Chuyện đất và người ở Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vùng đất hoang vu, khô cằn, nhiễm phèn từ đời này sang đời khác; đói nghèo miên viễn ụp xuống từng nóc nhà ở khắp những ngôi làng dưới chân đèo Chư Sê tưởng không bao giờ thoát ra được.

Nhưng tất cả đã sang trang từ năm 2002 khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ xuất hiện cùng dòng nước mát lành. 23 năm đã trôi qua nhưng tất cả những cư dân tôi gặp, trò chuyện-kể cả những người còn rất trẻ-đều bồi hồi khi nhắc nhớ về ngày cũ…

Sở dĩ họ bồi hồi là bởi công trình đại thủy nông Ayun Hạ trên cao nguyên không chỉ mang nước về đánh thức những cánh đồng, thửa đất mênh mông tiếp nối bao la, thổi những luồng sinh khí mới vào từng mái nhà, mà còn mở ra niềm tin tương lai tốt đẹp cho cộng đồng di dân mở đất, dựng nghiệp từ tay trắng.

1lay-chot-bg.jpg
Hồ thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Phạm Quý

Trong ký ức đói nghèo miên viễn

Ngồi trong ngôi nhà xây khang trang sát QL 25 thuộc thôn Sơn Bình, xã Chư A Thai đưa ánh nhìn về cánh đồng dưới chân hồ thủy lợi Ayun Hạ lấp loáng sóng nước, ký ức ngày đầu vỡ đất ở nơi đây ùa về trong tâm trí bà Phạm Thị Nhĩ, 70 tuổi, quê Ninh Bình.

Bà Nhĩ trầm giọng kể: Quê tôi ở vùng chiêm trũng Ninh Bình đất hẹp người đông, thường xuyên chật vật. Sau năm 1975, với mong ước chủ động đổi thay cuộc sống, vợ chồng tôi cùng nhiều bà con quyết định di cư vào đây. Khi đó, chúng tôi được huyện Ayun Pa (cũ) bố trí chỗ ở tại khu vực gần miếu Dinh Điền, cách nhà ở hiện tại khoảng 1 km. Đây cũng là vùng đất trũng, thường bị ngập nước, chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi. Mang theo bao nhiêu hy vọng thì khi đối diện thực tế chúng tôi vỡ mộng bấy nhiêu.

Chúng tôi lên núi cắt cỏ tranh về dựng lều ở. Cũng phải lên núi lấy nước suối về nấu ăn, tắm giặt bởi nguồn nước gần chỗ ở bị nhiễm phèn rất nặng. Số lương thực, thực phẩm được Nhà nước cấp phát chỉ như “muối bỏ bể”, hết cái vèo. Chúng tôi ra sức khai hoang để trồng lúa rẫy, đậu, lên rừng hái rau, măng rừng... Kể như vậy không phải để than khổ đâu, mà để cùng nhau khẳng định công trình Ayun Hạ đã tạo ra sự thay đổi lớn lao đến như thế nào.

Di cư từ Thanh Hóa vào Chư A Thai từ 35 năm trước với hai bàn tay trắng, ông Vy Văn Tỵ-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sơn Bình tâm sự: Giữa năm 1990, cả gia đình tôi quyết định chuyển vào đây lập nghiệp. Lúc mới vào nơi đây là đất hoang, cây cối mọc um tùm. Thời ấy vùng này còn nhiều rừng, đến mùa mưa lạnh lắm. Ăn uống thì được bữa nào hay bữa ấy, ai cũng gầy còm do thiếu ăn. Nhưng đất đai thì bao la, sau khi thu hoạch vụ lúa rẫy đầu tiên, cuộc sống đỡ vất vả. Ngay từ ngày ấy ai cũng biết mọi khó khăn bắt đầu từ chỗ thiếu nước-cả nước để sản xuất và sinh hoạt. Rồi cũng có tin Nhà nước đang cho khảo sát để lập dự án làm công trình thủy lợi. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của người dân và việc nghiên cứu xây dựng công trình thủy lợi là sự quan tâm có tầm chiến lược. Đó là lý do khiến chúng tôi bảo nhau vững tin, quyết tâm bám rễ định cư nơi này.

2lay-bg.jpg
Xã Chư A Thai. Ảnh H.S

Theo bố mẹ vào Chư A Thai từ năm 1984, anh Phạm Văn Huế - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Kết-chia sẻ: Bố mẹ tôi thường kể, trước năm 1975, chế độ cũ di dân từ Bình Trị Thiên và Quảng Nam lên đây lập ấp, gọi tên là Dinh Điền. Nhưng rồi chiến tranh buộc họ phải rời đi, để lại vùng đất hoang hóa đầy bom mìn. Khi bà con lên đây lập nghiệp, FULRO còn ẩn trong rừng về quấy phá. Những trận đánh giữ làng, giữ xóm diễn ra thường xuyên, nhưng rồi mọi thứ cũng đổi thay dần. Tất cả đổi thay tích cực từ khi có dòng nước mát từ hồ Ayun Hạ. Có thể nói, rất nhiều ước mơ đã trở thành hiện thực, chúng ùa về cùng một lúc với tất cả mọi gia đình di dân từ đó.

Những cuộc đổi đời ngoạn mục

Những vùng đất nhiễm phèn khô khát bao la hun hút theo những cánh rừng, vạt đồi, nối nhau đến tận chân trời thoắt cái đã thành ruộng vườn màu mỡ. Chủ động được nước tưới và được cấp đủ nước, người dân bắt đầu trồng lúa hai vụ, năng suất tăng, mùa màng không còn phụ thuộc nước trời. Rồi không chỉ có lúa, kế đó là đậu đỗ, là điều, là tiêu, là mì… Và bất ngờ là người ta mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm.

Ông Nguyễn Văn Việt, ở phường Ayun Pa kể: Khi công trình hồ thủy lợi Ayun Hạ đi vào hoạt động, cây lúa đã nhanh chóng làm chủ cả thung lũng rộng lớn dưới chân đèo Chư Sê. Với 2 ha ruộng, gia đình tôi thu hàng chục tấn thóc mỗi năm. Riêng vụ Đông Xuân 2024 - 2025, gia đình tôi thu chừng 35 tấn thóc. Cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn.

Từ cây lúa, người dân mở rộng sang mía, mì, điều và có thu nhập cao hơn. Dòng nước mát lành Ayun Hạ giúp cả một vùng sinh thái sinh sôi, nảy nở tốt tươi. Một đại diện cho thế hệ thứ 2 trưởng thành ở vùng đất cha ông mở lối, anh Phạm Văn Huế tâm sự: Nhà tôi có 600 cây điều, mấy sào lúa, rẫy mì. Nhờ chủ động được nước tưới nên năng suất cây trồng ổn định. Hoa lợi từ ruộng vườn giúp gia đình tôi sinh sống thong thả, xây được nhà, nuôi con ăn học nên người.

3lay-bg.jpg
Gia đình anh Hà Kim Thành, ở thôn Sơn Bình, xã Chư A Thai khá lên nhờ theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh H.S

Cũng thuộc thế hệ thứ 2 trên vùng đất mới, anh Hà Kim Thành, ở thôn Sơn Bình, xã Chư A Thai phấn khởi kể: Gia đình tôi có 1 ha ruộng và rẫy mì ngay dưới chân hồ thủy lợi Ayun Hạ. Sau vài vụ mì, nhận thấy thế đất thuận lợi để theo nghề trồng dâu nuôi tằm, tôi chuyển 2 ha đất trồng mì sang trồng dâu nuôi tằm và đầu tư làm hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái.

Theo ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, từ vùng đất chỉ có nhà tranh vách đất nay đã hình thành những khu dân cư đông đúc, nhà xây khang trang; hệ thống đường giao thông được quy hoạch, đầu tư xây dựng bài bản; điện chiếu sáng rực các khu dân cư đêm đêm; trẻ được học hành tới nơi tới chốn… Tất cả có thể nói bắt nguồn từ dòng nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ.

Khởi công năm 1994, khánh thành năm 2002, Ayun Hạ là công trình thủy lợi khai thác tổng hợp nguồn nước có quy mô lớn nhất Tây Nguyên, gồm hồ chứa nước, đập chính, tràn xả lũ, cống lấy nước và hệ thống kênh. Hồ Ayun Hạ có diện tích mặt nước 37 km², dung tích 253 triệu m³, phục vụ tưới cho hơn 13.500 ha đất nông nghiệp, sản xuất 2 vụ lúa nước ở Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, phát điện và phục vụ một số cơ sở sản xuất công nghiệp.

… Không phải vùng đất nào cũng may mắn có được công trình thủy lợi như Ayun Hạ. Không phải cộng đồng dân cư nào cũng đủ kiên cường, vững tin vào Đảng - Nhà nước như di dân kinh tế mới những năm đầu sau giải phóng tại những xóm làng trải dài sau thân đập dâng công trình thủy lợi Ayun Hạ. Đáp lại, cùng với Ayun Hạ, cả một vùng đất mênh mông dưới chân đèo Chư Sê đã hình thành vùng nguyên liệu nông sản quy mô lớn, mở ra mô hình du lịch sinh thái và nhiều thương hiệu nông sản mạnh đã vươn lên. Đất và người Ayun Hạ là minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa ý Đảng, lòng dân và khát vọng đổi đời.

*

* *

Nơi gốc bồ đề cổ thụ bên miếu Dinh Điền, người dân vẫn thắp hương tưởng nhớ những bậc tiền hiền dựng làng, mở xóm. Bà con cũng không quên dâng nén nhang thơm tại bia tưởng niệm ven hồ thủy lợi Ayun Hạ - tri ân những cán bộ, kỹ sư, công nhân đã ngã xuống khi khảo sát lập dự án, thi công công trình-những người bằng tri thức, sức lao động của mình đã xây nền móng cho những cuộc đổi đời ngoạn mục.

Đã nhiều lần về thăm, đi công tác tại những xóm làng dưới chân đèo Chư Sê, nơi những người dân đã tự lật đời mình sang trang mới với động lực từ dòng nước mát lành Ayun Hạ, nhưng lần nào tôi cũng bồi hồi. Cũng phải thôi, xứ sở có những người kiên cường, vững tin lại chí tình như thế luôn khiến lòng ta bồi hồi xúc động!

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null