Biên cương hữu nghị: Nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lực lượng bộ đội biên phòng đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm trẻ em dọc biên giới tỉnh Kon Tum được tiếp tục đến trường, nuôi dưỡng ước mơ tươi đẹp về tương lai.

Nhận 1 nuôi 2

Tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa trên đường công tác tại xã Rờ Kơi (H.Sa Thầy, Kon Tum), đại úy A Hùng, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Rờ Kơi, chạy xe máy về làng Kram (xã Rờ Kơi) thăm con nuôi A Khúy. Năm nay, A Khúy học lớp 8 Trường THCS Rờ Kơi, được Đồn biên phòng Rờ Kơi nhận nuôi cách đây 5 năm. "Chiều nay, A Khúy có bài kiểm tra môn vật lý giữa kỳ, không biết nó đã ôn bài chưa. Sợ cu cậu ham chơi nên mình xuống tận nhà nhắc nhở mới yên tâm, rồi thăm hỏi gia đình và chuyện học hành của cháu luôn thể", đại úy Hùng giải thích.

Các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Rờ Kơi đến thăm con nuôi A Khúy

Các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Rờ Kơi đến thăm con nuôi A Khúy

Trong căn nhà lụp xụp, bà Y Dẻo (bà ngoại A Khúy) đang lúi húi nấu cơm. Thấy A Hùng, bà Dẻo bỏ dở công việc chạy ra đón khách quý. Bà Dẻo có 2 người con gái, trong đó một người lấy chồng xa và Y Phai (mẹ A Khúy). Năm 2011, chị Y Phai lập gia đình. Không có công việc ổn định lại không có đất sản xuất nên vợ chồng chị cứ cày thuê cuốc mướn khắp nơi. Năm năm trước, sau cơn đột quỵ, người chồng về với Yàng để lại 3 đứa con thơ dại cho Y Phai chăm sóc.

Không còn chỗ nương tựa, Y Phai đưa các con về ở với ông bà ngoại. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi thì biến cố lại ập đến. Sau một giấc ngủ trưa, cha Y Phai bất ngờ bị tai biến. Từ đó, ông cứ nhớ nhớ quên quên, có hôm đi lang thang trong làng như người vô hồn.

Đồn biên phòng Rờ Kơi tặng xe đạp cho con nuôi A Khúy nhân dịp năm học mới

Đồn biên phòng Rờ Kơi tặng xe đạp cho con nuôi A Khúy nhân dịp năm học mới

Từ ngày cha đổ bệnh, Y Phai lại gánh thêm khoản tiền thuốc men hằng tháng. Người mẹ già cũng đau ốm triền miên và không còn sức lao động. Cả gia đình chỉ trông chờ vào số tiền làm thuê chưa đến 200.000 đồng/ngày của Y Phai. Có người thuê thì có đồng ra đồng vào, còn những hôm chị rỗi việc, gạo trong nhà cũng hết, chỉ còn biết đi mua gạo nợ. Nhà đã khó, tiền bạc trong nhà lẫn vay mượn chữa bệnh bao lâu càng khiến gia cảnh họ khánh kiệt. Chị Y Phai như bất lực trước số phận cùng cực đổ xuống gia đình.

Thế rồi thông qua công tác vận động quần chúng, Đồn biên phòng Rờ Kơi nắm được hoàn cảnh của A Khúy. Ngay sau đó, một tổ công tác "đặc biệt" được cử đến nhà Y Phai làm thủ tục, hồ sơ nhận A Khúy làm con nuôi. Dù chỉ lập hồ sơ nhận nuôi một mình A Khúy nhưng thấy hoàn cảnh chị Y Phai quá ngặt nghèo, đồn quyết định nuôi thêm em gái A Khúy là Y Khuyết.

"Do đồn biên phòng nằm sát đường biên giới, cách trường học ở xã Rờ Kơi hơn 80 km nên việc đưa các cháu về đơn vị để chăm sóc là bất khả thi. Bởi vậy, đơn vị quyết định để các cháu ở lại nhà và cấp tiền ăn hằng tháng. Ngoài ra, các cháu còn được đồn hỗ trợ sách vở, bút, thước, quần áo mỗi tháng theo chế độ", đại úy A Hùng chia sẻ.

Từ ngày các cháu được đồn biên phòng nhận nuôi, gia đình bà Y Dẻo bớt đi một phần gánh nặng. "Đầu năm học, các cháu được bộ đội biên phòng cấp sách vở, bút thước, quần áo, hằng tháng còn được cấp gạo, thức ăn. Đồn giúp gia đình nhiều lắm, nếu không có các chú, các bác thì chắc các cháu tôi phải nghỉ học rồi", bà Y Dẻo bộc bạch.

Thay đổi những cảnh đời

Chúng tôi đến thăm làng Đăk Mế (xã Bờ Y, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) vào một chiều tháng 4, nắng như đổ lửa. Trên suốt tuyến đường, những cơn gió miền biên viễn cứ ràn rạt thổi qua, áp vào da người bỏng rát.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Nam đến thăm nhà con nuôi Y Uyên

Thiếu tá Nguyễn Hữu Nam đến thăm nhà con nuôi Y Uyên

Dọc đường, thiếu tá Nguyễn Hữu Nam, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cho biết đơn vị đang hỗ trợ, giúp đỡ 6 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, 2 cháu là con nuôi được hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng, 4 cháu thuộc mô hình Nâng bước em đến trường được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/cháu cho đến năm hết lớp 12. Kinh phí thực hiện do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện đóng góp và nguồn ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm do đơn vị vận động. Ngoài ra, dự án Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường của Bộ Quốc phòng cũng đang hỗ trợ 25 học sinh có hoàn cảnh cơ cực khác trên địa bàn xã Bờ Y.

Tranh thủ thời gian rảnh, thiếu tá Nguyễn Hữu Nam hướng dẫn con nuôi làm bài tập

Tranh thủ thời gian rảnh, thiếu tá Nguyễn Hữu Nam hướng dẫn con nuôi làm bài tập

Đón chúng tôi trước cửa nhà, chị Y Ly (làng Đăk Mế) cứ khoe mãi về con bò được đồn biên phòng hỗ trợ mấy năm trước, nay đã đẻ 2 con. Vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên chị Ly phải chật vật mưu sinh. Năm 2008, chị lập gia đình. Chồng chị Y Ly ở Thanh Hóa nhưng đã vào Kon Tum làm ăn từ nhiều năm trước. Sau khi kết hôn, vì không có đất sản xuất nên hai vợ chồng Y Ly chỉ biết cày thuê, cuốc mướn để đắp đổi qua ngày. Ba đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình càng thêm thiếu thốn. Dù cố gắng làm ăn nhưng gia đình chị Ly cũng chẳng thể xóa tên mình khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Năm 2020, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y quyết định nhận nuôi Y Uyên (con gái đầu của chị Y Ly). Năm sau, cháu Thao Dương Chí (con trai thứ hai của chị Ly) tiếp tục được nhận nuôi khi vừa vào lớp 1. Không chỉ nhận nuôi các cháu, đồn biên phòng còn triển khai mô hình cấp bò giống để gia đình chị Ly phát triển kinh tế. Năm 2023, đồn phối hợp cùng chính quyền địa phương xây nhà tình nghĩa cho gia đình chị.

Ngoài việc nhận nuôi các cháu, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn hỗ trợ mô hình sinh kế giúp gia đình chị Y Ly thoát nghèo

Ngoài việc nhận nuôi các cháu, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn hỗ trợ mô hình sinh kế giúp gia đình chị Y Ly thoát nghèo

Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, kinh tế gia đình chị Ly đã có nhiều thay đổi. Vợ chồng chị đã mua được một mảnh đất nhỏ để trồng cà phê, mì. Hiện vườn cà phê sắp cho thu hoạch, còn vườn mì mỗi năm cũng cho thu nhập gần 20 triệu đồng.

"Ngày trước, vợ chồng mình nghèo quá, có khi hết gạo phải luộc củ mì ăn trừ bữa. Từ khi được đồn biên phòng và chính quyền địa phương hỗ trợ, vợ chồng mình có căn nhà khang trang, các con được đi học. Kinh tế gia đình cũng đỡ chật vật hơn trước. Được các anh giúp đỡ, mình biết ơn lắm nhưng chẳng biết bày tỏ thế nào, chỉ biết dặn các con cố gắng học tập để không phụ lòng các chú, các bác bộ đội biên phòng", chị Ly chia sẻ. (còn tiếp)

Đỡ đầu, hỗ trợ hơn 340 cháu bé

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, từ năm 2019 đến nay, lực lượng biên phòng trên địa bàn tỉnh đã nhận đỡ đầu 75 học sinh trong chương trình Nâng bước em đến trường, nhận nuôi 14 cháu thuộc mô hình Con nuôi đồn biên phòng, hỗ trợ 253 cháu thuộc dự án Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường của Bộ Quốc phòng.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết mô hình con nuôi đồn biên phòng và nâng bước em đến trường đã đạt hiệu quả. Sau khi được hỗ trợ, nhiều cháu đã thi đậu các trường cao đẳng, đại học; có một cháu đã tốt nghiệp và trở lại quê hương làm giáo viên. "Chúng tôi xác định nhiệm vụ lâu dài hơn, sâu xa hơn là định hướng các cháu tham gia lực lượng bộ đội biên phòng để các cháu có điều kiện trực tiếp bảo vệ biên cương của Tổ quốc", đại tá Chính nói.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.