78 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025)

Người về từ Nam Thạch Hãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ là “nam thanh, nữ tú” tuổi đời mười tám, đôi mươi xung phong lên đường xây dựng đất nước sau ngày thống nhất non sông. Những thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn (Quảng Trị) mong muốn có được sự ghi nhận tương xứng.

“Ðầm đất, cất đập”

Sâu trong một con hẻm nhỏ của phường Đồng Thuận (Quảng Trị), ngồi dưới hiên nhà um tùm cây trái, ông Bùi Công Thoẹ (SN 1947), nguyên Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Binh đoàn TNXP Kiến Giang, khi hào hứng, khi trầm mặc nhớ lại những ngày tháng chỉ huy hàng nghìn TNXP đào núi, lấp sông trên đại công trường thủy lợi Nam Thạch Hãn.

Lực lượng lao động là nam - nữ mười tám, đôi mươi, tổ chức theo hình thức bán quân sự. Mỗi huyện tổ chức thành một binh đoàn, sau này đổi thành sư đoàn. Đơn cử, như Binh đoàn Kiến Giang của ông Thoẹ có khi lên đến hơn 2.500 người.

“Binh đoàn Kiến Giang được phân công làm tuyến kênh chính tại đồi Tích Tường. Chúng tôi có nhiệm vụ đào xuyên quả đồi tạo nên con kênh sâu 15m, đáy kênh rộng 12m và mặt kênh rộng 22m. Khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng thời điểm đó chỉ làm thủ công, sức người là chủ yếu, với cuốc, xẻng, xà beng, xe rùa, gồng gánh...

Công trường chúng tôi làm nguyên là trận địa pháo của quân Việt Nam cộng hoà, nên bom, mìn sót lại dày đặc, bất cẩn là mất chân, mất tay, thậm chí mất mạng như chơi” - Ông Thoẹ nhớ lại.

phong-sudd.jpg
Đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn nhìn từ trên cao (Ảnh Báo Quảng Trị)

Theo ông Thoẹ, lao động trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, cơm ăn không đủ no, bệnh tật bủa vây, nguy hiểm rình rập nhưng tinh thần trên công trường luôn khẩn trương, tươi vui, rộn rã… Tiếng còi cất lên, tiếng đầm nện xuống rền vang cả một vùng.

“Hiện trường bỗng chốc mang cái không khí của một sân khấu rộng rãi ngoài trời. Màu đất đỏ non tươi làm nền cho một đại vũ khúc mang tên công trình Đại thủy nông Nam sông Thạch Hãn” - bút ký “Tháng 3 trên công trường Nam Thạch Hãn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn năm 1978.

Năm 1980 đại công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn cơ bản hoàn thành, lực lượng TNXP rút dần, người lên đường nhập ngũ, người đi học, người trở lại công việc cũ, người về quê làm ruộng rồi lấy chồng, lấy vợ… Kết thúc nhiệm vụ xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, Binh đoàn Kiến Giang có 3 liệt sỹ, 7 thương binh.

Ông Thoẹ nhớ lại: “Hôm đó là một ngày đầu tháng 8/ 1978. Tôi đang ngồi ở lán chỉ huy thì nghe một tiếng nổ vang trời, rồi liên tiếp những tiếng nổ chát chúa tiếp theo. Tôi chỉ kịp lao mình xuống giao thông hào gần đó, định thần lại mới biết, kho bom, đạn anh em công binh rà phá được, mang về tận dụng làm mìn phá đá đang phát nổ. Vụ nổ làm 3 người hi sinh và nhiều người bị thương”.

Di chứng nặng nề

Nghe tin bà Lê Thị Thiếm ở tổ dân phố Bình Minh, xã Quảng Ninh (Quảng Trị) vừa mới đi viện điều trị về, ông Văn Hoài Linh, Trưởng Ban liên lạc C33 cùng một số anh chị em hội viên đến thăm. Bà Thiếm năm nay 66 tuổi, là TNXP tham gia xây dựng công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn từ 1978 đến 1979, rồi trở về quê làm ruộng, đến năm 1985 thì lấy chồng.

Chồng bà Thiếm cũng là TNXP Nam Thạch Hãn. Hai vợ chồng sinh được 2 người con trai thì năm 1995 người chồng mất vì tai nạn. Một mình làm ruộng không đủ nuôi 2 con nhỏ, bà Thiếm bỏ quê (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh cũ), dắt theo con về tá túc trong cái bốt gác ở chân cầu Quán Hàu để bán hàng rong.

2ps.jpg
Ban liên lạc C33 thăm bà Thiếm (ngồi trong cùng bên phải) vừa đi viện về.

Mới đây, bốt gác bị phá, gia đình bà Thiếm được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho 1 phòng ở khu tập thể phà Quán Hàu để tá túc qua ngày. Hai người con trai đã lập gia đình, làm công nhân may nên cuộc sống cũng chật vật, còn bà Thiếm bệnh tật, ốm đau triền miên.

“Tui giờ là khách quen của bệnh viện, các y bác sỹ vẫn thường gọi đùa là “bà Thiếm đa khoa”, vì khoa nào tôi cũng có thể nằm khi nhập viện” - bà Thiếm hóm hỉnh kể chuyện.

Theo ông Văn Hoài Linh, những người về từ Công trường thuỷ lợi Nam Thạch Hãn đang phải gánh chịu di chứng rất nặng nề là phơi nhiễm chất độc da cam, tuổi càng cao bệnh tật càng phát tác. Ban liên lạc C33 có 171 người, nay có hơn 20 người qua đời và hầu hết là do bệnh ung thư.

“Tui tham gia đợt đầu tiên vào nấu ăn cho những người dựng lán trại. Khi vào thấy cây rừng quanh vùng chết khô bạc trắng. Vẫn biết là Mỹ thả hoá chất để phá rừng, chứ không hề biết đó là chất độc dioxin. Mọi người vô tư lấy nước ở đó ăn uống, tắm rửa sinh hoạt hằng ngày, nên giờ bệnh tật mới phát tác” - bà Nguyễn Thị Ninh (70 tuổi) thêm vào câu chuyện.

Bi đát hơn bà Thiếm, bà Nguyễn Thị Cảm (67 tuổi) ở đường Ngô Quyền, phường Đồng Hới, không chỉ mang trong mình nhiều bệnh tật mà còn bị cụt mất chân phải, do dẫm phải mìn.

“Hồi đó công binh chỉ rà phá bom, mìn trên lối đi rộng chưa đến 1m, ai mà bước ra ngoài mốc giới là dính phải mìn ngay. Tui nấu ăn, sáng ra xuống sông lấy nước. Đi đúng đường rồi, nhưng do tối hôm trước trời mưa lớn, nước chảy gây xói lở, làm mìn lộ thiên, tôi không để ý nên dẫm phải.

Mọi người đưa tôi đi cấp cứu ở Bệnh viện Hà Lan, Đông Hà, sau đó đưa vào Đà Nẵng, mất 1 năm chữa trị mới về nhà được” - bà Cảm kể.

Năm 1982 bà Cảm lấy chồng, sinh được 1 trai, 1 gái. Năm 1993 người chồng qua đời, sang năm sau 1994 con trai đầu cũng qua đời, đến năm 2008, người con gái đang học đại học tiếp tục qua đời. Giờ bà Cảm sống một mình cô độc, với lương thương binh hạng 3/4 gần 5 triệu đồng.

3phongsu.jpg
Bà Cảm “khoe” cái chân gỗ - hậu quả của việc dẫm phải mìn khi tham gia xây dựng công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn.

Ông Đặng Phúc Duệ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình (cũ) cho biết: Tại tỉnh Quảng Bình (cũ) hiện có hơn 11.000 TNXP tham gia xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.

Khi ra đi có quyết định điều động của tỉnh Bình - Trị - Thiên, đến năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình ký quyết định công nhận phiên hiệu cho 34 đơn vị TNXP xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài những người hi sinh, thương tật, thì nhiều cựu TNXP chưa nhận được chế độ gì. Đa số họ có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao, sức yếu nên mong muốn cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ chế độ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.

Đại công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn được khởi công ngày 8/3/1977 - là công trình thủy lợi trọng điểm, lớn nhất, đầu tiên ở miền Nam do Bộ Thủy lợi và tỉnh Bình - Trị - Thiên đảm trách. Nhiệm vụ công trình đưa nước về tưới cho 9.000ha lúa vụ đông-xuân và gần 5.500ha lúa vụ hè-thu hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị cũ) và một phần diện tích lúa của huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế cũ). Để xây dựng con đập này, tỉnh Bình - Trị - Thiên ngày đó đã huy động hàng chục vạn TNXP, thời điểm đông nhất khoảng 7,3 vạn TNXP thường trực trên công trường.

Theo Hoàng Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

null