Thực hiện các chương trình MTQG, làng Plei Thơh Ga B , xã Chư Don đổi thay từng ngày và đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024. Ảnh: Lê Nam |
Từ năm 2022 đến nay, thực hiện Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân, huyện Chư Pưh đã triển khai hỗ trợ cho 118 hộ xây dựng nhà ở (đã hoàn thành 75 căn nhà) với tổng kinh phí 3,28 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 332 hộ, kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng các công trình nước sinh hoạt phân tán cho 149 hộ, kinh phí 447 triệu đồng và đầu tư xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, đang triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định cho 55 hộ DTTS định cư, định canh tại làng Ia Jol và Ia Brêl (xã Ia Le) với tổng mức đầu tư hơn 46,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng được 16 công trình giao thông cho các xã thuộc khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn...
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ làm đường giao thông cho người dân làng Dư Keo, xã Ia Hla. Ảnh: Lê Nam |
Ông Nguyễn Trung Thành-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dư Keo, xã Ia Hla-cho hay: “Thời gian qua, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, các điểm trường, nhà văn hóa, các công trình nước sinh hoạt đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đây là động lực để người dân vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện trong thôn còn 32 hộ nghèo và phấn đấu đến cuối năm sẽ giảm được 9 hộ nghèo”.
Còn theo ông Rơ Lan Hoen-Chủ tịch UBND xã Ia Hla thì những năm gần đây, được đầu tư của Nhà nước, bộ mặt nông thôn của xã Ia Hla đổi thay từng ngày, đời sống của người dân cũng được nâng lên. Điểm nổi bật đó là hệ thống đường giao thông được đầu tư giúp người dân đi lại thuận lợi, các mặt hàng nông sản cũng được tiêu thụ thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các điểm trường tại các thôn, làng giúp duy trì sĩ số học sinh đạt trên 98%.
Để cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025 và hướng tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu… huyện Chư Pưh đã phê duyệt các dự án Sắp xếp, ổn định dân cư thôn Tông Kek, làng Mung (xã Ia Hla) và làng Kuăi (xã Ia Blứ) với tổng mức đầu tư gần 44,6 tỷ đồng. Ngoài ra, phê duyệt dự án sắp xếp, bố trí ổn định các hộ DTTS du canh, du cư làng Ia Jol và Ia Brêl (xã Ia Le) với tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng.
Ban nhân dân thôn Thơh Ga B, xã Chư Don ký cam kết với quyết tâm xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS. Ảnh: Lê Nam |
Ông Lê Văn Thạch-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện-cho biết: đối với Dự án sắp xếp, bố trí ổn định các hộ dân tộc thiểu số du canh, du cư làng Ia Jol và Ia Brêl (xã Ia Le) các đơn vị thi công đang triển khai thi công khối lượng đạt khoảng 30%, đã giải ngân được hơn 22,6 tỷ đồng (vốn kế hoạch năm 2022 và 2023), vốn kế hoạch năm 2024 đã giải ngân được hơn 3,2 tỷ đồng, đạt 31,3% kế hoạch và dự kiến đến 30-11-2024 sẽ giải ngân hết số tiền 10,3 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024. Còn đối với dự án Sắp xếp, ổn định dân cư thôn Tông Kek, làng Mung, xã Ia Hla và làng Kuăi, xã Ia Blứ các đơn vị thi công đang triển khai thi công khối lượng đạt khoảng 40%, đã giải ngân được hơn 12,3 tỷ đồng (vốn kế hoạch năm 2023), vốn kế hoạch năm 2024 đã giải ngân được hơn 8,7 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch; dự kiến đến 30-11-2024 sẽ giải ngân hết số tiền hơn 11,1 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024.
Trao đổi với P.V, ông Đặng Xuân Tài-Trưởng phòng Dân tộc huyện Chư Pưh-cho hay: Toàn huyện có 53 thôn, làng người đồng bào DTTS, với gần 48 ngàn nhân khẩu, chiếm hơn 55,5% dân số toàn huyện. Những năm qua, nhờ nguồn vốn từ các Chương trình MTQG và chính sách dân tộc đã giúp thay đổi diện mạo vùng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đến nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa, bảo đảm giao thông thuận tiện và trên 95% người đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,08 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,43%, trong đó hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 16,48% dân số toàn huyện.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nhằm khơi dậy ý thức chủ động vươn lên của người DTTS. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Phấn đấu giảm nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm đạt từ 1% trở lên. Đồng thời, giải quyết tình trạng thiếu nhà ở và đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trong đồng bào DTTS; quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí các hộ người DTTS đang cư trú phân tán về khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng, kiên cố hóa cơ sở hạ tầng nông thôn...”-Trưởng phòng Dân tộc huyện thông tin thêm.