Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai tập trung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhờ đó, người dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong hoạt động mua bán, góp phần mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm do đồng bào DTTS sản xuất.

Trong giai đoạn 2022-2024, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Công thương, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân tỉnh và các địa phương hỗ trợ 6 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức 27 hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm, 1 chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã và tham gia 2 phiên chợ nông sản vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức 1 mô hình tiêu thụ sản phẩm, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị tuyên dương các cá nhân tiêu biểu, tổ chức 19 lớp tập huấn với 1.084 lượt học viên tham gia và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi.

san-pham-nong-nghiep-cua-ba-con-vung-dong-bao-dtts-duoc-ho-tro-quang-ba-gioi-thieu-thong-qua-cac-chuong-trinh-xuc-tien-thuong-mai.jpg
Sản phẩm nông nghiệp của bà con vùng DTTS được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: V.T

Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Thông qua hình thức hội chợ, phiên chợ, các loại nông sản của đồng bào DTTS được giới thiệu đến nhiều khách hàng hơn. Từ đó, người dân mạnh dạn khởi nghiệp kết hợp với bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.

Bà Đoàn Thị Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Grăng (huyện Ia Grai) cho hay: “Hội Nông dân xã vận động hội viên người đồng bào DTTS tham gia các hội chợ, phiên chợ được tổ chức trên địa bàn. Qua mỗi phiên chợ, bà con được giao lưu, mua bán nhiều mặt hàng đặc trưng, tìm kiếm cơ hội kết nối tiêu thụ cũng như có điều kiện tìm hiểu về các mô hình kinh tế hay để học hỏi làm theo”.

cac-san-pham-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-duoc-dua-di-trung-bay-gioi-thieu-tai-cac-phien-cho.jpg
Các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đưa đi trưng bày giới thiệu tại các phiên chợ. Ảnh: V.T

Không chỉ vận động, hỗ trợ bà con đưa sản phẩm đến bán tại các phiên chợ, cơ quan chuyên môn còn hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số trong hoạt động mua bán. Nhờ đó, đồng bào DTTS đã biết thực hiện thao tác mua bán hàng trên các nền tảng của mạng xã hội.

Chị Sáp (làng Đak Dwe, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Gia đình tôi có vườn cây ăn quả, mỗi khi thu hoạch thường đem ra chợ bán. Từ khi được hướng dẫn cách mua bán trên các trang mạng xã hội, số lượng khách hàng của tôi tăng lên. Để giới thiệu sản phẩm, tôi đã làm video về vườn cây ăn quả rồi livestream bán hàng. Ngoài đăng trên trang cá nhân, tôi còn chia sẻ đến các nhóm mua bán hàng trực tuyến để tìm kiếm thêm khách hàng”.

Theo chị Sáp, hầu hết thanh niên trong làng đều dùng điện thoại thông minh. Ngoài giải trí, họ còn biết mua hàng, thanh toán trực tuyến qua ngân hàng nên việc mua bán qua mạng vô cùng thuận tiện.

Để định hướng thanh niên người DTTS mạnh dạn khởi nghiệp, tháng 8-2024, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Đoa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nguồn nhân lực thương mại và khởi nghiệp cho khoảng 60 đoàn viên, thanh niên là người DTTS.

Tại chương trình này, các đơn vị đã định hướng cho đoàn viên, thanh niên học hỏi các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hướng dẫn cách tiếp cận thông tin công nghệ mới; ứng dụng các nền tảng số như: quét mã QR để giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn cách làm video, hình ảnh sản phẩm để giới thiệu trên nền tảng mạng xã hội.

Hoạt động này góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức và năng lực cần thiết để thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại phù hợp với phong tục tập quán và quy mô sản xuất của địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.