Trên đường từ Tuyên Quang lên vùng địa đầu Hà Giang, đoàn đi qua hai cơn mưa lớn. Trời xám, mây giăng kín núi rừng. Nhưng khi vào đến địa phận Hà Giang (cũ), trời bất ngờ bừng sáng - như một dấu hiệu thiêng liêng từ non sông. Vậy mà, khi xe đến gần khu vực Thanh Thủy, nơi có điểm cao 468, trời đang nắng bất chợt mưa trút xuống, rửa trôi bụi đường, như thể đất trời đang chuẩn bị cho một buổi lễ trọng đại.

Mưa dứt - trời tạnh. Bầu không gian trở nên trong vắt, một khoảng lặng trang nghiêm giữa trùng điệp rừng già. Khói hương bay chầm chậm trên đền thờ các anh hùng liệt sỹ - và cảm xúc các thành viên trong đoàn bỗng dâng đến tận cùng.
Sống bám đá, chết hóa đá
Điểm cao 468 (thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang cũ) - là một trong những tọa độ từng hứng hàng trăm trận pháo kích và làn đạn dày đặc nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Hơn 40 năm trước, Vị Xuyên là chiến trường ác liệt nhất. Trong cuộc chiến đấu này, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Từ Đài hương 468 có thể bao quát được những chiến địa: Cửa tử bình độ 1.100, lò vôi thế kỷ, cối xay thịt 685 và xa hơn là điểm cao 1509, nơi nhiều người lính đã nằm lại với Đất Mẹ trong cuộc chiến đấu anh dũng năm xưa. Tại đây, ngày 12/7/1984, trong chiến dịch mang mật danh MB 84, riêng Sư đoàn 356 đã có hơn 600 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh.
Nhiều năm sau, mảnh đất này là nơi giằng co sinh tử, từng viên đá, từng tấc rừng đều có thể kể chuyện - chuyện về những người lính trẻ gối súng lên đá ngủ, chôn bạn giữa rừng sâu, chuyện về máu thịt hòa vào đất, thấm vào rễ cây, nở thành những bông hoa gạo đỏ giữa đá núi biên cương.
Trong hương khói nghi ngút giữa núi rừng bảng lảng, trời đất như lặng đi, không gian dội vang lời thề của những người lính Mặt trận Vị Xuyên năm xưa:
“Sống bám đá đánh giặc - chết hóa đá bất tử”.

Đó không chỉ là khẩu hiệu chiến đấu. Đó là tín điều thiêng liêng được viết bằng máu, bằng nước mắt, bằng chính sự sống và cái chết của những người lính Mặt trận Vị Xuyên. Trên mảnh đất mà mỗi mét vuông phải đổi bằng máu xương, lời thề ấy đã hóa thân thành linh khí của núi rừng. “Sống” - bám đá, bám từng khe suối, từng hốc cây, sống với cái đói lạnh, cái hiểm nguy rình rập từng giây nơi địa đầu Tổ quốc. “Chết” - hóa đá, là hòa mình vào đá núi biên cương, để trường tồn như một phần máu thịt của non sông.
Dẫu đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vẫn lặng lẽ bộ hành lên đỉnh cao 468, cúi mình trước anh linh những người đã hóa thân vào đất mẹ biên cương. Chuyến đi là lời nguyện thầm của một thế hệ từng trải, gửi gắm niềm tin, trách nhiệm và sự tiếp nối cho những người sẽ đi tiếp hành trình giữ nước, giữ hồn thiêng sông núi.
Cái chết không lụi tàn, mà hóa thành bất tử - bởi ngay cả khi đã hiến thân mình cho Tổ quốc, họ không rời đi, mà ở lại, lặng lẽ canh giữ biên cương như những cột mốc thiêng liêng.
Giờ đây, lời thề ấy - đã được khắc sâu vào đá núi trên điểm cao 468 như một bản tuyên ngôn bất hủ. Mỗi con chữ như mang hơi thở người lính, như có máu chảy từ vách đá, như một nhịp tim còn đập giữa đại ngàn. Đó không chỉ là lời thề của quá khứ - mà là tiếng gọi của hiện tại, nhắc người hôm nay sống xứng đáng với máu xương người đi trước.
Cái ôm của người lính trận
Chiều hôm ấy, ở đỉnh cao 468, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - nay ở tuổi xưa nay hiếm - lặng lẽ cùng phu nhân bước từng bước chậm rãi lên đồi cao, nơi ngôi đền thiêng thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. Ông không mang theo ánh hào quang của một nguyên thủ quốc gia, mà chỉ như một người lính già trở lại chiến trường xưa - với tất cả sự thành kính.
Trong tiếng chuông ngân vang giữa đại ngàn, được thỉnh lên bởi Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh, nguyên Chủ tịch nước cùng Phu nhân và các cựu chiến binh thành kính dâng hương tưởng niệm những người lính đã anh dũng ngã xuống để giữ từng sải đất biên cương. Khói hương cuộn lên, mờ nhòe cả núi đồi - như nối nhịp dương gian và cõi thiêng gọi các anh về.
Trong tiếng gió rì rào và khói sương chiều, nguyên Chủ tịch nước cùng Bí thư Hầu A Lềnh chậm rãi rót rượu vào những chiếc chén nhỏ trên mâm cơm. Những giọt rượu trong veo sóng sánh rơi xuống, như nước mắt đất trời hòa cùng linh hồn người ngã xuống. Khói nhang cháy đỏ. Hoàng hôn trải những vệt nắng cuối ngày nhuộm vàng rừng đại ngàn và đỉnh núi đá vôi trắng xóa đổ bóng xuống thung sâu.
Tôi nghe trong gió, lời các anh vọng về - âm vang của tháng ngày gian khổ, ngoan cường chiến đấu, của những đêm mưa rừng trĩu ướt vai áo, của máu và nước mắt đổ xuống để gìn giữ từng mỏm đá, tấc đất nơi tiền tiêu. Đau đáu, nhức buốt như còn đó tiếng súng vọng lên từ lòng đất, tiếng gọi đồng đội từ những hầm hào năm xưa.
Thoáng thấy khóe mắt ướt của những cựu binh già. Năm nào họ cũng trở về đây thắp hương cho đồng đội.
Sau khi làm lễ, nguyên Chủ tịch nước bắt tay, hỏi han từng cựu binh cùng về đây giỗ trận - họ gọi nhau là đồng đội, là anh em.
Giữa khung cảnh rừng chiều, những cái siết tay, cái ôm của nguyên Chủ tịch nước với Đại tá Nguyễn Lư - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng, từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, và các cựu binh trở nên thiêng liêng lạ kỳ.
Gửi gắm mai sau
Nguyên Chủ tịch nước kính cẩn nghiêng mình viết vào cuốn sổ lưu niệm tại Đền - những dòng chữ nắn nót như khắc vào thời gian. Có lẽ đó không chỉ là lời tri ân, mà còn là lời hứa với những linh hồn đang nằm lại dưới chân núi cao này: rằng đất nước vẫn nhớ, người sống vẫn còn đó lòng biết ơn sâu nặng - và rằng lịch sử sẽ không bao giờ lãng quên...
“Vị Xuyên, ngày 11 tháng 7 năm 2025
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ!
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hôm nay, đoàn đại biểu nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang thành kính viếng điểm cao 468, nơi ghi dấu một thời hoa lửa, nơi linh thiêng hội tụ hồn thiêng sông núi và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
Trong không khí linh liêng, trang nghiêm và xúc động này, chúng tôi thành kính dâng vòng hoa, thắp nén tâm nhang, tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các Anh - những người con ưu tú của đất nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Trân trọng và khắc ghi sự hy sinh to lớn ấy, chúng tôi nguyện: Đoàn kết một lòng, tiếp tục công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ gìn kỷ cương, phép nước; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững; quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo hướng “gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”, một bước đi quan trọng trong hành trình vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới
Đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ! Cầu mong các Anh yên giấc ngàn thu!”.
Mỗi độ tháng Bảy, khi đất trời như chùng xuống trong tiếng mưa âm thầm rơi trên vùng biên viễn Hà Giang (Tuyên Quang mới), cũng là lúc cả dân tộc cúi đầu tưởng nhớ những người anh hùng đã nằm lại nơi này - mặt trận Vị Xuyên. Nơi từng tấc đất, ngọn cây, hòn đá còn lấp lánh máu xương, và lòng yêu nước đã hoá thành bất tử.
Theo Nguyễn Minh Tuấn (nld.com.vn)