78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025): Mưa thiêng Vị Xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 12 tháng 7 năm 1984 - khắc ghi vào ký ức dân tộc như một ngày giỗ trận linh thiêng. 

Đó là trận đánh khốc liệt bậc nhất tại mặt trận Vị Xuyên, nơi hơn 1.000 người con của đất Việt đã ngã xuống chỉ trong một ngày, để giữ vững từng tấc đất biên cương - nơi máu thịt và linh hồn họ đã hóa vào non sông.

Về với đồng đội

Dịp Lễ giỗ trận tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, hầu như năm nào cũng vậy - như một nhịp hẹn với những cựu binh: trời đổ mưa. Năm nay, mưa từ sớm. Mưa rơi vào đúng lúc nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân làm lễ dâng hương. Mưa nhẹ rơi khi từng nén nhang được thắp lên những phần mộ xếp hàng thẳng tắp, nhiều ngôi không có tên tuổi, địa chỉ. Và rồi, mưa dày hơn, trải kín cả buổi lễ.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Thượng tướng Lê Quang Minh thỉnh chuông Giỗ trận Vị Xuyên. Ảnh: Thành Đạt
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Thượng tướng Lê Quang Minh thỉnh chuông Giỗ trận Vị Xuyên. Ảnh: Thành Đạt

Mưa ướt những mái đầu đã bạc. Thấm vào tóc những người lính trẻ hôm nay. Tan vào những nhịp tim đang thầm lặng hướng về một thời oanh liệt. Nhưng không ai rời đi. Bởi đây không đơn thuần là một buổi lễ - mà là ngày giỗ trận, là phút giao cảm giữa người sống và người khuất, là khoảnh khắc cả trời đất cúi đầu trước những linh hồn bất tử.

Hơn 500 cựu chiến binh từ mọi miền Tổ quốc, nhiều người thuộc Sư đoàn 356 trở về. Có người chống gậy. Có người phải dìu bước. Nhưng tất cả đều đứng nghiêm - đôi mắt hoe đỏ, đôi môi mím chặt - khi đọc lại lời thề thiêng liêng của năm ấy. Có người bật khóc. Có người lặng im. Có người khấn thầm: mình sẽ sống tử tế hơn, sẽ không uổng phí cuộc đời mà đồng đội đã đánh đổi bằng máu.

Tìm đồng đội trong mưa. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Tìm đồng đội trong mưa. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Năm ấy, máu đỏ của các anh đã thấm vào đất mẹ, để cây rừng tươi xanh trở lại, để ruộng nương kết những mùa vàng. Linh hồn các anh không tan đi, mà hòa vào mây gió, sông suối, thành cột mốc biên cương, thành những khúc ca bi tráng mãi vọng giữa đại ngàn.

Một chiến sỹ trẻ bên tôi, thì thầm: “Em chưa từng dự một lễ giỗ nào xúc động đến thế. Đây là lần đầu... và suốt đời em sẽ không bao giờ quên”. Như có một ngọn lửa truyền tay, cháy âm ỉ từ thế hệ đã sống qua lửa đạn, sang những người đang sống trong hòa bình - để nhắc rằng tự do không bao giờ là điều hiển nhiên.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết bên mộ liệt sỹ Vị Xuyên. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết bên mộ liệt sỹ Vị Xuyên. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Vị Xuyên - sau ngày 12/7/1984 không chỉ là địa danh. Mà là biểu tượng của lòng yêu nước vô hạn, của hy sinh vô điều kiện để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Một nơi mà chiến tranh đi qua, nhưng hoa vẫn nở mỗi mùa tháng Bảy. Nơi có những dòng người trở về, chỉ để thắp một nén nhang và nhắc nhau: Sống sao cho xứng đáng!

Giữa mưa, tôi đã thấy Tổ quốc - không phải trong những lời diễn văn hùng hồn, mà là trong dáng người lính già lặng lẽ lau nước mắt, trong ánh nhìn của người trẻ chắp tay khấn nguyện, trong làn khói hương bay lên giữa mưa sa.
Vị Xuyên - là nơi máu đã hoá thành hồn sông núi. Và những người đã nằm lại mãi mãi được khắc ghi trong trái tim dân tộc.

Trong cơn mưa giỗ trận tháng Bảy, những khoảnh khắc không lời đã khắc sâu vào lòng người chứng kiến: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân lặng lẽ bước đến từng phần mộ thắp những nén hương thơm, ánh mắt thành kính. Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh… cúi đầu trước từng bia mộ - đôi tay chắp lại, lòng khấn thầm giữa mưa biên ải.

Tình đồng đội, nghĩa đồng bào và tình yêu nước hòa quyện, âm thầm mà rực cháy - như lửa thiêng trong lòng đất mẹ. Một ngọn lửa không bao giờ lụi tắt. Bởi lửa đó có máu của các anh giữ cho biên cương Tổ quốc muôn đời xanh tươi.

Giỗ trận Vị Xuyên ngày 12/7/2025, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Quân Khu 2, tỉnh Tuyên Quang đã đến dâng hương tại nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ.

Trang sử hào hùng

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang đã khắc tên mình như một biểu tượng thiêng liêng của lòng quả cảm và ý chí kiên cường. Giai đoạn 1979-1989, đặc biệt từ năm 1984 đến 1989, nơi đây trở thành chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, hàng nghìn người mang thương tích trở về, nhiều người mãi nằm lại giữa rừng xanh đá trắng trên dải biên cương.

Ngày 12/7/1984 đã trở thành “Ngày giỗ trận” của Mặt trận Vị Xuyên, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Máu thịt của các anh đã thấm đẫm từng phiến đá, sườn núi, như lời thề khắc đá: “Sống bám đá đánh giặc - chết hoá đá bất tử".

Tháng Bảy - mùa tri ân - hằng năm lại đón bước chân của những cựu binh, thân nhân liệt sĩ, đoàn viên thanh niên, học sinh… từ khắp mọi miền về đây, cùng dâng nén hương lòng. Trong không khí trang nghiêm, lễ tưởng niệm được tổ chức với các nghi thức thiêng liêng: dâng hương, thắp nến tri ân, đọc diễn văn tưởng niệm… Tất cả tạo nên một bản hòa tấu của lòng biết ơn - một bài học sống động về đạo lý dân tộc và tinh thần yêu nước truyền đời.

Trong mưa thiêng hôm ấy, dòng người từ mọi miền Tổ quốc vẫn lặng lẽ đổ về Vị Xuyên, thắp nén hương tưởng niệm, kể tiếp câu chuyện bất tử của một thế hệ “giữ đất bằng máu”.

Ngày giỗ trận là dịp để khơi dậy lòng yêu nước, nhắc nhớ thế hệ hôm nay về trách nhiệm dựng xây, bảo vệ non sông gấm vóc - bằng tình yêu, trí tuệ và hành động cụ thể.

Mạch nguồn tri ân

Chiến tranh đã lùi xa, những hố đạn pháo năm nào giờ được phủ xanh bởi cỏ cây, hoa lá. Mảnh đất Vị Xuyên - Hà Giang, từng nhuốm máu và nước mắt, nay bừng sáng trong màu trời bình yên và nụ cười đón khách. Từ tro tàn khói lửa, vùng biên cương đã chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên từ nghèo khó, từng bước đổi mới, phát triển bền vững.

Suốt hơn 40 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa. Việc chăm lo đời sống thân nhân liệt sĩ, người có công được triển khai bằng nhiều chính sách cụ thể: thăm hỏi, tặng quà, tu bổ nghĩa trang, đền thờ, quy tập hài cốt liệt sĩ từ hang sâu, núi thẳm trở về.

Đặc biệt, dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phu nhân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Quân Khu 2, tỉnh Tuyên Quang…đã về thăm, tặng quà các gia đình có công tại xã Thanh Thủy, Ngọc Đường, Tùng Bá, phường Hà Giang 1, 2. Tại các điểm đến, nguyên Chủ tịch nước ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống và động viên các gia đình, cựu binh tiếp tục phát huy truyền thống, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Dịp này, đoàn đã trao 50 sổ tiết kiệm, hơn 120 suất quà từ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, tỉnh Tuyên Quang và tổ chức thiện nguyện Chia sẻ - Sharing, do Phu nhân nguyên Chủ tịch nước sáng lập. Những món quà nhỏ, nhưng là sự tri ân lớn - như nhịp nối thiêng liêng của dòng chảy “uống nước nhớ nguồn”, của lòng biết ơn không bao giờ vơi cạn.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ, cùng một phần mộ tập thể. Được khởi công từ năm 1990, hoàn thành năm 1991, khu nghĩa trang nay mở rộng hơn 11 ha, kinh phí trên 329 tỷ đồng - là sự tri ân, tấm lòng của đất nước đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Theo Nguyễn Minh Tuấn (tienphong.vn)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

null