Ðạo diễn, NSND HOÀI HUỆ: Tôi thà bị nói ngang còn hơn làm nửa vời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lửa nghề chưa bao giờ tắt nơi ông - đạo diễn, NSND Hoài Huệ - người nghệ sĩ cả đời gắn bó với sân khấu truyền thống Bình Ðịnh và cả nước. Từ diễn viên gạo cội đến đạo diễn hàng đầu, ông vẫn miệt mài đi, làm và sống với nghề, như thể sân khấu là mạch sống.

Lửa nghề chưa bao giờ tắt nơi ông - đạo diễn, NSND Hoài Huệ - người nghệ sĩ cả đời gắn bó với sân khấu truyền thống Bình Ðịnh và cả nước. Từ diễn viên gạo cội đến đạo diễn hàng đầu, ông vẫn miệt mài đi, làm và sống với nghề, như thể sân khấu là mạch sống.

Trăm vai diễn chính

Đạo diễn, NSND Hoài Huệ thuộc lớp diễn viên khóa đầu tiên của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nghĩa Bình thời kỳ đầu sau 1975; là thế hệ diễn viên gạo cội của Đoàn Ca kịch bài chòi sau ngày đất nước thống nhất, góp phần làm nên những vở diễn đặc sắc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh với hàng trăm vai chính: Nguyễn Huệ (vở Anh hùng với giai nhân), Chế Mân (vở Huyền Trân công chúa), Vạn Lịch (vở Đồng tiền Vạn Lịch), Hồ Quý Ly (vở Nhìn lại một vương triều), Võ Tánh (vở Khúc ca bi tráng)...

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoài Huệ (đứng giữa) hướng dẫn diễn viên Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định tập luyện vở ca kịch bài chòi Vụ án sau 20 năm (còn có tên khác là Vụ án chiếc quạt máu). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoài Huệ (đứng giữa) hướng dẫn diễn viên Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định tập luyện vở ca kịch bài chòi Vụ án sau 20 năm (còn có tên khác là Vụ án chiếc quạt máu). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Hẳn ông còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về khóa đầu tiên của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nghĩa Bình?

- Cha mẹ tôi đều là những nghệ sĩ, nghệ nhân gắn bó với hát bội, bài chòi nên tôi đã mê sân khấu từ bé. Năm 1975, tôi cùng gia đình trở lại quê hương Bình Định, góp vào dòng chảy của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tôi thuộc lớp diễn viên khóa đầu tiên của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nghĩa Bình, khóa 1978 - 1981. Thầy giỏi nghề, trò đam mê. Đến giờ, tôi vẫn luôn nhớ về những người thầy lớn luôn tận tâm truyền dạy khi ấy như Hoàng Lê, Nguyễn Kiểm, Trần Chức, Đinh Thái Sơn, Lê Thi, Phan Ngạn, Hiền Ninh...

Lớp 44 diễn viên thì về Nhà hát 12 người. Giờ đều là những nghệ sĩ thành danh. Vào năm hai, tức năm 1979, tôi nhận vai chính đầu tiên với vai Phạm Ngũ Lão trong vở Tấm vóc đại hồng của tác giả Trúc Đường. Từ đó về sau, tôi đã vào gần một trăm vai chính trong các vở diễn.

Từ diễn viên sang đạo diễn, bước chuyển ấy đến với ông thế nào?

- Tôi học lớp Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từ năm 2001 - 2005. Tôi đã hoàn thành khóa học đó bằng trách nhiệm và cả sự yêu thích của mình.

Diễn viên sống với vai trong vở, đạo diễn sống với cả vở; là “tác giả” của vở diễn, nắm bắt không gian tổng thể, nơi có thể định hình, dẫn dắt cảm xúc toàn bộ mạch chảy của vở. Muốn vững, mình phải học, đọc không ngừng, đọc cả văn và sử, xem và nghe nhiều để đúc rút.

Mỗi vở diễn là một đời sống

Gắn bó cả đời với sân khấu, đạo diễn, NSND Hoài Huệ  luôn tâm niệm mỗi vở diễn phải là một đời sống trọn vẹn, đầy cảm xúc. Để ở nơi ấy, ông gửi trọn tâm tư mình...

Ông có triết lý gì riêng khi đạo diễn?

- Một vở diễn là một đời sống. Tôi luôn nghiên cứu kỹ từ kịch bản, nhạc, lời đến dàn cảnh, tâm lý. Quan trọng nữa là phát huy đúng sở trường của diễn viên. Khi gặp một kịch bản hay, đạo diễn cũng nảy nở ra nhiều suy tưởng, được bồi sung để thăng hoa. Như khi gặp kịch bản của nhà viết kịch Văn Trọng Hùng, tôi như đẻ ra nhiều tưởng tượng...

Dường như vở Khúc ca bi tráng của kịch tác gia Văn Trọng Hùng do ông làm diễn viên kiêm đạo diễn là một vở như thế...

- Tôi đạo diễn nhiều vở, nhiều thể loại, nhưng phải thú thật rằng, đây là vở khiến mình “thốn” trong lòng nhiều nhất. Khi gặp vở ấy, mọi thứ rất trôi chảy, như dòng suối cứ thế tuôn trào mà không có hòn đá nào ngăn trở cả. Tôi đã vào vai Võ Tánh; vợ tôi - NSND Hồ Thu - vào vai công chúa Ngọc Du. Vở diễn hướng đến hòa hợp, hòa giải, là những gặp gỡ của bậc trượng phu anh hùng “tuy khác Chúa nhưng không khác lòng yêu dân, yêu nước”.

Vợ chồng NSND Hoài Huệ - NSND Hồ Thu trong vở Khúc ca bi tráng. Ảnh: NVCC

Vợ chồng NSND Hoài Huệ - NSND Hồ Thu trong vở Khúc ca bi tráng. Ảnh: NVCC

Năm 2013, vở diễn tham gia Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc và tạo dấu ấn mạnh mẽ, đạt cả ba giải vàng ở các hạng mục: Vở diễn, Kịch bản, Diễn viên.

Khi nhắc về ông, nhiều tác giả kịch bản, nghệ sĩ sân khấu khẳng định, ông là một trong những đạo diễn sân khấu hàng đầu hiện nay...

- Tôi cảm ơn vì sự ghi nhận ấy của bạn bè và anh em văn nghệ sĩ. Dù đã nghỉ hưu 5 năm nay, tôi vẫn miệt mài làm cho hầu hết các nhà hát nghệ thuật trong nước. Cứ có kịch bản hay, đoàn nghiêm túc, diễn viên chịu học là tôi lên đường. Làm nghề vui hơn nghỉ mà. 5 năm gần đây, tôi đạo diễn gần 30 vở. Đặc biệt, 2 năm gần đây, tôi đạo diễn 16 vở. Tôi thấy mình đang được tổ đãi, nên càng trân trọng hơn để làm tốt nhất có thể cho mỗi kịch bản được nhận.

Cho ròng mạch chảy

Đạo diễn, NSND Hoài Huệ luôn tâm niệm làm tốt nhất có thể cho từng vở diễn, đặc biệt là với những vở trên quê hương Bình Định. Ông cũng là người ân cần vun bồi cho lớp nghệ sĩ kế cận, hy vọng nối dài sức sống cho nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Tôi được biết ông đang làm đạo diễn cho hai vở của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh ở Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp dự kiến diễn ra tháng 8 tới...

- Tôi giữ vai trò đạo diễn để nâng cao vở ca kịch Bài chòi Dòng sông kể chuyện của tác giả Nguyễn Hoài và vở tuồng Nhìn lại một vương triều của anh Văn Trọng Hùng. Vở bài chòi thuộc đề tài chiến tranh cách mạng, dựa trên câu chuyện có thật kể về một gia đình cách mạng ở vùng đất An Nhơn. Vở tuồng có tính tư tưởng mạnh mẽ, đặc biệt khắc họa nhân vật Hồ Quý Ly, người đã dành tâm huyết cho dân, cho nước. Dám nghĩ, dám đổi mới, mọi chính sách, mọi sự cải cách ông đều hướng đến sự phát triển lâu bền. Tôi đã chuẩn bị kỹ càng để hoàn thiện các vở diễn được tốt nhất có thể cho đoàn Bình Định.

Thưa ông, thế hệ trẻ như Thùy Dung, Phương Phú, Hoài Tâm, Sử Thành Việt… được ông dìu dắt từ đầu. Ông đặt ra tiêu chí gì khi truyền nghề?

- Tôi tham gia dạy nghề cho 6 lớp trung cấp và 1 lớp đại học đào tạo diễn viên. Nhiều học trò giờ đã vững vàng, là NSƯT, giữ vai trò nòng cốt của Nhà hát. Truyền nghề không chỉ là chỉ cách diễn, mà còn lan tỏa cả thái độ sống với nghề. Ai tâm huyết, đam mê nghề, giữ được lửa, tôi luôn dốc lòng.

- Phải thẳng thắn là chúng ta chỉ đang “gìn giữ”, chứ phát triển thì khó. Để nghệ thuật sân khấu phát triển, đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong đó, cần tạo tính đồng bộ, có sự quan tâm của các cấp, ngành, đảm bảo đời sống, tạo điều kiện cho diễn viên, nghệ sĩ phát triển; làm sao để vừa kết hợp hình thức thể nghiệm hiện đại vừa giữ được bản sắc...

Có người nói ông “ngang”, ông nghĩ sao về điều này?

- Thật ra, tôi nghĩ đó là sự thẳng thắn, rõ ràng trong nghề. Khi làm nghề, tôi không chấp nhận sự dễ dãi, hời hợt. Tôi yêu cầu cao với kịch bản, với diễn viên, với cả chính mình. Làm nghệ thuật mà không nghiêm túc thì chỉ làm hỏng sân khấu. Vậy nên ai chịu được thì cùng làm, ai không chịu được thì nghĩ là tôi… “ngang”. Nhưng tôi không ngại điều đó, vì tôi làm nghề bằng cả sự tôn trọng và tận hiến.

Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện này.

- NSND Hoài Huệ - tên thật là Nguyễn Hoài Huệ, sinh năm 1962, quê ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn; hiện sống tại TP Quy Nhơn.

 

- Ông nguyên là Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định từ năm 2010 đến khi nghỉ hưu năm 2020.

- Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997, NSND năm 2012.

- Ông đạt 1 HCB và 8 HCV tại các kỳ hội diễn, cuộc thi Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc các năm: 1981, 1985, 1987, 1990, 1995, 2001, 2005, 2010; 3 giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại các cuộc thi Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc các năm: 2010, 2013, 2016; nhiều giải thưởng đạo diễn, diễn viên xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam các năm: 1998, 1999, 2003, 2005, 2010, 2012, 2015, 2017...

- Ông nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2010; Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2013; Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam.

VÂN PHI (Thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null