Chợ tạm Ia Kring ngày đầu hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-

Chợ tạm rau, củ, quả phường Ia Kring (TP. Pleiku) đã chính thức đi vào hoạt động. Dù tiểu thương vẫn còn những lúng túng trong ngày đầu di dời đến chợ tạm nhưng với sự nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng địa phương, hoạt động buôn bán hàng hóa nơi đây dần sớm đi vào ổn định.

Đi vào ổn định ngay ngày đầu

Sáng 1-4, chợ tạm rau, củ, quả phường Ia Kring tại khu vực bãi đậu xe đường Nguyễn Văn Linh rất sôi động khi các tiểu thương đến tranh thủ quét dọn, cúng lấy ngày và chuẩn bị cho ngày bán đầu tiên tại đây. Bà Trần Thị Thu Nga (tổ 10, phường Phù Đổng) cho biết: “Tôi bán tại chợ đêm Pleiku đã 25 năm. Nay chuyển lên đây, tôi đăng ký 2 lô nhưng vẫn thấy chật vì mỗi đêm tôi bỏ sỉ khoảng 2 tấn hàng rau xanh. Bình thường, chúng tôi bán sỉ ở chợ đêm Pleiku bắt đầu từ giữa đêm đến 5 giờ sáng, nếu còn hàng thì tranh thủ bán chút buổi sáng cho khách lẻ. Thế nhưng, khi lên đây, muốn bán thêm buổi sáng thì các hộ phải đóng tiền lô ban ngày, trong khi lượng khách khu vực này không nhiều như ở chợ đêm cũ".

Nhiều hộ mua bán lớn sẽ cảm thấy việc phân chia mỗi lô sạp chỉ 4 m2 là không đáp ứng yêu cầu kinh doanh. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều hộ mua bán lớn sẽ cảm thấy việc phân chia mỗi lô sạp chỉ 4 m2 là không đáp ứng yêu cầu kinh doanh. Ảnh: Vũ Thảo

Theo bà Nga, với lượng hàng hóa lớn thì việc sắp xếp ở chợ tạm Ia Kring sẽ rất khó, trong khi xe chở hàng lại không được đậu quá lâu trong khu vực này. Tiểu thương ai cũng muốn chỗ kinh doanh rộng thoáng, xe cộ thuận tiện vào bốc hàng. “Nếu không có chỗ chất, không lẽ cứ đưa hàng từ xe vào từng ít một, rất bất tiện để khách đến lấy, chưa kể phải thêm nhân công làm việc này, rồi sẽ phát sinh thêm chi phí vận chuyển”-bà Nga nói.

Mặc dù đã sẵn sàng buôn bán ở chợ tạm nhưng một số tiểu thương vẫn lo lắng khi khu vực lô kinh doanh vẫn đang là nền đất, chưa kịp đổ bê tông. Một tiểu thương cho biết: “Với quy mô kinh doanh của tôi thì chỉ cần 1 lô quy cách 4 m2 là đủ. Nhưng tôi đang lo lắng vì vị trí lô trên nền đất sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa mỗi khi trời mưa, cho dù phía trên có mái che đi nữa thì cũng sẽ nhếch nhác”.

Các hộ kinh doanh đã ổn định vị trí kinh doanh theo sự sắp xếp, phân bố lô sạp. Ảnh: Vũ Thảo
Các hộ kinh doanh đã ổn định vị trí kinh doanh theo sự sắp xếp, phân bố lô sạp.
Ảnh: Vũ Thảo

Đối với chị Nguyễn Thị Vân Anh-Tiểu thương chuyên kinh doanh nem, giò, chả, các mặt hàng phục vụ đám tiệc, đám cưới thì việc chuyển đến chợ tạm cũng không ảnh hưởng bao nhiêu. Chị chia sẻ: “Mẹ tôi bắt đầu kinh doanh tại chợ đêm Pleiku từ năm 2003. Đến năm 2018, tôi tiếp quản việc buôn bán của bà. Nhiều năm buôn bán, tôi cũng đã gầy dựng được lượng khách hàng khá ổn định từ các huyện, thị xã và cả các hàng quán trong phố. Nay chuyển lên chợ tạm Ia Kring thì cũng có nhiều cái lo, nhất là địa điểm không còn nằm trung tâm như trước, các chủ hàng quán trong phố ngại đi xa, đường vắng sẽ chọn chỗ khác lấy hàng. Có điều, do hàng hóa của chúng tôi cũng có thương hiệu, có chứng nhận an toàn thực phẩm nên lượng khách hàng đầu mối ở huyện, căng tin các trường học, đơn vị quân đội... đặt hàng thường xuyên, ổn định nên không ảnh hưởng mấy. Điều tôi thấy rất tốt là chợ tạm khá quy củ, nền được đổ bê tông nên sẽ sạch sẽ vào mùa mưa. Chợ cũng có nhà vệ sinh, đầy đủ đèn điện nên thuận lợi cho hoạt động buôn bán. Tôi tin sau khi đi vào hoạt động ổn định thì khu vực này cũng sẽ phát triển theo”.

Nhiều tiểu thương cho rằng chợ tạm được làm khá bài bản khi nền đổ bê tông sạch sẽ, có điện nước, nhà vệ sinh đầy đủ. Ảnh: Hà Duy
Nhiều tiểu thương cho rằng chợ tạm được làm khá bài bản khi nền đổ bê tông sạch sẽ, có điện nước, nhà vệ sinh đầy đủ. Ảnh: Hà Duy

Cần đầu tư hạ tầng đồng bộ

Không khí chợ trong ngày đầu tiên (1-4) trở nên nhộn nhịp hơn từ khoảng 12 giờ đêm. Từng đoàn xe tải trọng lớn nhỏ chở hàng từ khắp nơi đổ về, rộn ràng cảnh bốc dỡ với đủ các mặt hàng từ thịt, cá, rau, củ, quả… Dù có một chút lo lắng, song các hộ kinh doanh cũng bắt nhịp ngay, không để ảnh hưởng đến việc mua bán của gia đình mình. Là hộ chuyên kinh doanh thịt heo với lượng thịt bán ra khá lớn, ông Phạm Ngọc Châu chia sẻ: “Lúc nghe nói chuẩn bị chuyển lên chợ tạm, tôi cảm thấy khá lo lắng, nhưng sau khi chuyển rồi, thấy mọi thứ cũng ổn, nền đổ bê tông sạch sẽ. Có điều, tôi nghĩ hệ thống cấp thoát nước cần đầu tư thực sự bài bản, vì lượng hộ kinh doanh quá lớn, nếu không bài bản thì không đáp ứng được nhu cầu về lâu về dài của các tiểu thương ở đây”.

Do lượng hộ kinh doanh đăng ký lên chợ tạm khá nhiều, phát sinh thêm gần 200 hộ so với số hộ kinh doanh cố định tại chợ đêm Pleiku cũ, nên thành phố đã phải bố trí thêm phần diện tích lân cận theo kế hoạch ban đầu. Bởi vậy, số diện tích cho các hộ phát sinh này chưa kịp đổ bê tông nền, chỉ kịp phân lô tạm, tiểu thương bày hàng bán ít nhiều cũng ảnh hướng đến vấn đề vệ sinh.

Nhiều hộ kinh doanh thịt heo phải ngồi ở khu vực phát sinh, trên mặt bằng chưa được thảm bê tông. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều hộ kinh doanh thịt heo phải ngồi ở khu vực phát sinh, trên mặt bằng chưa được thảm bê tông.
Ảnh: Vũ Thảo

Chị Lê Thị Hương, cũng là tiểu thương bán thịt heo tại đây cho hay: “Tôi cũng bán tại chợ đêm cũ khá lâu rồi, nhưng do nhận thông tin đăng ký, bốc thăm trễ nên được xếp ngồi tại khu vực phát sinh. Tôi cho rằng, việc sắp xếp theo từng khu vực buôn bán cho hợp lý rất cần thiết. Ví dụ, ai bán thịt thì ngồi ở khu vực bán thịt, bán cá thì theo khu vực bán cá, bán rau thì theo khu vực bán rau. Hiện tôi thấy việc sắp xếp các mặt hàng hơi lộn xộn, nếu kéo dài sẽ không đảm bảo vệ sinh cũng như không thuận tiện cho cả người mua hàng lẫn người bán hàng".

Một số hộ kinh doanh chưa được sắp xếp lô sạp đúng với khu vực kinh doanh theo từng mặt hàng. Ảnh: Hà Duy

Một số hộ kinh doanh chưa được sắp xếp lô sạp đúng với khu vực kinh doanh theo từng mặt hàng.

Ảnh: Hà Duy

Nếu ở chợ đêm Pleiku cũ, xe chở hàng khắp nơi đổ về có tới 3 hướng là cổng đường Trần Phú, cổng đường Nguyễn Thiện Thuật và phía đường Lê Lai nên việc di chuyển hay đậu đỗ xe khá thông suốt. Nhưng khi chuyển lên chợ tạm đường Nguyễn Văn Linh, chỉ có 1 đường duy nhất ra vào chợ là từ đường Lê Thánh Tôn rẽ vào Nguyễn Văn Linh nên gây ùn tắc giao thông, nhất là thời gian cao điểm từ khoảng 18 đến 20 giờ (thời gian các hộ kinh doanh tập kết hàng), và từ khoảng 1 giờ đến 2 giờ 30 phút (thời gian các hộ kinh doanh từ các huyện tập trung đến chợ lấy hàng). Anh Lê Xuân Đức-người chuyên lấy hàng từ chợ đầu mối đi huyện Chư Prông cảm thán: “Không biết sau này thành phố bố trí nơi đậu xe thế nào, chứ như bây giờ thì quá chật chội, quá bất tiện”.

Chỉ có 1 đường ra-vào nên vào giờ cao điểm khu vực này đã xảy ra kẹt xe. Ảnh: Vũ Thảo
Chỉ có 1 đường ra-vào nên vào giờ cao điểm khu vực này đã xảy ra kẹt xe.
Ảnh: Vũ Thảo

Ông Phan Phi Hải-Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring cho hay: Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND TP. Pleiku, UBND phường đã xây dựng phương án phân lô để các hộ đăng ký mua bán tại chợ tạm Ia Kring. Phường đã tiến hành cho bốc thăm vị trí lô và đến thời điểm này đã đảm bảo công tác giao lô cho các hộ để chợ tạm Ia Kring chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4. Qua thực tế cho thấy, khi bắt đầu triển khai, địa phương đã dự lường được những khó khăn trong việc thực hiện. Vì vậy, UBND phường cũng đã thành lập một tổ quản lý chợ do 1 đồng chí lãnh đạo UBND phường làm tổ trưởng để quản lý tất cả các hoạt động tại đây. Chợ tạm Ia Kring có diện tích khoảng 1,5 ha. Đến sáng 1-4, đã có 574 hộ đăng ký kinh doanh với 884 lô, mỗi lô có diện tích 4 m2, hộ nhiều nhất là 2 lô. “Đối với những trường hợp phát sinh, phường đang khẩn trương giải quyết trên tinh thần cố gắng tạo mọi điều kiện cho các hộ kinh doanh hoạt động tại chợ, đồng thời đảm bảo các hộ có trong danh sách đã đăng ký đủ số lượng lô sạp để mua bán trong thời gian sắp tới”-ông Hải cho biết thêm.

Đến ngày 1-4, đã có 574 hộ đăng ký kinh doanh với 884 lô. Mỗi lô có diện tích 4 m2. Ảnh: Hà Duy
Đến ngày 1-4, đã có 574 hộ đăng ký kinh doanh với 884 lô. Mỗi lô có diện tích 4 m2.
Ảnh: Hà Duy

Hiện nay, việc giải quyết lô sạp cho 383 hộ kinh doanh tại chợ đêm Pleiku cùng 27 hộ kinh doanh buôn bán tại chợ tạm đường Lê Thánh Tôn (đã đăng ký) sẽ được ưu tiên giải quyết trước, sau đó mới giải quyết cho những hộ đăng ký sau. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, vẫn còn trường hợp hộ kinh doanh biết thông báo từ rất lâu nhưng cố tình chây ì, không chịu đăng ký sớm, tới khi hết chỗ mới ý kiến. Điều này cũng gây khó khăn trong công tác triển khai đưa chợ tạm Ia Kring đi vào hoạt động ổn định.

Theo nắm bắt sơ bộ, trong tối ngày 1-4 đã có khoảng 400 hộ đi vào hoạt động. Xe chở hàng được phép chạy vào chợ để bốc dỡ hàng trong thời gian khoảng 60-90 phút, sau đó lập tức chạy ra ngoài khu vực chợ. Xe từ các nơi về lấy hàng cũng vậy, vào lấy hàng xong phải lập tức di chuyển. Để đảm bảo chợ đi vào hoạt động ổn định, tạo đồng thuận từ các hộ kinh doanh, lực lượng chức năng của TP. Pleiku và phường Ia Kring sẽ rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng hoạt động buôn bán của các hộ kinh doanh để tránh trường hợp tiêu cực có thể xảy ra, như đăng ký xí lô rồi sang nhượng lại.

Có thể bạn quan tâm

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.