“Bà đỡ” của nông dân xã Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với lãi suất ưu đãi, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã trở thành “bà đỡ” giúp nhiều hội viên nông dân xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, từng bước cải thiện cuộc sống.

Xã Ayun Hạ có 682 hội viên nông dân. Nhờ cần cù, chịu khó, đa số hội viên có đời sống cơ bản ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hội viên có cuộc sống khó khăn, cần sự hỗ trợ về nguồn vốn và khoa học kỹ thuật.

Do đó, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, Hội ưu tiên nguồn vốn cho thành viên các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các hộ có tinh thần trách nhiệm, cần cù lao động. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã vươn lên có mức sống trung bình và khá.

Tháng 3-2024, Hội Nông dân xã phối hợp giải ngân 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho 10 hội viên thuộc Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản của xã vay để phát triển chăn nuôi.

Sau 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi đàn bò phát triển khỏe mạnh, các hộ vay vốn đều nộp lãi đúng thời gian quy định.

ba-do-cua-nong-dan-xa-ayun-ha-dd.jpg
Nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Gia Lai, ông Lương Văn Phục (thôn Sơn Bình) đã phát triển đàn bò của gia đình, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: V.C

Gia đình ông Lương Văn Phục (thôn Sơn Bình) thuộc diện khó khăn. Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện, ông đăng ký vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh trong thời gian 3 năm, lãi suất 0,7%/tháng. Ông Phục dùng vốn vay đầu tư mua 3 con bò pha lai sinh sản và cải tạo lại chuồng nuôi, tăng đàn bò của gia đình lên 10 con.

Sau 1 năm, 2 con cái sắp đẻ bê con. Được cán bộ Hội tư vấn, hướng dẫn cách thức chăm sóc, buổi sáng, ông chăn thả bò, chiều thì nhốt chuồng. Ông trồng hơn 1 sào cỏ và tích trữ rơm khô để chủ động nguồn thức ăn cho bò.

Vừa qua, gia đình ông bán 3 con bò sinh sản với giá 10 triệu đồng/con cho xã triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo. Bình quân mỗi năm, ông Phục xuất chuồng 7 con bò, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài ra, cứ khoảng 3 tháng, gia đình ông lại thu được 100 bao phân bò, bán lấy tiền trả lãi vay đúng hạn. Gia đình cũng tận dụng nguồn phân ủ mục bón cho 2 sào lúa, 500 cây điều và 20 cây nhãn. Cây trồng nhờ vậy sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao.

“Đây là nguồn vốn rất ý nghĩa nên các hộ vay đều nhắc nhở nhau sử dụng đúng mục đích, có trách nhiệm đóng lãi đúng quy định và sau này trả gốc đúng thời hạn.

Tuy nhiên, tôi mong muốn thời gian vay vốn kéo dài 5 năm thay vì 3 năm như hiện tại, qua đó giúp bà con nông dân phát triển kinh tế ổn định hơn”-ông Phục kỳ vọng.

11.jpg
Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, anh Phạm Trường Giang (thôn Thanh Thượng) trồng 3 sào cỏ trên diện tích đất vườn của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình anh Phạm Trường Giang (thôn Thanh Thượng) cũng được hưởng lợi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thay vì chọn giống bò cỏ địa phương, anh mua 2 con bò lai và bò 3B để phát triển kinh tế. Theo anh, 2 loại bò này nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon nên giá bán gấp đôi so với bò cỏ. Hiện cả 2 con bò đều đang mang thai.

“Tôi cảm ơn Hội Nông dân các cấp đã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Số tiền 50 triệu đồng là đòn bẩy để gia đình tôi phát triển kinh tế. Cùng với đó, thủ tục, hồ sơ vay vốn nhanh ngọn, người dân không cần thế chấp bằng tài sản nên rất thuận tiện”-anh Giang nói.

Ngoài nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, năm 2024, Hội Nông dân xã Ayun Hạ cũng đã giải ngân 24 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã cho 1 hội viên vay để trồng mía và 150 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 3 hộ vay để trồng bắp lấy giống. Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Hải-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun Hạ: Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những hội viên khó khăn. Để vốn vay đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, trước khi giải ngân, các chi hội bình chọn đối tượng vay đảm bảo công khai, minh bạch.

Sau khi giải ngân, Ban Chấp hành Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, nguồn quỹ này thực sự là “bà đỡ” để nông dân phát triển kinh tế.

Clip: Vũ Chi

Có thể bạn quan tâm

Cú hích cho nông sản Gia Lai

Cú hích cho nông sản Gia Lai

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP, 5 sản phẩm đến từ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai) đều đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây có thể coi là thành tích chưa từng có tiền lệ.

Tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk

Tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk

(GLO)- Ngày 27-6, Chi cục Lâm nghiệp- Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai) tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk sau sáp nhập tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Chi cục cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm và 3 Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng.

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD. Ảnh: Nguồn internet

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 5-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 573 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, trị giá 2,34 tỷ USD.

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

(GLO)- Chị Phan Thị Bích Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người tiên phong đưa cây dứa mật về trồng ở vùng đất Ia Nhin mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

(GLO)- Bắt đầu với một vài bụi rau má, bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã mở rộng quy mô trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

null