Khi chúng tôi đến thăm, bà H’Mon đang cặm cụi vắt những bánh men trước hiên nhà để chuẩn bị ủ rượu cần sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.
Sắp những bánh men to bằng lòng bàn tay có màu vàng nhạt lên chiếc mẹt để mang ra phơi nắng, bà H’Mon cho biết: Sở dĩ màu sắc của bánh men có sự khác biệt so với màu trắng ngà do những người phụ nữ khác làm ra là do bà có công thức phối trộn nguyên liệu riêng. Chính sự khác biệt về công thức làm men giúp bà tạo ra những mẻ rượu cần thơm ngon, đậm vị.
Bà H’Mon biết ủ rượu cần từ năm 18 tuổi. Đến năm 22 tuổi, bà đã biết cách làm men rượu từ lá rừng. Theo bà H’Mon, nguyên liệu để làm men rượu cần chủ yếu là bột gạo, vỏ cây hyam, gừng, ớt và một số vỏ cây rừng. Trong đó, vỏ cây hyam giúp cho rượu có vị đậm và thơm ngon.
Cứ 2 kg bột gạo, bà trộn với 3 lạng vỏ cây hyam, 1 lạng gừng, 1 lạng ớt và một số cây rừng khác. Sau khi giã nhuyễn nguyên liệu, bà trộn đều rồi vắt thành từng bánh men bằng lòng bàn tay.
“Sau khi vắt xong, tôi phơi nắng bánh men trong khoảng 2-3 ngày. Sau đó, bánh men được treo lên gác bếp cho tới khi khô hẳn. Với cách làm này, bánh men không bị mốc và bảo quản được trong 2 năm”-bà H’Mon chia sẻ.
Chậm rãi mở nắp ghè rượu được ủ cách đây hơn 3 tháng, bà H’Mon cho biết thêm: Trước đây, bà thường ủ với số lượng lớn để bán cho người dân trong làng. Mấy năm nay, sức khỏe suy giảm, bà không thể thường xuyên đi lấy vỏ cây rừng về làm men nên chỉ ủ cho gia đình sử dụng.
“Để đảm bảo rượu cần đúng hương vị truyền thống, cứ khi nào các con xong công việc nương rẫy, tôi động viên chúng lên rừng kiếm vỏ cây về rồi gom lại làm một mẻ men lớn đủ sử dụng trong năm. Hôm nào các con bận không đi được, tôi lại mang rượu cần ra đổi lấy nguyên liệu”-bà H’Mon nói.
Với mong muốn gìn giữ công thức làm men, ủ rượu cần truyền thống, bà H’Mon quyết định truyền lại bí quyết cho con gái và phụ nữ trong làng. Cứ mỗi lần giã men hay ủ rượu, bà đều báo trước để chị em trong làng đến học hỏi kinh nghiệm.
Bà H’Nguir chia sẻ: “Sau nhiều lần áp dụng công thức ủ men do bà H’Mon chỉ bảo, mình thấy rượu có vị thơm ngon hơn trước. Giờ mình không mua men rượu ngoài thị trường nữa mà sử dụng vỏ cây rừng và các loại củ, lá có sẵn trong tự nhiên. Mỗi lần lên rừng, mình lấy nhiều vỏ cây hyam về cho lại bà H’Mon để cùng làm men”.
Có mặt tại nhà bà H’Mon cùng chúng tôi, ông Djưng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Kjiêng không ngớt lời khen ngợi: Bà H’Mon ủ rượu cần ngon nhất ở làng. Không những thế, bà còn truyền dạy cách làm men và ủ rượu cần truyền thống cho chị em trong làng, nhất là thế hệ trẻ. Điều này không chỉ gìn giữ được cách làm men truyền thống của dân tộc mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phụ nữ trong làng.