Nghĩa tình son sắt - Kỳ 1: Đoàn thuyền cảm tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quảng Bình, Quảng Trị (cũ) đã chính thức “về một nhà” theo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Một chương mới mở ra mang theo niềm hy vọng vươn mình của khúc ruột miền Trung. Những câu chuyện, nhân vật, vùng đất đánh dấu nghĩa tình son sắt của hai địa phương trong chiến tranh cũng như hòa bình được kể lại...

Sau Tết Mậu Thân 1968, chiến trường Trị Thiên vẫn gay go, ác liệt. Bộ đội thiếu vũ khí, đạn dược một cách trầm trọng. Vậy là một kế hoạch cấp tốc và táo bạo được vạch ra từ vùng biển Quảng Bình. Những người dân quả cảm, mưu trí nhất của làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) được lựa chọn để thực hiện một sứ mệnh quan trọng nhưng cũng đầy nguy hiểm.

Đoàn thuyền vận tải đặc biệt

Đã từng nghe chuyện tỉnh Quảng Bình thời kháng chiến chống Mỹ có thành lập một “đoàn tàu không số” cho riêng địa phương này, tôi đem thắc mắc đó hỏi người dân Cảnh Dương. Ông Nguyễn Văn Biểu quả quyết: “Đúng là như vậy. Tuy nó không chính thức mang tên là Đoàn tàu không số nhưng hình thức tổ chức và hoạt động cũng gần như thế. Đây là đoàn tàu vận tải đặc biệt mang ký hiệu VT5 và chỉ tham gia chở một chuyến hàng duy nhất vào chi viện cho chiến trường Trị Thiên. Chiến công này đã được ghi vào cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, giai đoạn 1954-1975. Nhiều bà con Cảnh Dương trong đó có tôi đã tham gia chuyến đi lịch sử này”.

Ông Nguyễn Văn Biểu - ngoài cùng bên trái - và những chứng nhân một thời. Ảnh: PXD
Ông Nguyễn Văn Biểu - ngoài cùng bên trái - và những chứng nhân một thời. Ảnh: PXD

Ba ngày Tết Mậu Thân 1968 vừa mới đi qua, cả làng Cảnh Dương bỗng nhận được một thông tin rất quan trọng. Ông Nguyễn Kỉnh, Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Bình về tận vùng biển này truyền đạt chỉ thị cấp trên chuẩn bị cho chuyến vận tải vũ khí vào Trị Thiên. Sau khi xem xét kỹ, 71 người dân Cảnh Dương được lựa chọn, trong đó có 20 đảng viên. Tỉnh đội Quảng Bình cử ông Đậu Thanh Long, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 45 làm đoàn trưởng. Biên chế đơn vị trên 12 thuyền, mỗi thuyền là một tiểu đội gồm 6 người, ba thuyền là một trung đội. Toàn đoàn là một đại đội. Trẻ nhất đoàn là Nguyễn Văn Biểu khi ấy mới 16 tuổi, già nhất là ông Nguyễn Đái đã 70 tuổi.

Biển Cảnh Dương. Ảnh: Phạm Xuân Dũng
Biển Cảnh Dương. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Ông Phạm Ngọc Hướng (65 tuổi), một thành viên của đoàn ngày ấy kể với chúng tôi: “Tôi đã có lệnh nhập ngũ, nhưng vẫn xung phong đi chuyến này dù biết rằng vô cùng nguy hiểm. Mình cứ nghĩ đơn giản đi mươi ngày nửa tháng rồi về, vẫn còn kịp đi bộ đội. Ai ngờ...”. Và chuyến đi của ông đã kéo dài đến... 5 năm.

Ngày nay, từ Đông Hà ra Đồng Hới chạy trên QL1 khoảng chừng một tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng ngày ấy họ phải đi mất đến 9 tháng trời. Vậy là vào thời điểm khó khăn, ác liệt vào bậc nhất, đồng bào, chiến sĩ ở chiến trường Quảng Trị đã nhận được sự chi viện bằng tất cả tấm lòng và không tiếc máu xương của những người anh em Quảng Bình thân thiết.

Cảm tử quân ra đi…

Trước ngày lên đường, làng Cảnh Dương tổ chức lễ truy điệu sống cho những người con cảm tử vì Tổ quốc. Ai nấy xúc động, rưng rưng với lời nguyền quyết xả thân mình để hoàn thành nhiệm vụ. Hôm nay nhắc lại, nhiều người mắt vẫn đỏ hoe.

17 giờ ngày 12/1 âm lịch năm đó, đoàn thuyền xuất phát từ Cảnh Dương, lợi dụng gió mùa Đông Bắc cấp 5, cấp 6 và sương mù dày đặc. Rạng sáng hôm sau, đơn vị này đã đến Quảng Phú. Tại đây, Tỉnh đội Quảng Bình đón họ về nơi tập kết sau chặng đường đầu tiên xuôi chèo mát mái. Ông Trần Sự, Tỉnh đội trưởng đến thăm hỏi động viên, quán triệt nhiệm vụ lần này. Cấp trên rà soát lại các phương án đi đường, tác chiến, hậu cần, chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra. Đoàn thuyền nhận được 24 tấn vũ khí gồm đạn B.40, B.41, cối 82, thuốc nổ TNT, súng AK, CKC..., lương thực, thuốc men và vũ khí chiến đấu. Họ lại tiếp tục hành quân dưới lớp vỏ ngụy trang là các thuyền đánh cá. Gian khổ, nguy nan đang chực chờ trước mặt.

Xuất phát trong đêm tối, nương theo gió mùa Đông Bắc, sau một đêm vất vả, khẩn trương chịu đựng sóng to gió lớn bãi ngang, rạng ngày Rằm tháng Giêng, đoàn thuyền mới đến được Vũng Si-Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đơn vị dừng chân, ngụy trang lại thuyền chờ trời tối lại đi nhưng đã bị địch phát hiện. Đối phương lập tức cho máy bay ném bom, tàu chiến bắn pháo cấp tập. Một thuyền bị chìm, mấy thuyền khác bị hỏng. Chỉ huy ra lệnh cứu hàng, trai tráng trong đoàn bất chấp hiểm nguy, băng ra cứu vũ khí, đạn dược.

Ông Nguyễn Văn Biểu - bên phải - kể chuyện về chuyến tàu cảm tử ngày ấy. Ảnh: Phạm Xuân Dũng
Ông Nguyễn Văn Biểu - bên phải - kể chuyện về chuyến tàu cảm tử ngày ấy. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Ở Vĩnh Linh họ lại được làm lễ truy điệu sống lần thứ hai. Ông Biểu nhớ lại: “Mới đụng trận đầu, đoàn chỉ còn lại 8 thuyền. Chi bộ họp khẩn cấp, hạ quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ. Trước mắt là chặng đường nguy hiểm nhất, phải vượt qua vĩ tuyến 17, vượt qua Cửa Việt, nơi có một quân cảng đáng gờm của địch. Tình hình đã có thay đổi, còn 8 thuyền thì chỉ cần 48 người khỏe mạnh cùng đi, 20 người ở lại sửa thuyền, rồi tìm đường quay về”.

Địch đã phát hiện đoàn thuyền lạ nên tăng cường tuần tra. Ngoài khơi thì tàu chiến lùng sục đêm ngày, ven bờ thì ca nô tuần tiễu, trên trời máy bay quần đảo liên tục, tối đến là bắn pháo sáng để ngăn ngừa xâm nhập. Tình hình mỗi lúc một khó khăn. Đoàn thuyền cứ chờ đêm xuống ngậm tăm mà đi sát bờ men theo con sóng để tránh chạm địch. Qua được Cửa Tùng, mới vào đến Cát Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) lại bị địch phát hiện. Đối phương cho tàu chiến ngoài khơi pha đèn, máy bay thả pháo sáng, rực một góc trời. Lại thêm tiếng loa gọi hàng, tiếng súng uy hiếp, siết chặt vòng vây hòng bắt sống đoàn thuyền vận tải. Cả đơn vị hội ý tìm cách đối phó. Đoàn thuyền chia thành hai hướng, mỗi hướng 4 thuyền. Hướng thứ nhất do các ông Nguyễn Ngọc Liên, Trần Em, Hồ Khắc Nông, Phạm Đờn chỉ huy tiến vòng ra khơi để tránh tàu địch, hướng thứ hai gồm 4 thuyền còn lại do các ông Đậu Thanh Long, Phạm Minh, Lê Lộc, Nguyễn Tường chỉ huy tiến sát gần bờ, lợi dụng bóng tối sóng ngả để vượt lên.

Hướng ra khơi do ông Phạm Đờn đi đầu khi vượt qua Cửa Việt bị địch phát hiện và lập tức cho ca nô rượt theo. Biết không qua được, ông Phạm Đờn cho đánh đắm thuyền, chấp nhận địch bắt người nhưng không thu được vũ khí. Ba chiếc đi sau phải quay lại Vĩnh Linh, giao vũ khí cho du kích. Lợi dụng địch đang bận vây bắt 4 thuyền ngoài khơi, 4 thuyền còn lại vượt qua cuộc truy đuổi ác liệt, cập bến tại địa bàn Quảng Trị. Họ bàn giao 10 tấn vũ khí cho quân dân nơi đây. Nhưng sau hôm đó, ông Hướng đã bị địch bắt trong một trận càn ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Ông bị tra tấn dã man, đưa từ nhà tù Đà Nẵng ra Phú Quốc, đến sau Hiệp định Paris mới được trao trả bên sông Thạch Hãn. Vậy là ông đi 5 năm mới được trở về.

Ông Nguyễn Văn Biểu hồi tưởng: Đầu tháng 6/1968, thành viên đoàn thuyền cảm tử được lệnh lên trạm giao liên 205 Trường Sơn, tham gia chống càn, vận tải lương thực, tải thương. Rồi lại tiếp tục trèo đèo lội suối ròng rã gần một tháng trời qua tận đất Lào, theo đường Savannakhet - Đèo Mụ Dạ, Cha Lo - Bãi Dinh - La Trọng - Cổng Trời... những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh. Mãi đến tháng 9 mới về được quê nhà.

(còn nữa)

Theo Phạm Xuân Dũng (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null