"Điểm tựa" của người khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động thiết thực, Hội Người mù tỉnh Gia Lai đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, giúp hội viên có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều hoạt động thiết thực

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.900 người khiếm thị và người mù. Việc dạy văn hóa, dạy chữ nổi (chữ Braille) cho hội viên được Hội Người mù tỉnh rất quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-thông tin: Người mù gặp rất nhiều khó khăn trong việc học văn hóa. Từ đó, trình độ học vấn, nhận thức cuộc sống của người mù bị hạn chế. Vì vậy, Hội luôn quan tâm công tác giáo dục đào tạo, khuyến khích hội viên học tập bằng nhiều hình thức phù hợp. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội đã mở được 2 lớp dạy chữ nổi cho hơn 40 học viên. Ngoài ra, Hội còn gửi 48 hội viên vào các cơ sở giáo dục để học chữ nổi.

Bị mù 2 mắt từ nhỏ, chị H'Rong (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) luôn ước mơ được đi học để biết con chữ. Giữa tháng 5-2022, chị được Hội Người mù tỉnh chọn tham gia khóa học chữ nổi tại TP. Pleiku. Chị tâm sự: “Cuối cùng ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Giờ tôi đã biết đọc và viết dù còn chậm. Biết đọc, biết viết giúp tôi tự tin hơn. Tiếp cận những cuốn sách viết bằng chữ nổi Braille giúp tôi mở mang nhiều kiến thức”.

 Hội Người mù tỉnh mở lớp dạy chữ nổi cho hội viên. Ảnh: Đinh Yến
Hội Người mù tỉnh mở lớp dạy chữ nổi cho hội viên. Ảnh: Đinh Yến


Song song với dạy văn hóa, chữ nổi, Hội Người mù tỉnh đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho hội viên. Theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, đa phần người mù đều gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thấu hiểu điều đó, Hội tìm cách giúp đỡ phù hợp để họ có thêm tự tin, tạo cơ hội cho bản thân mình. Hội hiện có 2 cơ sở dịch vụ tẩm quất xoa bóp trên địa bàn TP. Pleiku, tạo việc làm thường xuyên cho 15 hội viên với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng trở lên/người/tháng. Cùng với đó, hàng năm, Hội giải quyết cho 10 lượt người mù vay vốn phát triển kinh tế. Nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, giúp người mù cải thiện đời sống kinh tế gia đình.

Ngoài ra, Hội còn thường xuyên rà soát danh sách hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vận động quyên góp sửa chữa, xây dựng nhà ở. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội đã xây mới, sửa chữa 8 căn nhà cho người mù thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 567 triệu đồng. Anh Rơ Châm Thang (làng Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà và còn được tặng thêm nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình. Anh xúc động cho biết: “Do bị khiếm thị nên cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Được hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng vật dụng sinh hoạt, tôi cảm ơn Hội Người mù tỉnh và các Mạnh Thường Quân nhiều lắm”.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, người mù thuộc diện hộ nghèo trong tỉnh còn được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và bảo hiểm y tế. Từ năm 2017 đến nay, Hội Người mù tỉnh đã vận động xây dựng quỹ được trên 1,9 tỷ đồng. Từ số tiền này, Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng 2.128 suất quà cho người mù với tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng...

Tất cả vì hạnh phúc của người mù

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội Người mù tỉnh vẫn còn đối diện với những khó khăn nhất định như chưa thành lập được Hội Người mù cấp huyện; việc đổi mới phương thức hoạt động Hội còn chậm. Bên cạnh đó, công tác xóa mù chữ, phong trào học và sử dụng chữ nổi cho người mù chưa được thường xuyên; việc vận động người mù tiếp cận công nghệ thông tin, tham gia sinh hoạt cộng đồng còn yếu...   

Với phương châm “Tất cả vì hạnh phúc của người mù”, trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Người mù tỉnh tiếp tục tập trung đổi mới phương thức, nội dung hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, giúp người mù vươn lên trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Người mù tỉnh tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thành lập 5 Hội Người mù cấp huyện; lập dự án và tiến hành thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục hướng nghiệp để dạy nghề, tạo việc làm cho người mù và người khuyết tật. Bên cạnh đó, Hội sẽ mở rộng mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để thường xuyên có sự hỗ trợ trong hoạt động; thực hiện tốt quy chế hoạt động, giải quyết kịp thời những vướng mắc của cán bộ, hội viên; cử cán bộ, hội viên tiêu biểu tham dự các lớp đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù tại Hà Nội để tăng cường năng lực và tạo nguồn cán bộ về sau, chú ý phát triển hội viên trẻ; hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên bình đẳng hòa nhập với cộng động”. Ngoài ra, Hội thường xuyên khảo sát, động viên người mù trong độ tuổi lao động học nghề, tạo việc làm, giúp họ hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ tư tưởng thụ động, tự ti, mặc cảm.

 

HÀ TÂY

 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.