Trung tâm đặc khu nằm ở đảo khó khăn nhất
Nhìn trên bản đồ, đặc khu Kiên Hải là 3 cụm đảo nằm nối tiếp nhau, từ phường Rạch Giá (An Giang) ra biển Tây Nam, ngoài cùng xa tít là đặc khu Thổ Chu.

Đảo Hòn Tre là nơi đặt trung tâm hành chính đặc khu. Đây là đảo gần bờ nhất, cách phường Rạch Giá khoảng 30 km, đi tàu cao tốc mất khoảng 1 tiếng.
Tra trên Google, đa số ra kết quả "Hòn Tre đảo du lịch Vinpearl nổi tiếng Nha Trang, Khánh Hòa".

Còn về Hòn Tre của đặc khu Kiên Hải thì có diện tích chỉ hơn 4 km2 với số dân trên 4.000 người. Đảo có 1 đường chính dài khoảng 11 km chạy quanh đảo. Trên đảo có trạm cấp nước, nhưng về mùa khô vẫn thiếu nước sinh hoạt và người dân phải dùng nước khe suối.

Về giao thông, muốn ra đảo chỉ có cách đi tàu từ Rạch Giá. Mỗi ngày, tàu chỉ 1 chuyến ra vào từ Rạch Giá.
Ngoài ra, các chuyến tàu cao tốc chở khách đi Hòn Sơn, Nam Du cũng thường ghé ngang đảo, chủ yếu để phục vụ đi lại của cán bộ, người dân trên đảo, chứ khách du lịch rất ít tìm đến.
Cuối năm 1982, trước yêu cầu an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế biển đảo, nhận thấy vùng biển rộng lớn, nhiều đảo cách đất liền rất xa, có đảo hơn 100 km, rất khó cho công tác quản lý..., tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ cho thành lập huyện mới, lấy tên là Kiên Hải.

Ngày 29.3.1983, Chính phủ thành lập huyện Kiên Hải trên cơ sở xã đảo Lại Sơn (cả quần đảo Nam Du và Hòn Tre), huyện An Biên; quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa và Hòn Nghệ thuộc huyện Hà Tiên.
Khi thành lập, Kiên Hải có 6 xã, gồm: Xã Hòn Tre (trung tâm huyện), xã An Sơn (quần đảo Nam Du), xã Lại Sơn (hòn Sơn Rái), xã Hòn Nghệ, xã Sơn Hải (quần đảo Bà Lụa) và xã Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc).

Năm 1987, Kiên Hải còn 5 xã (xã Tiên Hải được giao về thị xã Hà Tiên).
Năm 2000, Kiên Hải còn lại 3 xã (Hòn Tre, Lại Sơn và An Sơn), diện tích tự nhiên là 27,85 km2, gồm 23 đảo, trong đó xã An Sơn gồm 21 đảo.
Năm 2005, xã Nam Du được thành lập, trên cơ sở tách ra từ xã đảo An Sơn huyện Kiên Hải gồm 10 hòn đảo, với 3 ấp (An Bình, An Phú và Hòn Mấu).
Trước 6.2025, huyện Kiên Hải thuộc tỉnh Kiên Giang, gồm 4 xã, 13 ấp.
Ngày 30.6, sau khi kết thúc lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập tỉnh An Giang mới, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, Tỉnh ủy - UBND tỉnh An Giang đã chỉ định ông Nguyễn Quốc Tuấn làm Bí thư Đảng ủy, ông Châu Hùng Kỳ giữ chức Chủ tịch UBND đặc khu Kiên Hải, thuộc tỉnh An Giang.
Mới phát triển du lịch từ 2017
Xã Lại Sơn nằm trên đảo Hòn Sơn, cách Hòn Tre khoảng 35 km, rộng gấp 3, dân đông gấp 2 so với đảo Hòn Tre. Đây là đảo có nhiều cảnh đẹp, thu hút khách du lịch và đảm bảo nước sạch, giao thông, hạ tầng... với hơn gần 70 cơ sở lưu trú.

Lượng du khách đến xã Lại Sơn, quý 1/2025 trên 64.000 lượt khách, nâng tổng mức doanh thu hàng hóa, dịch vụ, du lịch lên 112 tỉ đồng (58,86%, kế hoạch năm).

Đông đúc nhộn nhịp nhất đặc khu Kiên Hải là quần đảo Nam Du nằm phía ngoài biển Tây Nam, với 2 xã An Sơn và Nam Du. Quần đảo này có 21 đảo, lớn nhất là đảo Nam Du của xã An Sơn và nhỏ hơn là đảo Hòn Ngang của xã Nam Du. Sự trái ngược này đã khiến rất nhiều người lầm: đảo Nam Du thuộc xã Nam Du.

Giao thông của đặc khu Kiên Hải chủ yếu là đường biển nối với đất liền và các xã thuộc đặc khu. Tuyến đường biển chính, từ Rạch Giá đi Hòn Tre, Lại Sơn và An Sơn, Nam Du là 90 km, có nhiều tàu cao tốc hoạt động nên việc đi lại giữa các đảo thuận lợi (khi thời tiết tốt).

Nếu như xã Nam Du ở Hòn Ngang (rộng 4,4 km, cách xã An Sơn 7 km) chỉ có hơn 2.000 người dân làm nghề biển, nuôi trồng thủy sản, thì cư dân xã An Sơn trên đảo Nam Du lên đến hơn 4.000 người và chủ yếu làm dịch vụ, du lịch.

Mặc dù cách phường Rạch Giá 90 km, nhưng xã An Sơn thu hút được nhiều khách du lịch do có nhiều cảnh đẹp. Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh Kiên Giang (cũ) công nhận khu du lịch quần đảo Nam Du năm 2017, lượng khách tham quan du lịch ngày càng tăng. Hiện tại, Nam Du có gần 50 cơ sở lưu trú, phục vụ du khách.

Nhìn tổng thể, cả 2 xã Lại Sơn và An Sơn sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, nhưng chưa đa dạng sản phẩm du lịch. Hoạt động du lịch ở đây loanh quanh cũng chỉ: Ăn hải sản, tắm biển, đi vòng quanh đảo xem đời sống cư dân và... về phòng nghỉ. Đặc biệt, ít có doanh nghiệp du lịch lớn đến đầu tư.
Năm 2025, đặc khu Kiên Hải phấn đấu đón 555.000 du khách
Cuối tháng 3.2025, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn (nay là Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang) đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải (nay là đặc khu) năm 2025.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phấn đấu đạt hơn 4.544 tỉ đồng (tăng 10,25% so cùng kỳ); trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 855 tỉ (tăng 18,68% so cùng kỳ); số lượt khách du lịch đạt 555.000 lượt (tăng 0,56% so cùng kỳ). Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản phấn đấu 42.650 tấn. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 14,8 tỉ đồng.

Các giải pháp phát triển kinh tế Kiên Hải trong năm 2025: Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, nuôi trồng thủy sản quanh các đảo và trên biển; tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư triển khai thực hiện dự án nuôi biển và các lĩnh vực khác; rà soát và quản lý nguồn nước ngọt tại các xã đảo, để đảm bảo nước ngọt sinh hoạt cho người dân vào mùa khô; nâng cấp lò đốt rác hiện có và lắp đặt lò đốt rác mới, xử lý tốt rác thải...

Bài toán "thế mạnh đặc khu"
Trong chuyến khảo sát trước khi lên đặc khu (5.2025) ở Kiên Hải, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang (nay là An Giang) đã chỉ ra khó khăn của huyện (giao thông chưa thuận tiện, thiếu nước ngọt, một số xã chưa có mạng lưới điện quốc gia; đất ở, đất sản xuất cho người dân hạn chế) và nhấn mạnh: "Muốn phát triển nhanh và bền vững, cần có sự đầu tư đồng bộ về quy hoạch hạ tầng, nhân lực và nâng cao nhận thức người dân trong phát triển kinh tế".

Địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng đặc khu... Một trong những yêu cầu cấp thiết được đặt ra là siết chặt công tác quản lý đất đai, rừng, trật tự xây dựng và đất công. Chính quyền địa phương cần phối hợp với công an, quân sự, các lực lượng đóng quân để quản lý chặt chẽ, bảo vệ rừng và ngăn chặn xây dựng trái phép; cần đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sạchđể đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất. Khảo sát, đề xuất các dự án trữ nước phù hợp, đáp ứng nhu cầu dân sinh và du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải (nay là Bí thư Tỉnh ủy An Giang, chỉ đạo trong chuyến khảo sát, kiểm tra và làm việc với huyện Kiên Hải, 14.5.2025)
Một số chuyên gia nhận định: Đưa Kiên Hải lên đặc khu, có lẽ người ta nhắm đến việc bảo vệ ngư trường Tây Nam và thu hút khách du lịch bình dân ở các tỉnh miền Tây, phía nam. Bởi tỉnh An Giang mới có tới 3 đặc khu, và phát triển du lịch, đứng đầu là Phú Quốc và bảo vệ chủ quyền, là đặc khu Thổ Châu.

Vấn đề "thế mạnh để thành đặc khu, định hướng cho đặc khu", không chỉ từ Trung ương, mà còn ở chính những người đã tham mưu đề xuất. Nếu không có đường đi rõ ràng, e rằng sự "chín ép" sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của địa phương.
Theo Mai Thanh Hải - Nguyễn Độc Lập (TNO)