biên phòng Lý Sơn nhận nuôi. Thơm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ lấy chồng khác nên hiện em ở với bà ngoại. Hoàn cảnh khó khăn của hai bà cháu tưởng chừng khiến con đường đến trường của Thơm bị bít lối. Nhưng Thơm đã được Đồn Biên phòng Lý Sơn nhận làm con nuôi. Thơm cho biết: "Sau mỗi buổi đi học, em về ăn cơm cùng với các chú trong đồn, bên cạnh đó em còn được các chú kèm cặp học hành". Đồn Biên phòng Lý Sơn đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của Thơm và cán bộ chiến sĩ ở đây như những người cha, người anh luôn chăm chút cho em từng bữa ăn, giấc ngủ". Kể từ khi được sự bảo bọc, dạy dỗ của những người lính Đồn Biên phòng Lý Sơn, thành tích học tập của Thơm luôn đạt khá, giỏi.

Bữa trưa của các học sinh với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lý Sơn

Bữa trưa của các học sinh với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lý Sơn

Tâm sự với chúng tôi, đại úy Mai Văn Tuấn trải lòng: "Là một người lính biên phòng, phải xa gia đình nên chúng tôi xem các cháu được đồn nhận nuôi như con ruột của mình. Chúng tôi cố gắng tạo cho các cháu những điều kiện tốt nhất cả về vật chất cũng như tâm lý, phải tạo cho các cháu một môi trường sống như tại gia đình các cháu. Từ đó giúp các cháu yên tâm học tập và thực hiện ước mơ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và quê hương". Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lý Sơn cũng xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị, là mô hình nhân văn thể hiện sự tri ân của bộ đội biên phòng với nhân dân nơi biên giới, hải đảo bao năm đã kề vai, sát cánh bảo vệ chủ quyền an ninh của Tổ quốc.

Trung úy Đỗ Trọng Tuyển, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính thuộc Đồn Biên phòng Lý Sơn, dạy kèm cho cháu Phan Thị Thu Thảo (học lớp 10)

Trung úy Đỗ Trọng Tuyển, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính thuộc Đồn Biên phòng Lý Sơn, dạy kèm cho cháu Phan Thị Thu Thảo (học lớp 10)

Kết thúc chuyến thăm tại đảo Lý Sơn, trên hành trình về lại đất liền nhìn lá cờ Tổ quốc của cột mốc biên giới tung bay trên đỉnh Thới Lới (đỉnh núi cao nhất đảo Lý Sơn) và hình ảnh những người lính bên những đứa con nuôi của mình, tôi càng thấm thía ý nghĩa, giá trị nhân văn của tình quân dân, cảm phục những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Với tôi, họ đang viết nên những câu chuyện đẹp giữa đời thường.

Tiếp sức học sinh nghèo đến trường

Chương trình "Nâng bước em đến trường" và mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, là việc làm có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng hướng về đồng bào nơi biên giới. Đây cũng là điểm tựa chắp cánh ước mơ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được cắp sách đến trường. Qua 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã nhận nuôi và đỡ đầu cho hơn 35 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới biển của địa phương. Đến nay đã có 3 cháu bước vào giảng đường đại học.

Theo Bài và ảnh: Nguyễn Tuấn Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.