Biên cương hữu nghị: Cuộc chiến với 'ma rừng' nơi cổng trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đội ngũ y bác sĩ Phòng khám đa khoa quân dân y Axan ở vùng biên giới Việt - Lào luôn bám sát bản làng để chăm sóc sức khỏe, vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới.

GIÀNH GIẬT SINH MẠNG CON NGƯỜI VỚI CẢ LÀNG

Xã Axan của huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) được ví là "cổng trời" ở vùng biên viễn. Nơi đây, hàng chục năm qua, những người lính quân y Phòng khám đa khoa quân dân y Axan (Phòng khám Axan thuộc Đồn biên phòng Tr'Hy) gồng mình trong cuộc chiến với "ma rừng". Chẳng ai biết con "ma rừng" hình thù ra sao và có từ bao giờ. Chỉ biết theo lời người dân thì nó quyền lực ghê gớm lắm. "Ma rừng" khiến bao nhiêu gia đình người Cơ Tu mất người thân vì ốm đau không đưa đến trạm xá. "Ma rừng" khiến dân bản đốt nương rẫy, bỏ đi tìm những vùng đất mới - vùng đất mà các thầy mo được xem như "sứ thần" của "ma rừng"...

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đỡ đẻ cho sản phụ Bríu Thị Poi giữa đường...

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đỡ đẻ cho sản phụ Bríu Thị Poi giữa đường...

... và khi siêu âm cho người dân

... và khi siêu âm cho người dân

Phòng khám Axan đã bước sang năm thứ 16 với biên chế 10 y bác sĩ, 8 giường bệnh. Nằm ở vùng biên giới nên phòng khám tưởng chừng như "tê liệt" vào mùa mưa vì đường sá cách trở. Ấy vậy mà mọi khâu chăm sóc sức khỏe của bộ đội, bà con đồng bào 4 xã Axan, Gary, Ch'Ơm, Tr'Hy (H.Tây Giang) gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phòng khám này.

Trong ký ức của những y bác sĩ ở đây, quãng thời gian khoảng 15 năm trước là những ngày dài "chiến đấu" với con "ma rừng", với thầy mo của bản. Khi đó, người dân ở những bản làng giáp biên đau ốm thường nhờ cậy thầy cúng chứ không chịu đến bệnh viện, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm. Vì vậy, không chỉ làm tròn trách nhiệm của một y bác sĩ, các chiến sĩ Phòng khám Axan còn tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc tự điều trị ở nhà hoặc nhờ vào thầy cúng.

Hàng chục năm gắn bó với vùng núi cao này, không có tình huống nào mà thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí, Phó trưởng Phòng khám Axan, chưa trải qua, có những lúc phải giành giật sinh mạng con người với cả làng. Anh cùng đồng đội đã có thời gian dài lặn lội hết rừng trên bản dưới trong cuộc "chạy đua" với thầy mo, thầy cúng. Từ bản nằm ngay trung tâm xã hay những bản vùng cao giáp nước bạn Lào, phải đi bộ cả ngày đường, bước chân chàng lính trẻ vẫn tìm đến vì sợ mình sẽ chậm hơn những "sứ thần của ma rừng". "Khoảng 10 năm trước, dân bản thường tin tưởng thầy mo hơn cán bộ, bộ đội, y tá. Họ nghĩ bệnh tật là do ma làm. Nhà có người bệnh nhất định phải mổ trâu mổ bò rồi mời thầy mo đến cúng nhưng rồi bệnh tình cũng không khỏi và đã có những cái chết thương tâm xảy ra…", thiếu tá Trí ngậm ngùi nhớ lại.

Cuộc chiến với con "ma rừng", giành giật sự sống cho bệnh nhân cách đây khoảng chừng 15 năm từng là chuyện "cơm bữa" với người thầy thuốc vùng cao. Có những kỷ niệm còn mãi ám ảnh, bởi ngay chính họ cũng là người đồng bào, sau khi được tiếp cận với kiến thức mới, nhìn lại cũng thấy rùng mình với những hủ tục nơi mình đang sống.

Anh Bríu Hạnh, Phó trưởng Phòng khám Axan, vẫn còn nhớ chuyện cách đây hơn 20 năm, lúc anh còn công tác ở Trạm y tế xã Tr'Hy. Khi đó, người dân ở đây tin vào những thầy mo chuyên trị bệnh bằng cách "thổi". Bị đau chỗ nào thì "thổi" chỗ đó. Để chữa trị, thầy mo cầm bó nhang cháy rực, khấn điều gì đó không ai nghe rõ rồi ngậm ngụm rượu, phun qua bó nhang thành ngọn lửa đỏ rực vào nơi người bệnh bị đau.

Có lần Bríu Hạnh phải cùng 3 người khác trong trạm y tế khăn gói xuống thôn để cấp cứu một người bệnh, sau khi người nhà đã cúng bái, mời đủ thầy mo trong làng chữa trị mà không khỏi. Cả làng rất sợ, bảo do con "ma rừng" ám khiến người bệnh mấy ngày không ăn, không nói được gì. Lúc đó anh em trong trạm dự đoán tình hình rồi xuống bản. "Qua thăm khám, chúng tôi chẩn đoán người này bị tụt huyết áp khiến người mệt mỏi nhiều ngày không ăn không uống nên thiếu nước, thiếu chất, người lả đi không nói nổi. Chúng tôi sơ cứu rồi đưa lên trạm, truyền cho 2 bình nước là khỏe ngay, ngồi dậy nói chuyện bình thường", anh Bríu Hạnh kể.

GÓP PHẦN THẮT CHẶT TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT - LÀO

Ngoài khám, chữa bệnh miễn phí cho dân bản tại phòng khám, mỗi khi nhận được thông tin bà con bị đau ốm hay gặp nạn là các anh lập tức lên đường tiếp cận bệnh nhân bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa. Để hiểu người dân muốn gì, phong tục tập quán của họ ra sao, các chiến sĩ tự mày mò học tiếng đồng bào, nhờ đó dễ dàng trao đổi, tìm nguyên nhân gây bệnh… Nhờ sự ân cần, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, những người thầy thuốc quân hàm xanh luôn được dân mến, dân tin.

Bác sĩ Phòng khám Axan thăm khám cho người dân

Bác sĩ Phòng khám Axan thăm khám cho người dân

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các xã vùng cao H.Tây Giang, Phòng khám Axan còn tiếp nhận hàng nghìn lượt khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho người dân ở các bản giáp biên của cụm Tà Vàng (H.Kà Lừm, tỉnh Sekong, Lào). Do đường về trung tâm H.Kà Lừm mất đến mấy ngày đường, nên mỗi khi ốm đau người dân ở cụm Tà Vàng lại ngược sang Phòng khám Axan để khám chữa. "Không chỉ khám, phát thuốc miễn phí mà nhiều trường hợp người bệnh đến khám, phải ở lại điều trị nhiều ngày nhưng không có anh em họ hàng chăm sóc, các y bác sĩ lại bớt khẩu phần của mình để chia sẻ. Khi họ xuất viện về nhà, anh em lại góp tiền mua nhu yếu phẩm tặng để họ mang về nhằm chia sẻ bớt khó khăn cùng người dân nước bạn", thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí chia sẻ.

Mới đây, sản phụ Bríu Thị Poi (29 tuổi, ở thôn Arooi, xã Gary) đang trên đường xuống Phòng khám Axan thì bất ngờ đau bụng dữ dội, có dấu hiệu chuyển dạ. Người thân nhanh chóng điện thoại báo đến ca trực Phòng khám Axan. Ngay lập tức, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đến nơi chị Poi chuyển dạ để thăm khám. Nhận thấy đầu thai nhi đã lọt qua cổ tử cung, do tình thế cấp bách, anh Trí và một số người thân quyết định mang quần áo, khăn, nước ra và đỡ đẻ cho sản phụ ngay bên đường. Ca đỡ đẻ bất đắc dĩ thành công, đón một bé gái nặng 2,4 kg chào đời trong niềm hạnh phúc của sản phụ, người thân.

Một lãnh đạo Đồn biên phòng Tr'Hy cho hay từ khi Phòng khám Axan được thành lập đã góp phần cùng với ngành y tế chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho đồng bào và người dân nơi vùng cao biên giới. Ngoài ra, các bác sĩ quân y còn tích cực hỗ trợ và kịp thời cứu chữa nhiều người dân của nước bạn Lào ở vùng giáp biên. Việc khám chữa bệnh cho người Lào cũng không dừng ở yếu tố nhân đạo, mà qua đó còn thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa người dân hai nước Việt - Lào, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị. Và trong những dịp sang thăm thân, họ không quên ghé đến Trạm quân dân y kết hợp Axan để cảm ơn các ân nhân từng cứu chữa, chăm sóc mình.

Thành công lớn nhất của các bác sĩ mang quân hàm xanh nơi vùng biên giới Việt - Lào này chính là dần đẩy đuổi được con "ma rừng" ám ảnh, đánh bại được thầy mo và những hủ tục trong nhận thức của dân bản. Dù cuộc chiến trường kỳ với "ma rừng" đã kết thúc nhưng trên vai họ tiếp tục là trách nhiệm của người thầy thuốc, trách nhiệm của những chiến sĩ nơi tuyến đầu để đồng bào vùng cao có thể tiếp cận những kiến thức mới, với cuộc sống được chăm sóc đầy đủ hơn. (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.