Nhớ lại câu chuyện gần 50 năm trước, ông Hợi bảo: "Nếu không có anh Hà và các anh động viên chăm sóc, tôi không còn sống đến ngày hôm nay".
Khắc dấu mạn xuồng
Ông Nguyễn Quang Hợi (sinh 1959, hiện đang ở xã Quảng Minh, H.Quảng Xương, Thanh Hóa), nhập ngũ tháng 10.1976 vào Lữ đoàn 146 Hải quân. Đầu năm 1978, đơn vị nâng cấp báo động chiến đấu, hạ sĩ Hợi nhận lệnh "sẵn sàng đi biển" và cuối tháng 3.1978, ông cùng 31 cán bộ, chiến sĩ xuống tàu HQ-680 của Hải đoàn 128 Hải quân; đến sáng 30.3.1978, đổ bộ lên đảo Hòn Sập (Phan Vinh).

"Lúc ấy tôi 19 tuổi, nhưng sống ở Phan Vinh từ ngày đầu đóng giữ, hay bơi lội, nên khi thấy đồng đội bị nạn, xung phong ngay", ông Hợi cười vậy và gật gù: "Mấy ngày đầu thì còn sức, nhưng càng về cuối càng đuối, nằm ngất lịm".
Ngày thứ 7 (4.11.1978) trôi dạt trên biển, nắng nóng và sóng to làm cả nhóm mệt lả. May mắn là buổi sáng hôm ấy, hạ sĩ Lê Văn Mồi phát hiện và vớt được một bẹ dừa thối, tìm kiếm bên trong có 1 con cua to bằng đồng xu và 4 con bằng hạt ngô. Thiếu úy Vũ Văn Hà chia đều: con to cho 3 người, 4 con nhỏ cho 4 người còn lại.
Buổi trưa, chiếc tàu cá nước ngoài hôm trước lại đến gần. 5 người nằm xuống giả chết. Thiếu úy Hà và chiến sĩ Củng vẫy tay xin cấp cứu, nhưng tàu cá tránh ra khoảng 20 m, cuối tàu có 2 người đàn ông xua tay, ra hiệu từ chối.
Thời điểm này, mọi người đều rộp da lở loét, sức lực cạn kiệt. Ai cũng đinh ninh sẽ chết trên biển, nên bàn bạc thiếu úy Vũ Văn Hà quyết định lấy đinh nhọn khắc vào mạn xuồng nhôm, đủ họ tên, năm sinh, quê quán của từng người và ghi rõ "quốc tịch Việt Nam". Buổi tối, thấy chiến sĩ Nguyễn Quang Hợi tím tái vì rét, đảo trưởng Hà và 5 anh em ngồi dựa lưng vào để truyền hơi ấm cho anh Hợi.
Chết cũng phải buộc dây giữ xác
Ông Lê Ngọc Củng (hiện đang ở thôn 6, xã Quảng Thái, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) sinh năm 1955, học hết lớp 7 thì ở nhà làm ruộng. Cuối năm 1976, ông nhập ngũ vào Lữ đoàn 146 Hải quân. Do nhiều tuổi hơn các chiến sĩ mới cùng lứa, lại rành rẽ việc đi biển, nên khi khung đảo Hòn Sập (Phan Vinh) thành lập, ông được chỉ huy đơn vị đưa vào làm tiểu đội trưởng. Buổi sáng 30.3.1978, ông Củng là chiến sĩ đầu tiên nhảy từ tàu HQ-680 xuống biển, đổ bộ lên đảo Hòn Sập.

Trong suốt thời gian trôi dạt trên biển, ông Củng thường xuyên đảm nhiệm các ca gác đêm nên đêm ngày thứ 7 (4.11.1978), ông nghe thấy tiếng chim. Báo cáo với đảo trưởng Vũ Văn Hà, ông nhận lệnh: "Tăng cường quan sát nghe ngóng, xuồng vào gần đảo hoặc bãi ngầm nên mới có chim" và tập trung vào ca gác.
Khoảng 21 giờ đêm 4.11.1978, cả nhóm nghe tiếng ầm ầm. Cứ tưởng tiếng máy tàu, nhưng sau mới biết là sóng vỗ vào thềm san hô. Mọi người ngồi ra 2 bên mạn để xuồng khỏi bị lật. Khi sóng lớn từ thềm san hô bật ra ào vào làm chìm xuồng, Lê Văn Mồi là người còn khỏe nên nhảy xuống dò đáy. Khi chân anh chạm san hô và nước ngang ngực, mọi người cùng nhảy xuống, đẩy xuồng vào bãi cạn.
Hạ sĩ Ngọ Văn Vượng buộc xuồng vào đá san hô. Nhưng do mất sức, buộc không chắc nên xuồng trôi ra ngoài. Đảo trưởng Hà kêu gọi mọi người dồn sức đẩy xuồng vào hồ nước trong bãi và thay nhau lặn xuống buộc dây xuồng vào đá.
Sau khi dìu nhau leo lên xuồng nằm nghỉ, ai cũng bị ù tai, nước từ trong mũi và tai cứ trào ra. Được một lúc thì binh nhất Nguyễn Bá Khôi đau ngực, khó thở. Mọi người vây quanh, tập trung xoa miết mạnh để Khôi ấm. "Chúng tôi bàn nhau, nếu ai bị chết thì không được vứt xác xuống biển mà buộc dây giữ lại trên xuồng. Tôi và anh Hà thống nhất: "Nếu chết chúng ta sẽ chết cuối cùng, nếu còn sống trở về sẽ kết nghĩa anh em"", cựu chiến binh Lê Văn Mồi nhớ lại rành rọt vậy…
Được cứu sau 8 ngày đêm
Buổi sáng ngày thứ 8 (5.11.1978), mọi người tỉnh dậy, thấy xuồng nằm trong hồ nước giữa bãi san hô. Khi thủy triều rút, 6 người (chiến sĩ Vượng không ngồi dậy được) bò ra khỏi xuồng, xuống bãi san hô tìm đồ ăn. Ban đầu không tìm được gì, Củng và Khôi kiệt sức bò lại về xuồng nằm cùng Vượng. Thiếu úy - đảo trưởng Vũ Văn Hà và 3 chiến sĩ (Lê Văn Mồi, Nguyễn Quang Hợi, Vinh) tìm được 2 con ngao biển, dùng đá san hô đập vỡ vỏ, mang về xuồng chia nhau ăn sống.

Sau khi đã hồi sức bằng ngao biển và hải sâm, mọi người quan sát xung quanh và phát hiện 1 vật màu đen ngoài biển. Nhìn kỹ thì thấy vật đó tiến lại gần, nhận dạng là con tàu, giống tàu vận tải 641 mấy lần ra đảo Phan Vinh.
Cả nhóm bàn nhau khiêng xuồng ra khỏi bãi cạn, tiếp cận tàu. Nếu là tàu nước ngoài thì xin nước ngọt, đồ ăn. Lúc này, chiến sĩ Vượng đã kiệt sức, phải nằm trên xuồng cho mọi người loạng choạng khiêng xuồng vượt qua bãi đá.
Cách khoảng 1,5 km thì cả nhóm phát hiện đó là tàu hải quân ta. Trên tàu đang phát tín hiệu cờ tay của chiến sĩ thông tin và rất nhiều người ở trên boong. Như có sức mạnh, cả 6 người khiêng xuồng chạy băng băng qua bãi san hô.
"Đến gần hơn, chúng tôi thấy tàu 641 đang bắn pháo hiệu. Tự nhiên mọi người gục xuống, vừa bò vừa khóc nức nở… Tàu 641 dừng ngoài mép xanh, thả xuồng cao su, đưa 4 người yếu nhất (Vinh, Vượng, Củng, Khôi) ra trước, còn lại đi chuyến sau. Lên tàu, mọi người xúm lại đưa anh em vào giường đắp chăn, xoa dầu nóng. Thuyền trưởng Thuận và thuyền phó Chính phân công các thủy thủ chăm sóc và bón từng thìa cháo cho chúng tôi", ông Vũ Văn Hà nhớ lại vậy và rành mạch: "Sau 2 tiếng, tôi tỉnh hẳn và hỏi chỉ huy tàu, mới biết mình đã trôi dạt đến bãi cạn Kỳ Vân, cách đảo Phan Vinh 61 hải lý (gần 113 km) về phía đông nam"…
Chiều tối 5.11.1978, tàu 641 đưa 7 cán bộ, chiến sĩ về tới đảo Phan Vinh. Hôm sau, thiếu úy Vũ Văn Hà viết điện cơ yếu gửi ra Quân chủng Hải quân: "Nghẹn ngào xúc động, 7 anh em chúng tôi đã được Đảng, Bộ Quốc phòng, Quân chủng và tàu 641 đưa trở về với lòng mẹ. Chúng tôi hứa sẽ chóng hồi phục sức khỏe để tham gia học tập, công tác và đền đáp công ơn sâu nặng đó"…
(còn tiếp)
Theo báo cáo, Quân chủng Hải quân đã cử 2 tàu HQ-641 (sau đổi phiên hiệu là tàu HQ-671, được công nhận "bảo vật quốc gia", đang trưng bày tại Bảo tàng Hải quân, TP.Hải Phòng) và HQ-607 của Hải đoàn 125 (nay là Lữ đoàn vận tải quân sự 125, Vùng 2 Hải quân) kiên trì vượt qua sóng gió tìm kiếm 7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh trôi dạt trên biển.
8 giờ sáng 5.11.1978, tàu HQ-641 (do thiếu tá Võ Hán chỉ huy) đã tìm thấy bộ đội trên bãi Kỳ Vân (Trường Sa) và sau sự kiện này, tàu 641 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Trong cuộc tìm kiếm này, Bộ Quốc phòng cũng đã điều động máy bay C-130 (chiến lợi phẩm sau ngày 30.4.1975) của Trung đoàn 918 (nay là Lữ đoàn 918), Quân chủng Phòng không - Không quân đi tìm kiếm. Tuy nhiên, do xuồng bé, điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên máy bay đã không phát hiện được mục tiêu.
Theo Mai Thanh Hải - Nguyễn Văn Hải (TNO)