Hiến đất làm đường ở Ia Grai: Từ ý Đảng đến lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, tạo tiền đề để phát triển, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, đặc biệt là huy động sức dân tham gia hiến đất làm đường.

Chung tay hiến đất làm đường

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ia Grai lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025), Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 17-12-2021 về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, Kế hoạch số 80-KH/HU ngày 14-12-2022 về xây dựng kết cấu hạ tầng của huyện đến năm 2025, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã vận động người dân hiến được trên 150.000 m2 đất.

Trong đó, tiêu biểu là người dân các xã Ia Yok hiến được 4.000 m2 (từ năm 2020-2022), Ia O hiến 7.000 m2 (từ năm 2021-2022) Ia Dêr hiến 109.200 m2, mở rộng đường được 57,56 km…

Người dân chặt bỏ cà phê để hiến đất làm đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch. Ảnh: Vũ Thảo

Người dân chặt bỏ cà phê để hiến đất làm đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch. Ảnh: Vũ Thảo

Tuyến đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch có chiều dài 10,31 km được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khởi công vào tháng 10-2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Khi có chủ trương, xã Ia Pếch đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động 47 hộ dân hiến hơn 8.000 m2 đất để làm đường.

Ông Lương Văn Hợp (làng O Pếch, xã Ia Pếch) chia sẻ: “Gia đình tôi đã tiên phong phá tường rào, chặt bỏ 60 cây cà phê dọc tuyến đường đang vào thời kỳ kinh doanh để tạo mặt bằng thuận lợi cho đơn vị thi công. Sau đó, hàng chục hộ xung quanh cũng hiểu được lợi ích của việc làm đường nên đã cùng tham gia chặt bỏ cà phê, di dời công trình, vật kiến trúc để con đường sớm hoàn thành theo tiến độ đề ra”.

Đi trên con đường mới dẫn vào rẫy của gia đình, anh Rơ Mah Hoan (làng O Grang, xã Ia Pếch) không khỏi vui mừng nói: “Ngày trước, đường này rộng chưa đến 3 m, mùa nắng gió thì bụi mù, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, đi lại vất vả, vận chuyển hàng nông sản vô cùng khó khăn. Dù chưa hoàn thành nhưng người dân hàng ngày đi lại cảm thấy rất phấn khởi vì đường được mở rộng ra khá nhiều so với con đường đất trước kia”.

Ông Ngô Khôn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-cho biết: “Để làm một số tuyến đường trên địa bàn có sự góp sức không nhỏ của người dân trong việc hiến đất. Năm 2022, làng O Pếch có 86 hộ hiến 1.246 m2. Năm 2023, làng Sát Tâu có 10 hộ hiến 435 m2, làng O Grang có 16 hộ hiến 780 m2, tuyến đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch có 47 hộ hiến 8.000 m2. Việc phát huy vai trò của các chi bộ thôn, làng để họp dân, vận động, tạo sự đồng thuận rất quan trọng”.

Đến nay, trên địa bàn huyện Ia Grai có 39,6 km đường nội thị, hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ, đường huyện có 16 tuyến với chiều dài hơn 188 km, đường xã hơn 213 km, đường trục thôn hơn 293 km, đường trục chính nội đồng hơn 378 km, có 9 cây cầu, 247 cống. Huyện có tuyến quốc lộ 14C đi qua kéo dài 22,7 km từ giáp tỉnh Kon Tum đến giáp huyện Đức Cơ, tỉnh lộ 664 dài 58,4 km. Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Pleiku với chiều dài 20,3 km; đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông với chiều dài qua địa bàn huyện dài 29,5 km.

Dù vậy, hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều tuyến đường chưa được nhựa hóa, bê tông hóa, nhỏ hẹp, chiều rộng nền đường chưa đạt chuẩn tối thiểu theo quy định. Nhiều tuyến đường xuống cấp, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư; các công trình, vật kiến trúc, đất đai của người dân đã xây dựng nằm sát đường, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư mở rộng…, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Do đó, việc vận động người dân hiến đất mở rộng đường là chủ trương lớn được nhiều địa phương trong huyện Ia Grai đặc biệt quan tâm.

Triển khai nghị quyết “mở đường”

Xuất phát từ thực tiễn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tuyên truyền, vận động hiến đất để xây dựng đường giao thông trên địa bàn huyện Ia Grai đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2030 hệ thống giao thông cơ bản được mở rộng, nâng cấp, xây dựng đảm bảo nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội; tạo tiền đề để Ia Grai đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thị trấn Ia Kha đạt tiêu chí đô thị văn minh.

Dự án đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Ảnh: V.T

Dự án đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Ảnh: V.T

Thống nhất chỉ đạo chung, huyện Ia Grai vận động người dân hiến đất để mở rộng các tuyến đường theo quy hoạch được duyệt có nền đường huyện rộng 6,5 m trở lên; đường xã và thôn 6 m trở lên; đường ngõ xóm 5 m trở lên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo người dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông đô thị; phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện vận động bà con hiến đất mở rộng đường huyện, đường xã, đường thôn, làng và đường hẻm đô thị với tổng chiều dài từ 200 km trở lên (diện tích 40 ha); đến năm 2030 toàn huyện hoàn thành việc vận động người dân hiến đất để mở rộng các tuyến đường còn lại theo quy hoạch được phê duyệt.

Để đảm bảo tiến độ, Huyện ủy Ia Grai đã ban hành Chương trình hành động, trong đó đề ra nhiều giải pháp như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, huy động cả hệ thống chính trị tham gia vận động người dân hiến đất; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, kết hợp với xã hội hóa nguồn đóng góp của người dân nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hà-Chuyên viên Ban Dân vận Huyện ủy Ia Grai-cho biết: Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiến đất để xây dựng đường giao thông trên địa bàn huyện đến năm 2030. Hiện tại, các cấp ủy Đảng cùng với chính quyền đang rất tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu được mục tiêu, ý nghĩa và đồng thuận, tích cực hưởng ứng hiến đất làm đường.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.