Những người nghĩa hiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Họ là một đội quân rất “ngầu” thuộc CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam, đã xung kích vì cộng đồng. Trong thiên tai và dịch bệnh, CLB đã tham gia cứu hộ, vận chuyển hàng ngàn chuyến hàng hóa miễn phí tới những vùng khó khăn.

Đoàn xe bán tải trong một hành trình đi trao nhu yếu phẩm mùa dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Đoàn xe bán tải trong một hành trình đi trao nhu yếu phẩm mùa dịch Covid-19. Ảnh: NVCC



“Đường đi khó, có chúng tôi”

Ra đời năm 2013, CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam (tên tiếng Anh: Pickup Vietnam Club - viết tắt PVC) hiện có 500 thành viên trên khắp cả nước. Từ năm 2020, CLB trở thành thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hà Nội. Cứ nơi nào cần giúp đỡ, họ lại lập tức có mặt để vận chuyển hàng hóa miễn phí với tinh thần “Đường đi khó, có chúng tôi”.

Trong mùa lũ kinh hoàng năm 2020 ở các tỉnh miền Trung, gây rất nhiều tổn thất cho bà con nhân dân, họ đã lập tức lên đường vào ứng cứu. Anh Nguyễn Ngọc, Ủy viên Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hà Nội, Chủ nhiệm CLB, nhớ lại: “Khi ấy, lũ lên quá nhanh khiến gần 100 người dân ở các xã ven sông H.Hải Lăng (Quảng Trị) bị mắc kẹt, đoàn cứu trợ PVC đã kịp thời có mặt dẫn theo 4 xuồng hơi tiến vào khu dân cư bị cô lập giải cứu được 92 người và chở đồ cứu trợ vào tận nơi ngập nước”. Sau đó, họ cũng là đơn vị tổ chức nhiều đoàn xe hỗ trợ vận chuyển chở hàng cứu trợ của T.Ư Đoàn, Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hà Nội vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế để cứu giúp bà con…


Đặc biệt, từ khi bùng phát dịch Covid-19, CLB đã thành lập Đội phản ứng nhanh gồm 100 xe bán tải và 134 thành viên, sẵn sàng lên đường để thực hiện các công việc vận chuyển từ thiện trên khắp cả nước. Các chuyến xe của CLB có mặt khắp nơi khó khăn, từ khu cách ly của bệnh viện, đến đồn biên phòng tại các tỉnh, thành: Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng…

Từ năm 2020 đến nay, Đội phản ứng nhanh PVC đã thực hiện vận chuyển an toàn hơn 1.800 chuyến với hơn 600 tấn hàng, chuyển nhu yếu phẩm và các trang thiết bị phòng chống dịch cho các cơ quan, đơn vị và người dân. Mỗi chuyến đi như thế, họ vừa làm cửu vạn, vừa làm tài xế. Ai từng chứng kiến những chuyến đi của họ cũng không khỏi xúc động. Những cánh tay rắn chắc nhấc bổng từng kiện hàng, xếp gọn ghẽ vào thùng xe và phóng như “tuột xích” đến những nơi khó khăn. Nhờ có họ mà những suất ăn yêu thương do T.Ư Đoàn phát động đã được trao tận tay những người nghèo khó trong tâm dịch, hay những hàng hóa từ thiện từ T.Ư MTTQ Việt Nam đến được với người dân nhanh nhất... Không chỉ vận chuyển miễn phí, CLB còn tổ chức góp tiền xây trường học miền núi, làm chốt kiểm dịch Covid-19 cho bộ đội, tặng quà cho trẻ em ở những vùng xa xôi… Điều tuyệt vời là 100% chuyến đi của họ đều an toàn.


 

 Các thành viên CLB trao tặng chốt kiểm dịch Covid-19 cho H.Mèo Vạc (Hà Giang).
Các thành viên CLB trao tặng chốt kiểm dịch Covid-19 cho H.Mèo Vạc (Hà Giang).


“Cuộc sống cần nhiều sự chia sẻ”

Chia sẻ về CLB, anh Nguyễn Ngọc cho biết các thành viên là những người có cùng chung niềm đam mê xe ô tô, đặc biệt là xe pickup, lúc đầu hợp lại để giúp đỡ lẫn nhau và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Sau đó, CLB tổ chức rất nhiều chương trình thiện nguyện trên khắp cả nước. Trong hành trình thiện nguyện, họ trải qua không ít gian nan, vì hầu như các chuyến đi của CLB là đều đến những vùng khó khăn mà các xe khác không thể đến được. “Hầu như chuyến đi nào cũng có xe bị trục trặc vì đường đi khó, nhất là cung đường núi cao, vực sâu hoặc vùng lũ lụt, nước sâu rất nguy hiểm. Đặc biệt, do ai cũng bận công việc chuyên môn nên chúng tôi phải tranh thủ đi vào ban đêm, nhưng tất cả các chuyến đi đều an toàn”, anh Ngọc kể. Để an toàn, anh Ngọc cho biết tất cả những người đi cùng chuyến sẽ được kết nối với nhau bằng bộ đàm. Mỗi xe có 2 người, một người lái còn một người làm liên lạc viên thông tin về hành trình. Đoàn xe bao giờ cũng có một đội kỹ thuật với những người thợ lành nghề để xử lý những khi xe có sự cố.

Trong mùa dịch Covid-19, trên đường không có quán ăn, họ phải chuyên chở cả một xe thực phẩm để tự nấu ăn. “Chuyện chúng tôi nhỡ bữa, nhai mì tôm sống là thường xuyên. Chúng tôi dừng ở đường để nấu ăn, có lúc phải đi xin củi, xin nước để nấu. Lúc ăn cũng phải vội vàng vì mùa dịch, anh em không được tụ tập nên cứ chạy vào “chôm” một miếng rồi lại ra một chỗ ngồi ăn”, anh Ngọc kể kỷ niệm.

Anh Bùi Hữu Việt, Phó chủ nhiệm CLB, cũng chia sẻ những khó khăn, nhất là việc phải mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng để vận chuyển hàng hóa vào vùng dịch. “Có những chuyến chúng tôi đi một mạch từ Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và suốt hành trình phải nhịn vệ sinh để tránh tiếp xúc, làm sao để không xảy ra lây nhiễm dịch”, anh Việt kể. Tuy nhiên, các thành viên của đoàn ai cũng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

Điều đáng trân trọng là nhiều người trong CLB làm kinh doanh, dịch Covid-19 đã khiến họ rơi vào khó khăn. Anh Ngọc làm doanh nghiệp về du lịch nhưng 2 năm nay không có một đồng thu nhập. Vợ anh làm nhân viên văn phòng, thu nhập thấp, nên giờ phải làm thêm nghề nấu ăn để bán online, còn anh giúp vợ làm shipper. “Rất nhiều người khó khăn nhưng khi được huy động hỗ trợ, ai cũng sẵn sàng. Nếu cứ ở nhà, thì tôi không hình dung được khó khăn của những người ở nơi dịch bệnh. Vì thế, được đóng góp công sức dù nhỏ bé, để giúp đỡ người dân, tôi cảm thấy vui và ấm lòng. Có đi mới hiểu hơn cuộc sống này cần rất nhiều sự chia sẻ”, anh Ngọc trải lòng.

 

Là người từng kết nối với CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam để giúp đỡ người dân, chị Nguyễn Thị Kim Nhung (ở H.Thanh Chương, Nghệ An) chia sẻ: “Trong đợt lũ lụt ở miền Trung, khi tôi lên mạng kêu gọi hỗ trợ, ngay lập tức CLB đã đến ứng cứu. Các anh rất nhiệt tình và quên mình cứu giúp bà con. Nếu không có các anh, chắc nhiều người đã phải bỏ mạng rồi. Trong đại dịch Covid-19, CLB đã kết nối chở hàng tấn lương thực thực phẩm tới giúp công nhân ở Bình Dương. Đây là mô hình quá tuyệt vời, cần lan tỏa và nhân rộng trong xã hội”.


Theo Thái Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các hạng mục để sớm bố trí tái định cư cho 33 hộ dân làng Đê Kôn (xã H'ra). Ảnh: Lê Nam

"Điểm tựa" giúp người dân ổn định cuộc sống

(GLO)- Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Mang Yang triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pyâu (Lơ Pang), Đê Bơ Tơk (Đak Jơ Ta), Đê Kôn (Hra) nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.