Cũng chẳng có bài học lịch sử cụ thể nào nhắc đến những chuyến bay chỉ mang theo quần áo, thuốc men và một lá cờ đỏ sao vàng.

Nhưng giữa những đợt gió mùa, những lần báo bão hay tiếng chuông cấp cứu, họ, những phi công thầm lặng của Lữ đoàn không quân vận tải 918, Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ), lại cất cánh.
Chiến đấu và phục vụ chiến đấu
Hành trình của những người lính 918 bắt đầu ngay sau ngày giải phóng miền nam với những bộn bề, ngổn ngang thời hậu chiến. Một số lượng lớn các loại máy bay của chế độ cũ như C-130, C-119, C-47 cần được tiếp thu, chuyển loại để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng. “Ban đầu thì khá là khó khăn, chúng tôi phải nhờ chính những người lính của chế độ cũ còn ở lại để dạy cho mình”, Đại tá Vương Văn Cao, nguyên phó Trung đoàn trưởng 918 nhớ lại.
Cứ như thế, những chiếc máy bay đầu tiên tiếp quản từ đối phương được đưa vào khai thác, sử dụng thực hiện nhiệm vụ vận chuyển quân sự Bắc - Nam, đưa hàng nghìn lượt bộ đội đi thực hiện nhiệm vụ an toàn.
Từ giữa năm 1979, quá trình hiện đại hóa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ. Những loại máy bay chiến lợi phẩm hết niên hạn sử dụng và không có vật tư thay thế bị loại ra khỏi biên chế. Cùng lúc này, chính phủ Liên Xô (trước kia) viện trợ cho 918 một trung đoàn máy bay vận tải hạng nhẹ Antonov An-26. Chính từ đây, hành trình lịch sử của một đơn vị anh hùng bắt đầu.
Cuối thập niên 1970, quân Pol Pot tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, tình hình biên giới Tây Nam căng thẳng. Không ai nghĩ rằng, những chiếc máy bay vận tải lại có thể trở thành vũ khí tấn công. Nhưng những người lính kỹ thuật của 918 đã nghĩ khác. Họ cải tiến băng chuyền vận tải thành bộ giá đỡ bom. “Cứ buổi chiều chúng tôi triển khai máy bay về sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), nửa đêm, tất cả các nhân viên kỹ thuật vũ khí hàng không nạp bom lên máy bay, thậm chí đến hàng chục chiếc, mỗi một chiếc khoảng ba tấn bom”, Đại tá Hà Đức Tuế, nguyên Trung đoàn trưởng 918 kể lại, “Sang năm 1981, tình hình chiến trường diễn ra ác liệt, chúng tôi được lệnh phối thuộc với mặt trận 479 suốt các sân bay Siêm-Riệp, Pô-Chen-Tông, Bat-Tam-Bang để phục vụ vận chuyển thương bệnh binh từ chiến trường về Bệnh viện 175 ở TP Hồ Chí Minh đồng thời đưa bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng vũ khí đạn dược sang Campuchia làm nhiệm vụ”.
Tổ quốc gọi, 918 bay! Những chiếc An-26 từ thao trường bay thẳng vào chiến trường xuyên qua rừng núi, qua vùng chiến sự, đầy rẫy những điểm pháo kích. Chỉ nhớ lại thôi mà vẫn khiến Đại tá Hà Đức Tuế thoáng rùng mình: “Có những lúc, tổ bay vừa nhận nhiệm vụ bay xong thì nhận thêm thông báo là khả năng ở phía dưới các đỉnh núi sẽ có tên lửa vác vai của địch bắn lên. Thế là chúng tôi phải căng não tính phương án tiếp cận trận địa bằng cách bay vòng thấp, hạ cánh nhanh nhất. Nói thì đơn giản nhưng làm được là cả một vấn đề đối với phi công tổ bay và dẫn đường”.
Chuyến bay cảm tử
Ngày 16/3/1988, chỉ ba ngày sau sự kiện Gạc Ma đầy máu và nước mắt, đảo Sinh Tồn (hiện thuộc đặc khu Trường Sa) gần như bị phong tỏa. Trên đảo chỉ toàn những thương binh, áo quần ướt lạnh, thuốc men cạn kiệt, hậu cần tê liệt. Ngay lập tức, tổ bay An-26 của Lữ đoàn 918 nhận nhiệm vụ đặc biệt: Tiếp tế khẩn cấp cho đảo trong tình huống chưa từng có tiền lệ. “Trong thuốc men thì có rất nhiều các chai truyền mà chúng tôi không có dù chuyên dụng để thả. Phương án đưa ra là đóng thành kiện rồi lèn quần áo chung quanh, sau đó chúng tôi sẽ bay thật thấp rồi thả để tránh xung lực gây vỡ chai truyền, đồng thời phải tính toán sao cho thả hàng dọc bờ biển vì vào sâu quá thì nguy hiểm cho bộ đội trên đảo, thả xa ngoài biển thì chìm mất”, Đại tá, phi công Nguyễn Anh Sơn kể lại. “Chỉ cần máy bay xuống dưới 500 m thôi là cái hiệu ứng thị giác khiến mình thấy mặt biển cong như cái chảo và nước biển cao hơn máy bay rồi. Lúc đấy không dám phân tán tư tưởng, chỉ tập trung gần như nín thở để giữ vô-lăng cho máy bay bay thật thẳng, không nhấp nhô, bởi vì chỉ cần nghiêng hoặc xuống một tí mà quệt vào nước là xuống luôn khỏi phải lên nữa”, Đại tá Sơn vẫn nhớ như in cảm giác ngày ấy.
Chuyến bay cảm tử của 918 ngày 16/3/1988 đã giúp tiếp tế thuốc men, nhu yếu phẩm xuống đảo Sinh Tồn, kịp thời chữa trị, cứu sống lực lượng bộ đội bị thương trên đảo. “Tôi từng kể lại câu chuyện về chuyến bay ấy trên Facebook của mình rồi một ngày nọ, có bạn nhắn cho tôi rằng, bố em đã trở về vì được cứu sống ở Sinh Tồn. Đọc xong tin nhắn ấy, tôi khóc”, Đại tá Nguyễn Anh Sơn đưa cả hai tay lên để lau dòng nước đang chảy dài trên má.

Những cánh bay trong cơn hồng thủy
“Vút lên trời cao anh bay vào giông tố, về với miền trung quê mẹ yêu thương. Đâu những hàng tre xóm làng quen thuộc, giữa đêm mùa đông lũ tràn về xóa hết, bến nước cây đa giờ ngập trắng mênh mông…” - đó là lời ca khúc “Những cánh bay giữa trời hồng thủy” được Đại tá Mai Khả Độ, nguyên Trung đoàn trưởng 918 sáng tác trong trận lũ lụt lịch sử ở miền trung năm 1999. Hàng nghìn ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, hàng vạn người chịu cảnh màn trời chiếu đất, cơn ác mộng ấy có lẽ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí mọi người. Giữa những thời khắc gian nguy nhất của thiên tai, bão lũ hay tai nạn khẩn cấp, khi sinh mạng người dân đang bị đe dọa, những cánh bay của 918 lại lập tức lên đường. “Chúng tôi thiết lập một cầu hàng không quân sự đặc biệt dành cho chiến dịch cứu trợ miền trung, phía bắc từ Gia Lâm - Vinh - Đồng Hới - Phú Bài - Đà Nẵng; phía nam từ Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng - Chu Lai - Phú Bài. Thời tiết xấu vô cùng nhưng tổ bay nào cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, Đại tá Mai Khả Độ nhớ lại. “Tất cả anh em phi công và các lực lượng khác từ thợ máy đến cơ quan hậu cần, kỹ thuật, thông tin đều gồng mình lên tiếp nhận hàng cứu trợ rồi phục vụ các chuyến bay. Có những phi công và tổ bay ở hàng tháng trời trong sân bay Phú Bài (Huế), có những phi công làm con thoi cứ từ Đà Nẵng - Phú Bài, Phú Bài - Đà Nẵng, có những chỉ huy bay ở hẳn đơn vị đến hết chiến dịch”, Đại tá Hà Đức Tuế tiếp lời.

Không phân biệt ngày đêm, mưa bão hay địa hình hiểm trở, những người lính 918 đã thực hiện hàng trăm chuyến bay chuyển hàng cứu trợ, đưa người bị thương về tuyến sau. Có những tổ bay bay vào tâm bão, hạ cánh trong điều kiện gần như không thể, chỉ với một mục tiêu duy nhất: Cứu người. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu trong thời bình với thiên tai, với hiểm nguy vì tính mạng và sự an toàn của nhân dân, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, là lòng nhân ái, là nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Bay giữa trời Tổ quốc
Sinh ra từ ngày chiến thắng, ngay từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Lữ đoàn Không quân 918 đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó: Bay chuyển tiếp chỉ huy cho các máy bay tiêm kích, bay tuần tiễu, trinh sát Trường Sa; bay vận chuyển hàng viện trợ quốc phòng, phục vụ hội nghị quốc tế, đón - đưa cán bộ cấp cao đi công tác nước ngoài. Đặc biệt, năm 2014, Lữ đoàn đã tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích MH-370 của hãng hàng không Malaysia trên vùng biển quốc tế. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và nhân đạo, các tổ bay của 918 đã góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia chủ động, có trách nhiệm trong hợp tác quốc phòng đa phương.
Trong suốt hành trình đó, cùng với những chiến công thầm lặng là những tổ bay mãi mãi ở lại với bầu trời, hóa thân thành mây, gió để nâng cánh bay cho những thế hệ hôm nay. Nghề phi công quân sự, đặc biệt với lực lượng vận tải làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm với địa hình bay phức tạp, núi cao, biển xa, luôn tiềm ẩn nguy cơ. Chính sự chấp nhận rủi ro để thực hiện nhiệm vụ đã làm nên phẩm chất đặc biệt của lính bay - những con người sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho trời xanh Tổ quốc.
Ngày 21/5/1975, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 78/QĐ-QP do Thiếu tướng Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký, thành lập 4 trung đoàn không quân 917, 918, 935 và 937, sử dụng máy bay chiến lợi phẩm để làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển phía nam Tổ quốc. Trung đoàn Không quân 918 được giao sử dụng các loại máy bay vận tải quân sự như C-130, C-119, C-7, C-47 và DC-4, đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 19 giờ ngày 5/7/1975, Trung đoàn 918 tổ chức lễ ra mắt chính thức - sự kiện được xem là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của đơn vị.
Ngày 22/5/2013, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh ký Quyết định số 1682/QĐ-BQP, chính thức tổ chức lại Trung đoàn 918 thành Lữ đoàn Không quân 918, trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.
Khẳng định quyết tâm của toàn lực lượng trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại tá Đỗ Văn Lành, Lữ đoàn trưởng Không quân 918 và Thượng tá Đào Ngọc Xuân, Chính ủy Lữ đoàn đều chung nhận định: “Hiện nay, Lữ đoàn đã làm chủ nhiều loại máy bay hiện đại như CASA-212.400, CASA-295, NC-212i có tích hợp radar biển, hệ thống định vị, thông tin số hóa, khả năng bay dài ngày trên biển, thực hiện tốt các nhiệm vụ vận tải, tuần tra, cứu hộ và giám sát không - biển”.
Lữ đoàn 918 hôm nay là sự giao thoa giữa bản lĩnh cha anh và sức bật thời đại để mỗi khi máy bay lăn bánh trên đường băng, là một thế hệ mới tiếp tục bay lên bằng đôi cánh niềm tin và trách nhiệm. Ở 918, người ta thấy những “cánh bay thời gian” - nối tiếp quá khứ hào hùng và viết tiếp tương lai vững mạnh. Dù năm tháng qua đi, đó vẫn mãi là đôi cánh của nhân dân, của Tổ quốc, của tương lai.
Theo Bài và ảnh: PHẠM KHẮC LƯỢNG (NDO)