Biên cương hữu nghị: Những con nuôi, mẹ nuôi của lính vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên cạnh nhiệm vụ gìn giữ biên cương, giúp đồng bào phát triển kinh tế, những người lính vùng biên ở tỉnh Quảng Nam còn nhận đỡ đầu, chăm sóc cho hàng chục đứa trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Vừa là cha, vừa là thầy

Một căn phòng được bố trí cho Zơ Râm Dũng (ở xã Đắk Tôi) và Alăng Chi (ở xã La Dêê), với đầy đủ trang thiết bị học tập ngay trong khuôn viên của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang (đóng chân xã La Dêê, H.Nam Giang, Quảng Nam). Cả hai em đều chung hoàn cảnh mồ côi cha từ sớm, gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Biết hoàn cảnh của 2 em, đơn vị đã xin phép chính quyền, gia đình đưa 2 em về đơn vị làm con nuôi của đồn. Thấm thoát đã hơn 6 năm, Dũng và Chi vào "biên chế" của đồn.

Thiếu tá Nguyễn Minh Vương hướng dẫn Zơ Râm Dũng xem bản đồ

Thiếu tá Nguyễn Minh Vương hướng dẫn Zơ Râm Dũng xem bản đồ

Là người được giao nhiệm vụ trực tiếp kèm cặp và dạy dỗ 2 em, thiếu tá Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, kể: Hằng ngày, sau giờ đến trường, 2 cháu cùng tham gia sinh hoạt với đơn vị, những lúc rảnh thì cùng các chú chăm sóc vườn rau, nuôi gà, heo, nhặt rau phụ giúp nấu nướng. Từ ngày được các cán bộ, chiến sĩ kèm cặp, nuôi nấng, cả hai khỏe mạnh hơn, học tập tiến bộ, ngoan và lễ phép. Dũng năm nay lên lớp 9, Chi lên lớp 8, cả hai đều có học lực khá và là học sinh ngoan của Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS xã La Dêê - Đắk Tôi.

Theo thiếu tá Vương, anh em cán bộ của đồn đa phần đều xa gia đình lên đây làm nhiệm vụ, nên từ ngày 2 cháu về thì xem như con, thay nhau uốn nắn từng nét chữ, dạy từng bài toán. Quan trọng nhất là luôn dạy các cháu phải biết nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi con chữ, rời núi tìm tương lai mới.

"Phận mồ côi nên các cháu thiệt thòi rất nhiều về tình cảm, anh em luôn chăm sóc các cháu một cách chu đáo nhất có thể. Giờ đây, các cháu đã là một phần không thể thiếu của đơn vị", anh Vương nói.

Lúc 5 giờ sáng, tại sân Đồn Biên phòng Tr'Hy (đóng chân tại xã Axan, H.Tây Giang), cán bộ, chiến sĩ bắt đầu bài tập thể dục vận động. Trên sân, ngoài lính biên phòng còn có cậu bé người Cơ Tu Hốil Đức Hữu (13 tuổi, học lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Nguyễn Văn Trỗi) cũng vận động theo động tác của các chú bộ đội… Hốil Đức Hữu được đón về đơn vị từ tháng 9.2019.

Về sống cùng bộ đội Đồn Biên phòng Tr'Hy, Hữu được bố trí một phòng riêng, có góc học tập, đầy đủ đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Cậu bé đã bắt nhịp với cuộc sống ở "ngôi nhà mới" khi luôn được những "bố nuôi" mang quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Không chỉ quản lý, kèm cặp, hướng dẫn học tập, các "bố nuôi" biên phòng còn đưa đón các em đến trường...

Những người mẹ "đặc biệt"

Khi đồng hồ vừa điểm 11 giờ, cũng là lúc tiếng nhạc hiệu vang lên báo hiệu giờ ăn trưa đã đến, thiếu tá Nguyễn Minh Vương cùng trực ban liền chở nhau mang cơm cho mẹ Hiên Nhias (76 tuổi) cách đồn khoảng 1 km.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang còn nhận chăm sóc cụ Hiên Nhias

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang còn nhận chăm sóc cụ Hiên Nhias

Không những được ăn cơm ngon mỗi ngày, mẹ còn được chăm sóc chu đáo khi đau ốm. Vùng này mẹ là người sướng nhất, khi cùng lúc có cả đàn con chăm lo. Thế giới này, chắc mẹ là người đông con nhất.

Cụ Hiên Nhias (76 tuổi, ở thôn Đắc Ốc)

Ngôi nhà của mẹ Nhias ở thôn Đắc Ốc vừa được cán bộ, chiến sĩ đồn chung tay sửa sang, giờ kiên cố hơn. Khi nghe tiếng gọi của thiếu tá Vương, cụ Nhias từ bếp chống gậy đi lên. Sau vài câu thăm hỏi, anh Vương nhắc trực ban trao phần cơm trưa mang từ đồn qua cho cụ Nhias. Giữa căn nhà nhỏ đơn sơ của cụ, treo trang trọng bằng Huân chương kháng chiến hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ năm 13 tuổi, mẹ Nhias đã bắt đầu tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng bằng cách giã gạo, vận chuyển gạo nuôi giấu bộ đội đánh Mỹ. Vợ chồng mẹ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng. Chồng mất cách đây hơn 20 năm, không có con cái, mẹ Nhias ở một mình. Biết hoàn cảnh của mẹ, từ năm 2016, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã nhận nuôi dưỡng mẹ Nhias. Hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau mang cơm, cháo chăm sóc mẹ. Lúc mẹ ốm đau, anh em thay nhau mua thuốc men, túc trực, đỡ đần.

Dù không có con cháu, nhưng cụ Nhias có cả đàn con nuôi là anh em cán bộ, chiến sĩ của đồn. "Bao năm mẹ xem anh em đơn vị như con. Anh em cũng xem mẹ Nhias như mẹ đẻ của mình. Với anh em gắn bó lâu năm với đồn, mẹ Nhias là người mẹ "đặc biệt" của đời binh nghiệp", anh Vương tâm sự.

Những phần cơm ngon, nóng cùng rau thịt, canh anh em đơn vị nấu mang qua, cụ Nhias vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. "Không những được ăn cơm ngon mỗi ngày, mẹ còn được chăm sóc chu đáo khi đau ốm. Vùng này mẹ là người sướng nhất, khi cùng lúc có cả đàn con chăm lo. Thế giới này, chắc mẹ là người đông con nhất", cụ Nhias nở nụ cười hiền hậu, nói.

Theo anh Vương, ngoài mẹ Nhias, hiện nay Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang còn hỗ trợ nuôi dưỡng thêm 2 mẹ khác bằng hình thức hỗ trợ 15 kg gạo/tháng. Do đường sá xa xôi, cách trở, hằng ngày đồn giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc các mẹ.

Trung tá Nguyễn Văn Thương, Phó đồn trưởng phụ trách Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, cho hay cuộc sống của bà con đồng bào vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Thấu hiểu được vấn đề này, anh em luôn sát cánh kề vai cùng sẻ chia với người dân để chung tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp nơi vùng biên này.

"Mô hình "Mẹ nuôi biên phòng", "Con nuôi biên phòng" được các cán bộ, chiến sĩ tích góp, duy trì nguồn lực hằng tháng chủ yếu từ đồng lương, trích ngày ăn, lương phụ cấp và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng anh em luôn động viên nhau để cùng chung tay đỡ đần những hoàn cảnh thương tâm, nâng bước các em đến trường", trung tá Thương chia sẻ. (còn tiếp)

Mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam phát động từ tháng 7.2019, đến nay các đơn vị đã nhận nuôi khoảng 25 em. Trước đó, từ năm 2016, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai chương trình "Nâng bước em đến trường" và đến nay đã nhận đỡ đầu khoảng 230 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 6 học sinh nước bạn Lào. Ngoài tiền hỗ trợ hằng tháng, trong các dịp lễ tết hay đầu năm học mới, các đơn vị đều đến thăm, tặng quà, sách vở, dụng cụ học tập… để động viên các em.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.