Trường Sa, gói tiếng lòng đại dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ai đó từng nói, ra đảo càng yêu hơn Tổ quốc mình. Quả thật, tình yêu ấy đến rất tự nhiên, lắng sâu, một tình yêu không thể diễn đạt hết nhưng luôn hiện hữu trong từng khoảnh khắc phút giây.

truong-sadd.jpg
Nhà giàn Huyền Trân.

Hữu duyên với Trường Sa

Hết giờ nghỉ. Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu.

Vừa nghe âm thanh quen thuộc ấy vang lên trên tàu 561 đúng vào một buổi sáng được dự báo là trong xanh suốt ngày, mặt trời sẽ lên rực rỡ và biển sẽ rất đẹp, chúng tôi lập tức rời khỏi giường, tranh thủ vệ sinh cá nhân thật nhanh rồi ào lên boong lái để đón bình minh và tận hưởng làn gió mát lành sau một đêm dài lênh đênh giữa biển khơi. Không ai muốn bỏ lỡ khoảnh khắc mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt nước, ánh vàng óng ánh trải dài tít tắp. Cả nhóm thay nhau chụp ảnh, quay video. Mặt trời trên biển dậy sớm hơn, lớn hơn và đẹp hơn rất nhiều so với đất liền.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, một kỷ niệm không thể nào quên. Năm 2023, phòng chúng tôi có tới 18 người. Chiếc giường nhỏ xinh vừa đủ để chúng tôi nghiêng người “lăn” vào nghỉ ngơi. Cả đoàn hơn 230 người chia thành 9 trung đội, cùng nhau tham gia các hoạt động như liên hoan văn nghệ, thi báo tường, làm thơ về biển đảo, thi ảnh đẹp… Dù chật chội song ai nấy đều cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Năm nay, điều kiện tốt hơn, phòng chỉ có 6 người, rộng rãi, thoáng mát và vệ sinh khép kín. Vì là tàu Quân y 561 chuyên khám bệnh, cấp thuốc, cấp cứu cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân Trường Sa nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm về sức khỏe trong suốt hải trình. Một vài chị em trong phòng bị say sóng và ho, tôi nhanh nhảu đến gõ cửa phòng siêu âm ở Khu C xin thuốc mang về.

Đoàn công tác số 22 lần này quy tụ các đại biểu đến từ nhiều tỉnh phía nam cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam), đoàn văn công và phóng viên báo chí một số văn nghệ sĩ. Đoàn khởi hành từ Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân, Quân chủng Hải quân, làm Trưởng đoàn.

2truongsa.jpg
Giao lưu văn nghệ trên đảo.

Tiếng lòng nơi đầu sóng

Ở đảo Sinh Tồn, xuồng vừa cập bến, tôi lập tức tìm đến phòng chỉ huy để xin con dấu, mong muốn lưu giữ dấu ấn đặc biệt của hải trình này trong cuốn sách của mình, một thói quen đã có từ chuyến đi năm 2023.

Không quên “nhiệm vụ” quen thuộc, tôi tranh thủ hỏi thăm xem có đồng hương Quảng Bình (nay là Quảng Trị) nào trên đảo không. Thật may mắn, chỉ trong vài phút, tôi đã gặp được các anh Thương, Hùng, Sáu, Dương và Thế. Dưới bóng cây bàng vuông rợp mát, chúng tôi quây quần bên bộ ghế đá giữa sân, bắt đầu cuộc trò chuyện rôm rả. Những lời hỏi thăm, tiếng cười và những câu chuyện về đời lính biển đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào cứ nối tiếp nhau. Khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ, mọi mỏi mệt đều tan biến khi được gặp gỡ những người con cùng quê.

Trên đảo còn có thầy giáo Trương Hồng Lĩnh quê Nghệ An, người đã tình nguyện ra đảo dạy học và vừa hoàn thành chương trình Thạc sĩ trong các dịp hè. Lớp học của thầy chỉ vỏn vẹn 9 em từ mầm non đến tiểu học. Khi chúng tôi ghé thăm, lũ trẻ tinh nghịch chạy nhảy khắp sân, thầy mỉm cười nói, nhắc riết rồi mà tụi nhỏ vẫn cứ làm theo ý mình. Giọng thầy đầy yêu thương và trìu mến. Tôi xúc động khi nghe thầy kể về ngày biết tin ba sẽ ra Trường Sa, con gái thầy khi ấy mới ba tuổi đã òa khóc nức nở, níu ba lại không cho đi. Nhưng rồi, với tình yêu nghề, với niềm tin và lý tưởng của một người thầy nơi đảo xa, thầy đã gác lại nỗi niềm riêng để đến với học trò giữa trùng khơi. Thầy ra đảo từ tháng 9/2023 và vẫn còn ba năm nữa mới được trở về đất liền.

3truongsa.jpg
Thầy và trò trên đảo Sinh Tồn.

Ký ức xanh màu biển

Đến đảo Len Đao. Hòn đảo nhỏ đón chúng tôi với sự thân thuộc và gần gũi của giàn mướp ngọt, mướp đắng sai trĩu quả, những luống rau muống xanh mướt lá to hơn cả bàn tay tôi. Các chiến sĩ vừa bắt được hơn chục con ốc biển to, chúng tôi háo hức ríu rít chuyền tay nhau chụp ảnh như những đứa trẻ lần đầu thấy quà tặng của biển cả.

Từ lan-can nhà văn hóa đa năng nhìn ra biển, tôi trò chuyện cùng một bạn quay phim kênh Sa Pa TV. Cậu chia sẻ niềm vui, tự hào về khoảng thời gian quý giá lênh đênh biển cả, về những bức hình chân thực về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên tàu và các đảo. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi nhận ra vẻ đẹp của Trường Sa hiện lên trong mầu xanh ngút ngàn, trong sắc đỏ lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển khơi, trong ánh mắt kiên cường của những người lính ngày đêm canh giữ chủ quyền và vẻ đẹp ấy còn lan tỏa từ trái tim của bất cứ ai đã từng một lần đặt chân lên đảo.

Tôi từng được chiêm ngưỡng những vườn rau xanh mát, tươi tốt ở các đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, song khi đến Đá Đông C, tôi chỉ kịp nhìn thấy vườn rau số 1. Vườn rau số 2 nằm trên sân thượng của một căn nhà nhỏ, phía dưới là khu nuôi lợn và chó. Muốn lên đó, phải men theo chiếc thang gỗ. Qua ô cửa sổ tràn đầy nắng, hình ảnh một chú lợn đang ngóng nhìn ra ngoài khiến tôi xúc động. Cũng may, người bạn đồng hành của tôi, người luôn tò mò và trân quý từng lát cắt đời sống, đã không ngại leo lên tận nơi, ghi lại những bức ảnh về khu vườn nhỏ ấy. Giữa trùng khơi khắc nghiệt, một luống rau, một con vật, một bóng nắng trên nền xi-măng bạc mầu vẫn hiện hữu hiền lành và bình dị đến nao lòng.

Ở Đá Đông C, tôi tình cờ gặp lại anh Vũ Ngọc Quý, người Ba Đồn, vẫn với gương mặt rắn rỏi đen sạm, nụ cười thân thiện, giọng nói hiền hậu. Tôi từng gặp anh ở Sinh Tồn Đông, và giờ đây, anh được điều động về công tác tại Đá Đông A. Từ năm 2002, anh bắt đầu gắn bó với Trường Sa qua những chuyến chở vật liệu ra đảo. Mãi đến năm 2016, anh mới chính thức nhận nhiệm vụ tại Trường Sa Lớn và từ đó đến nay, anh âm thầm luân chuyển giữa nhiều điểm đảo. Lần này, anh được phân công hỗ trợ đoàn đại biểu ra thăm Đá Đông C. Anh kể, nhà có ba đứa con, đứa lớn năm nay vừa vào đại học. Bao mùa thi vắng bóng cha, bao dịp sum họp gia đình cũng chỉ là những cuộc gọi vội vàng. Có những người chọn biển cả, chọn nơi đầu sóng ngọn gió để phần bình yên gửi về đất liền là thế.

Những ô cửa biển

Năm nay, đoàn công tác số 22 là đoàn duy nhất được ghé thăm Nhà giàn DK1/7 - Huyền Trân. Thông thường, mỗi nhà giàn chỉ đón 2 đến 3 đoàn mỗi năm, nên cơ hội ấy đối với chúng tôi thật đáng quý. Nhiều đoàn vì sóng to, gió lớn, đến nơi rồi mà vẫn không thể lên được. Vậy nên, được đặt chân lên đây, được bám vào thanh vịn, được ngước nhìn cột ăng-ten giữa trời, được nghe tiếng gió biển ở tầng cao nhất đã là đặc ân, là điều may mắn không dễ gì lặp lại lần hai.

Tôi từng có một kỷ niệm đặc biệt với những ô cửa sơn vàng trên nhà giàn DK1/2 - Phúc Tần. Hình ảnh ấy đã đi vào thơ tôi với tên gọi “những ô cửa biển”. Giờ đây, đứng trước khung cửa sơn vàng quen thuộc, bao ký ức lại dội về. Tôi và anh bạn nhà văn đã chụp thêm nhiều bức ảnh bên khung cửa ấy. Nhà giàn DK1/7 - Huyền Trân vẫn vị gió mặn, sắc trắng của mây bay và sắc vàng ấm áp của ô cửa như ở DK1/2 - Phúc Tần, song đối với chúng tôi, mọi thứ đều mới lạ. Bởi, mỗi nhà giàn đều có những nỗi niềm, những câu chuyện riêng.

Chia tay nhà giàn, mưa đổ xuống như trút. Tàu hú còi tạm biệt. Trong làn mưa trắng xóa, các chiến sĩ vẫn đứng trên sàn thép, giơ cao lá cờ đỏ sao vàng, vẫy chào đoàn công tác. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều ùa lên boong tàu, đứng dầm mưa vẫy lại. Lòng tôi và có lẽ cả trăm đại biểu trên tàu cũng đang mưa.

Về đến đất liền, những hình ảnh về đảo chìm, đảo nổi và những nhà giàn sừng sững giữa biển khơi vẫn đọng mãi trong tâm khảm tôi. Cầm trên tay món quà từ anh Nguyễn Văn Thắng, người Hà Nội với 13 năm gắn bó cùng biển đảo, một con ốc biển có khắc dòng chữ “Kỷ niệm đảo Đá Thị”, tôi khẽ đưa nó lên tai. Tiếng vọng từ vỏ ốc như gói trọn tiếng lòng đại dương, sự kiên cường của những người lính biển đêm ngày canh giữ và cả những bài học vô giá về sự sống mà tôi đã cảm nhận được từ hải trình này.

Phía nhà cấp I của đảo Len Đao, tôi bắt gặp dòng chữ vàng nổi bật trên nền đỏ “Quyết chiến, quyết thắng. Biết đánh, biết thắng”. Khẩu hiệu ngắn gọn hào sảng như tiếp thêm sức mạnh cho những người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Theo Bài và ảnh: HOÀNG THỤY ANH (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null