Giữ gìn văn hóa truyền thống
Làng Đăk Asêl có gần 98% dân số là người dân tộc Bahnar. Dân làng chủ yếu sống bằng nghề nông với cây trồng chính là cà phê và lúa nước. Bên cạnh đó, một số hộ trồng chanh dây, mắc ca, cây ăn quả...

Làng có một nhà rông văn hóa, bên trong trưng bày một số sản phẩm thủ công truyền thống, nhạc cụ dân tộc. Việc quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống được thể hiện rõ qua việc làng có đến 2 đội cồng chiêng (1 đội người lớn và 1 đội trẻ em). Mỗi đội có 30 thành viên. Ngoài trình diễn cồng chiêng, nhiều thành viên còn chơi được các loại nhạc cụ dân tộc khác và biết hát dân ca.
Chúng tôi ghé thăm nhà anh Đinh Vác. Đó là ngôi nhà gỗ 3 gian lợp mái ngói đã nhuốm màu thời gian. Gia đình anh Vác là một trong những hộ có đời sống tương đối ổn định.
Bước vào trong ngôi nhà, chúng tôi thấy các ché rượu cần được ủ sẵn xếp ngay ngắn thành hàng để dùng vào những ngày vui. Phía trên trần nhà treo những chiếc gùi, nia, rổ… dùng trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Anh Vác vui vẻ trò chuyện với khách, tay vẫn thoăn thoắt đan chiếc rổ dùng để xúc cá.
“Từ việc đan lát, dệt thổ cẩm cho đến làm men để ủ rượu cần… đều do các thành viên trong gia đình mình làm để gìn giữ truyền thống. Nhiều người dân trong làng biết đan lát nên sản phẩm làm ra chủ yếu tự cung tự cấp chứ không bán. Nếu du khách có nhu cầu mua về làm quà lưu niệm, tôi có thể đan những sản phẩm nhỏ gọn, phù hợp trong thời gian ngắn”-anh Vác cho biết.
Dạo quanh ngôi làng có nếp sống bình yên, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh bà Đinh Thị Toại trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào Bahnar. Bà ngồi bên góc hiên nhà, cặm cụi dệt chiếc khăn choàng cổ bằng thổ cẩm được phối màu đẹp mắt với những hoa văn nổi bật.

“Để dệt xong chiếc khăn phải mất khoảng 1 tuần, tôi bán với giá 1 triệu đồng. Ngoài khăn choàng, tôi còn dệt váy, áo, khố, địu… theo đặt hàng thường xuyên, đa phần là của người Bana nơi khác không còn biết dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống”-bà Toại chia sẻ.
Chung tay làm du lịch cộng đồng
Theo anh Đinh Văn Quý-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Asêl: Từ tháng 10-2023, 37 hộ dân trong làng đã được tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng, trang bị kiến thức về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar.
Nhờ đó, nhiều người dân trong làng đã biết cách làm du lịch cộng đồng. Trong đó, chị Đinh Thị Thu Hạ là gương mặt trẻ khá nổi bật trong các hoạt động du lịch của làng, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với khách nước ngoài. Hiện nay, làng Đăk Asêl có 3 hộ kinh doanh dịch vụ homestay bài bản, đáp ứng được các điều kiện cơ bản phục vụ du khách.

Đi tiên phong mở homestay chính là anh Đinh Văn Quý. Năm 2017, khi còn là nhân viên bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang), anh Quý đã tham gia hướng dẫn những nhóm khách nhỏ có nhu cầu khám phá vẻ đẹp nơi đây. Sau khi nghỉ công việc bảo vệ rừng, anh Quý hăng hái tham gia các hoạt động phục vụ du lịch ở làng.
Trong đợt học tập kinh nghiệm tại Hà Giang, anh Quý thấy người dân tộc thiểu số phía Bắc có cách làm du lịch rất hay. Trở về làng, anh Quý và nhóm bạn cùng chí hướng hợp tác làm du lịch, kết nối với các công ty du lịch lữ hành, đồng thời xây dựng homestay để phục vụ du khách.
Du khách đến thăm làng được đưa đi tìm hiểu đời sống của người dân địa phương; tổ chức cắm trại, giao lưu cồng chiêng, phục vụ ẩm thực truyền thống... Nếu du khách có nhu cầu chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các dòng thác kỳ vĩ nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh Kon Chư Răng, nhóm du lịch cộng đồng làng Đăk Asêl đều có thể đáp ứng.
“Mong muốn lớn nhất khi bắt đầu làm du lịch cộng đồng là bà con, nhất là thanh niên có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, áp dụng thêm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển nông nghiệp địa phương gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn”-anh Quý bày tỏ.