Cổ tích ở Trường Sa: Gặp lại sau 47 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầu năm 2025, gần 47 năm sau sự kiện trôi dạt trên vùng biển Trường Sa, những cán bộ chiến sĩ trên chiếc xuồng nhôm của đảo Phan Vinh đã tụ hội tại nhà riêng của đảo trưởng Vũ Văn Hà. Họ ôn kỷ niệm xưa và kể về cuộc sống hôm nay.

Sau khi được tàu 641 (sau đổi phiên hiệu thành tàu HQ-671 - được công nhận là "bảo vật quốc gia", hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hải quân, TP.Hải Phòng) ứng cứu, cả 7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh mới biết: Trong 8 ngày 7 đêm, họ đã trôi dạt vào bãi Kỳ Vân, cách Phan Vinh gần 100 hải lý về phía nam.

Trở về với đảo Phan Vinh, 7 người được ưu tiên chăm sóc đặc biệt. Giữa tháng 11.1978, Quân chủng Hải quân dự định đón họ về TP.HCM an dưỡng, nhưng cả 7 cán bộ, chiến sĩ đều theo gương đảo trưởng xin ở lại đảo, tiếp tục công tác.

7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh (Trường Sa) trôi dạt 8 ngày đêm trên biển, sau khi được tàu 641 tìm thấy và đưa về đảo
7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh (Trường Sa) trôi dạt 8 ngày đêm trên biển, sau khi được tàu 641 tìm thấy và đưa về đảo

Mỗi người được lệnh viết một bản báo cáo quá trình trôi dạt trên biển để cấp trên khen thưởng. Tuy nhiên, thời điểm cuối 1978, tình hình biên giới Tây Nam và phía bắc đều căng thẳng và tháng 2.1979 thì nổ ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc nên mọi việc thi đua khen thưởng trong toàn quân, kể cả thưởng phép cuối năm cho 7 anh em, cũng bị hoãn. Tháng 10.1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định tặng Huân chương chiến công (hạng nhất, nhì, ba) cho 7 cán bộ, chiến sĩ.

Thiếu tá chủ tịch xã

Có một chuyện ít người biết là khi thiếu úy Vũ Văn Hà cùng đồng đội trôi dạt trên biển, anh cũng chưa biết cậu con trai đầu Vũ Văn Hiếu đã chào đời ngày 1.9.1978. Mãi 3 tháng sau khi được cứu về đảo, anh mới nhận được thư nhà, kèm hình con trai. Cuối năm 1979, thiếu úy Vũ Văn Hà được đơn vị giao nhiệm vụ… áp tải cành san hô trúc Trường Sa về tặng Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiện ghé thăm nhà. Lúc này, Hiếu đã hơn 1 tuổi, và đó là lần đầu bố con gặp nhau.

Năm 1983, trung úy Vũ Văn Hà được cử đi học trường Đảng hải quân và làm chỉ huy trưởng đảo Nam Yết. Năm 1987, thượng úy Vũ Văn Hà hoàn thiện khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu tại Học viện Lục quân (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) và xin chuyển ra Bắc với lý do "20 năm biền biệt (8 năm chống Mỹ, 12 năm ngoài Trường Sa), muốn gần gia đình ngoài Hà Nội để chia sẻ khó khăn vất vả".

Tư lệnh Giáp Văn Cương gọi ông Hà lên động viên: "Cậu có kinh nghiệm chỉ huy ngoài đảo, cho chuyển ra đảo Bạch Long Vỹ (TP.Hải Phòng) làm phó trung đoàn trưởng 952". Thấy cảnh cả năm mới được về bờ một lần, ông Hà xin từ chối. Rốt cục, ông được chuyển về Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 (đóng quân ở Quảng Yên, Quảng Ninh) làm trợ lý tác chiến. Năm 1989, đại úy Vũ Văn Hà làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 pháo phòng không của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147.

Cuộc hội ngộ đầu năm 2025 của 6 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã trôi dạt trên biển Trường Sa (từ trái qua: Ngọ Văn Vượng, Nguyễn Bá Khôi, Vũ Văn Hà, Lê Văn Mồi, Lê Ngọc Củng, Nguyễn Quang Hợi). Người thứ 7 không có trong hình là chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Vinh đã mất vì bệnh
Cuộc hội ngộ đầu năm 2025 của 6 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã trôi dạt trên biển Trường Sa (từ trái qua: Ngọ Văn Vượng, Nguyễn Bá Khôi, Vũ Văn Hà, Lê Văn Mồi, Lê Ngọc Củng, Nguyễn Quang Hợi). Người thứ 7 không có trong hình là chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Vinh đã mất vì bệnh

Cuối năm 1990, trước hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, 3 đứa con thơ nheo nhóc, đại úy Vũ Văn Hà xin nghỉ công tác và được phong quân hàm thiếu tá. Tài sản ông mang về sau 23 năm quân ngũ, bên cạnh số tiền trợ cấp còn có 1 tạ sắt, 3 tạ xi măng, do anh em trong đơn vị đóng góp để ông dựng nhà.

Về nghỉ ở tuổi 41, ông nai lưng làm ruộng và các công việc phụ, gồm cả buôn bán để nuôi 3 đứa con. Sau 2 năm, ông mua được chiếc xe đạp đầu tiên trong đời. Cuối 1993, ông tham gia làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kiêu Kỵ, sau đó là Chủ tịch MTTQ xã. Năm 1999, ông làm Chủ tịch HĐND xã, năm 2000 làm Bí thư Đảng ủy và năm 2004 làm Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ. Đến năm 2010, ông nghỉ hưu và hiện ông bà ở với cậu con út ở xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.

Tìm nhau sau mấy chục năm

Sau vụ trôi dạt trên biển, hạ sĩ Lê Văn Mồi được thưởng Huân chương Chiến công hạng 2 và tiếp tục công tác tại đảo Phan Vinh đến hết năm 1981. Đầu năm 1982, Lữ đoàn 146 xét phong quân hàm chuẩn úy quân nhân chuyên nghiệp cho thượng sĩ Lê Văn Mồi, nhưng ông xin xuất ngũ. Trở về quê Thanh Hóa, ông đi làm thuê trên tàu đánh cá. Năm 1983, ông cưới vợ và sinh 4 người con.

Cựu chiến binh Lê Văn Mồi và Nguyễn Quang Hợi thăm hỏi mẹ của đồng đội Ngọ Văn Vượng
Cựu chiến binh Lê Văn Mồi và Nguyễn Quang Hợi thăm hỏi mẹ của đồng đội Ngọ Văn Vượng

Những năm theo tàu cá và tàu chở hàng ra Bắc, ông Mồi luôn tìm kiếm đảo trưởng Vũ Văn Hà. Có lần tàu trả hàng ở cảng Hà Nội, ông về tận Kiêu Kỵ để tìm nhưng không thấy do thời gian đó, ông Hà vẫn ở Quảng Ninh.

Mãi đến năm 2010, thiếu tá - Chủ tịch xã Vũ Văn Hà nghỉ hưu và vào Sầm Sơn (Thanh Hóa) tìm kiếm, chắp nối được với chiến sĩ Lê Văn Mồi. Từ đó, 2 người tìm kiếm 5 anh em còn lại và được biết chiến sĩ báo vụ Nguyễn Văn Vinh (quê Hà Trung, Thanh Hóa) sau khi xuất ngũ đã mất vì bệnh nặng. Từ đó đến nay, thiếu tá Vũ Văn Hà lại thành đầu mối giúp đỡ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Khôi chỉ vào tấm hình mình, trong số 7 cán bộ, chiến sĩ trôi dạt 47 năm về trước
Cựu chiến binh Nguyễn Bá Khôi chỉ vào tấm hình mình, trong số 7 cán bộ, chiến sĩ trôi dạt 47 năm về trước

Đầu năm 2025, chiến sĩ Nguyễn Bá Khôi (người cuối cùng mất liên lạc sau gần 47 năm) cũng tìm về Gia Lâm, tham gia buổi hội ngộ của những người lính đã trôi dạt 8 ngày đêm trên biển Trường Sa. Những người chứng kiến buổi gặp, ai cũng bảo: "Sống sót sau 8 ngày đêm là cổ tích. Tìm được nhau sau gần 47 năm thì là kỳ tích và chỉ những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam, mới làm được".

Tháng 9.1979, hạ sĩ Nguyễn Quang Hợi rời đảo Phan Vinh, vào bờ học lớp 10 tại trường văn hóa Hải quân, tạo nguồn sĩ quan. Sau hơn 1 năm, tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu, tháng 2.1982, ông xin xuất ngũ, về quê làm nghề nông ở xã Quảng Minh, H.Quảng Xương, Thanh Hóa.

Sau sự kiện trôi dạt, ông Lê Ngọc Củng ở lại đảo Phan Vinh đến cuối 1982 mới vào bờ. Ông xin từ chối đi học sĩ quan, xuất ngũ về quê làm trưởng thôn. Giữa năm 1983, ông Củng cưới cô bộ đội Trần Thị Ngọ. Năm 2006, bà Ngọ mất vì bệnh hiểm nghèo. Năm 2018, cậu con trai đầu cũng mất, nên ông Củng phải nuôi 2 cháu nội. Hiện tại, 3 ông cháu ở trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ và mỗi ngày, ông dành thời gian làm việc công quả ở chùa làng, xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa.

Tháng 7.1981, thượng sĩ Ngọ Văn Vượng phục viên về quê làm Bí thư đoàn xã Thiệu Hưng (nay là thị trấn Thiệu Hóa, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Năm 1989, ông làm Phó công an xã, phó chủ nhiệm - chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp và đến năm 2010 thì nghỉ.

Cuối năm 1980, binh nhất Nguyễn Bá Khôi được vào bờ nghỉ phép. Đầu năm 1981 vào lại đơn vị và chuyển công tác sang đảo An Bang. Tháng 5.1982, trung sĩ Khôi xuất ngũ về quê, làm đủ các nghề từ thợ xây, xe ôm và bảo vệ cho các công ty. Hiện ông ở xã Nguyễn Văn Linh, H.Yên Mỹ, Hưng Yên, làm nghề trông coi quán bi a.

Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.