Pleiku: Tích cực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, TP. Pleiku đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp người dân trên địa bàn từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Chư Á là địa phương có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số ( DTTS) cao, trình độ sản xuất còn thấp và số hộ nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trên địa bàn TP. Pleiku. Ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã cho biết, cuối năm 2021, xã có 55 hộ nghèo (chiếm 2,43%), 58 hộ cận nghèo (chiếm 2,56%). Để có kế hoạch giảm nghèo, hàng năm, UBND xã đều kiểm tra phân loại đối tượng để có phương án hỗ trợ cụ thể. Xã tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án, từ quỹ "Vì người nghèo" các cấp, nguồn vốn vay của nhà nước và vận động các đơn vị, các tổ chức hỗ trợ sinh kế, nhà ở và các dịch vụ thiết yếu khác để giúp người dân.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, xã đã phối hợp cấp 64 con bò; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 33 hộ nghèo, cận nghèo (tổng kinh phí xây nhà 1,4 tỷ đồng); hỗ trợ 18 hộ vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 590 triệu đồng; hỗ trợ 71 hộ về chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán, vốn buôn bán, mua heo giống với tổng số 506 triệu đồng; hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên cải thiện cuộc sống. Tính đến cuối năm 2023, xã đã có 16 hộ thoát nghèo, 12 hộ thoát cận nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của xã xuống còn 39 hộ (chiếm 1,58% dân số), hộ cận nghèo còn 44 hộ (chiếm 1,78%).

Nhờ được các cấp ngành quan tâm, cuộc sống của gia đình bà H'Blăi được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Nhật Hào

Nhờ được các cấp ngành quan tâm, cuộc sống của gia đình bà H'Blăi được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Nhật Hào

Nhà không có đất sản xuất, chồng lại mất sớm, một mình chị H'Blăi (làng Bông Phun, xã Chư Á) phải bươn trải làm thuê đủ thứ việc để nuôi 3 người con ăn học. Trước hoàn cảnh của gia đình chị, năm 2014, UBND xã đã vận động các hội, đoàn thể đóng góp hỗ trợ chị 1 con bò sinh sản và cặp heo giống làm phương tiện sinh kế với số tiền 15 triệu đồng. Được sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên chị đã gầy đàn lên 7 con bò; heo thì đến nay duy trì nuôi mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa trên 10 con. “Nhờ được chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ, cuộc sống của mấy mẹ con tôi đã bớt khó khăn hơn. Cuối năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo rồi"-bà H’Blăi cho hay.

Tương tự, tại xã An Phú, bà Phạm Thị Bắc-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho hay: “Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã tập trung tuyên truyền, triển khai các chương trình, các cuộc vận động nhằm làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất của người dân, nhất là tại 2 làng đồng bào DTTS là Thung Dôr và Bong Phrâo. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, xã đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành hỗ trợ xây dựng 5 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với số tiền 250 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi cho 7 hộ nghèo với số tiền 63 triệu đồng; tặng bò cho hộ nghèo từ các chương trình, dự án. Ngoài ra, xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tín chấp cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo”. Còn anh Ksor Glĩu (làng Bong Phrâo) cho hay: "Vì không có đất sản xuất, trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, gia đình tôi được hỗ trợ xây nhà, cho bò nên cuộc sống được cải thiện. Đến cuối năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo".

Hàng năm, thành phố Pleiku còn phối hợp hỗ trợ bò giống sinh sản nhằm tạo sinh kế giúp người dân phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nhật Hào
Hàng năm, thành phố Pleiku còn phối hợp hỗ trợ bò giống sinh sản nhằm tạo sinh kế giúp người dân phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nhật Hào

Thực hiện Chương trình số 31-CTr/TU ngày 3-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khoá XII “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là tại các làng đồng bào DTTS trên địa bàn", từ năm 2021 đến nay, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường vận động các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân, quỹ "Vì người nghèo thành phố" và của xã hỗ trợ 95 hộ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ cây-con giống, phân bón, vốn sản xuất 1,2 tỷ đồng; giúp 252 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi trên 13,8 tỷ đồng...

Với các giải pháp trên, đến cuối năm 2023, TP. Pleiku chỉ còn 149 hộ nghèo (chiếm 0,24%; trong đó DTTS có 95 hộ, chiếm 1,29%), 382 hộ cận nghèo (chiếm 0,61%; trong đó 170 hộ DTTS, chiếm 2,31%).

Ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Pleiku-cho hay: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng như các đoàn thể, các cấp, các ngành của thành phố sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; đồng thời, tiếp tục phối hợp thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua nước gắn với các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong các làng đồng bào DTTS trên địa bàn, nhất là Chương trình số 31-CTr/TU nhằm giúp người nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.