Dừng hoạt động khu vực chợ đêm Pleiku:

Nhiều tâm trạng trước “giờ G”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Những đêm cuối cùng trước khi dừng hoạt động để di dời đến địa điểm mới, không khí chợ rau, củ, quả đường Nguyễn Thiện Thuật (chợ đêm Pleiku) vẫn tấp nập, rộn ràng, nhưng trên những chiếc bảng đèn nhấp nháy ở một số quán đã dán lên dòng thông báo sẽ chuyển về đâu đó sau ngày 1-4.

Nỗi lo người đi

Tại bến xe nhỏ, vào khoảng 9 giờ đêm, vẫn luôn tay luôn chân xếp những bì củ, quả từ trên chiếc xe tải nhỏ xuống đất, chị Lê Thị Hồng (thôn 6, xã An Phú, TP. Pleiku) có vẻ trầm mặc hơn so với mọi khi. Thỉnh thoảng, như thói quen, chị lại đứng thẳng người lia mắt nhìn quanh khu bến xe nhỏ một vòng, sau đó lại tiếp tục công việc đang dang dở. Tối nay, hành động đó có vẻ nhiều hơn mọi lần, và kèm theo cả những tiếng thở dài nuối tiếc.

“Tôi năm nay 45 tuổi, cả gia đình đều làm nông. Có thể tôi không gắn bó với cái bến xe này ngay từ ngày đầu, nhưng cũng đã hơn chục năm buôn bán đêm hôm, “nó” cũng đã thành “một phần” của mình rồi, chưa nói tới việc cuộc sống cả gia đình tôi đều nhờ nơi đây. Giờ nói đi là đi, xa nơi gắn bó đã lâu như vậy, tất nhiên ai cũng sẽ buồn. Bao nhiêu năm nay, ngồi bên phải tôi là bà Liên, ngồi phía xéo xéo kia là bà Sâm, xa hơn nữa là vợ chồng, con cái bà Sáng... Muốn uống một ly cà phê cho tỉnh táo lúc nửa đêm, tôi đi mấy bước ra đường Hoàng Văn Thụ là có thể mua được rồi. Giờ chuyển lên một nơi xa trung tâm, ai cũng sẽ có cảm giác như tôi thôi-đó là sự lo lắng khi thay đổi một thói quen, lo lắng khi lượng khách của mình ít đi, lo lắng không biết mọi thứ có tốt như ở đây không... Có điều, tôi luôn nghĩ mọi thứ rồi cũng sẽ sớm ổn định thôi. Vì một Pleiku phát triển, sạch đẹp, văn minh, tôi sẽ ủng hộ mọi chủ trương mà thành phố đưa ra”-chị Hồng chia sẻ.

Các tiểu thương kinh doanh ẩm thực đã dán thông báo chuyển địa điểm kinh doanh sau ngày 1-4 trên bảng đèn led. Ảnh: Hà Duy
Các tiểu thương kinh doanh ẩm thực đã dán thông báo chuyển địa điểm kinh doanh sau ngày 1-4 trên bảng đèn led. Ảnh: Hà Duy

Còn chị Đặng Thị Tín-chủ sạp trái cây Tín (nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật) có vẻ ít lo lắng hơn so với nhiều “đồng nghiệp”. Chị nhẹ nhàng cho biết: “Trước kia, tôi bán trong chợ lồng ở Trung tâm Thương mại, sau thấy ngoài này bán được hơn nên chuyển ra đây. Tôi bán ở đây cũng được gần 20 năm rồi. Khi chợ đêm tạm nghỉ, tôi sẽ chuyển về nhà ở đường Nguyễn Trãi bán tạm. Đường Nguyễn Trãi cũng đông đúc, có thể bán không được như ở đây nhưng tôi thấy vẫn may mắn hơn nhiều người. Theo tôi biết thì những người bán trái cây ở đây hầu như không ai chuyển lên chợ tạm phường Ia Kring, vì chúng tôi chủ yếu bán lẻ cho người dân, nếu chuyển lên đó sẽ không bán được. Tôi nghe nói sau khi chợ đêm đi vào hoạt động, bên cạnh các quán ăn uống thì cũng sẽ có những hàng bán trái cây. Tôi hy vọng lúc đó mình có thể đăng ký vào bán lại”.

Sạp trái cây của chị Tín sẽ chuyển về bán trước nhà trong thời gian chờ phố ẩm thực đi vào hoạt động. Ảnh: Hà Duy
Sạp trái cây của chị Tín sẽ chuyển về bán trước nhà trong thời gian chờ phố ẩm thực đi vào hoạt động. Ảnh: Hà Duy

Có thể việc di dời chợ đêm Pleiku đến địa điểm mới ít nhiều gây xáo trộn đến việc buôn bán của các tiểu thương chuyên cung cấp rau, củ, quả sỉ (đầu mối), bán trái cây, nhưng không gây ảnh hưởng nhiều bằng những người đang bán các mặt hàng ẩm thực. Bởi thực tế cho thấy, những tiểu thương kinh doanh ẩm thực tại đường Nguyễn Thiện Thuật hầu hết là bán cho người dân hoặc du khách, chứ không chỉ phục vụ cho những người mua bán ở chợ đầu mối. Bởi vậy, khi nhận được thông báo dừng hoàn toàn các hoạt động mua bán ở khu vực này kể từ ngày 1-4 của UBND Diên Hồng (TP. Pleiku), cảm xúc chung của các tiểu thương là lo lắng, không ít hộ cảm thấy chới với không nơi bám víu.

Quầy hàng của gia đình chị Nguyễn Thị Ti Vi trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Quầy hàng của gia đình chị Nguyễn Thị Ti Vi trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku).
Ảnh: Hà Duy

Đứng cạnh chiếc xe bán xôi nhỏ-tài sản đáng giá nhất của gia đình, chị Nguyễn Thị Ti Vi buồn rầu: “Nhà tôi nghèo lắm. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp gì, chỉ buôn bán nhỏ ở chợ đêm vầy thôi, trong khi nhà có tới 4 đứa con, lại ở nhà thuê. Tôi phụ trách 1 xe bán xôi, chồng tôi bán cơm, mỗi đêm nhiều nhất chúng tôi kiếm được chừng 200-300 ngàn đồng. Với mức sống như hiện nay, phải xoay sở đủ kiểu thì mới có thể sống qua ngày, ăn bữa nay, lo bữa mai. Giờ để xây dựng phố ẩm thực, buộc phải dừng tất cả các hoạt động buôn bán từ giờ cho đến cuối năm, trong khoảng thời gian đó, chúng tôi không biết phải làm sao. Giờ thuê chỗ để xe bán thì tiền thuê quá cao, mà thường thì chủ nhà chỉ muốn trả tiền thuê một lúc nhiều tháng chứ không cho trả lẻ từng tháng, tiền đâu chúng tôi trả. Chưa kể chuyển đi nơi khác sẽ mất rất nhiều khách. Tôi thực sự lo lắng, không biết trong những tháng tới, cuộc sống của gia đình sẽ như thế nào”.

Những hộ bán hàng trái cây đã bắt đầu tháo rạp. Ảnh: Vũ Thảo
Những hộ bán hàng trái cây đã bắt đầu tháo rạp.
Ảnh: Vũ Thảo

Một chút quyến luyến

Chợ đêm Pleiku đi vào hoạt động từ năm 1998. Qua 26 năm hoạt động, chợ phát sinh nhiều ngành nghề đa dạng và phát triển rộng ra khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật, Lê Lai, Hoàng Văn Thụ, thu hút 383 hộ kinh doanh. Nơi đây tập trung buôn bán các mặt hàng nông sản, và là đầu mối đưa hàng đi các huyện và các tỉnh lân cận; kết hợp kinh doanh ẩm thực với các món ăn đường phố, là điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến với Pleiku.

Chợ đêm là nơi tập trung buôn bán các mặt hàng nông sản của thành phố, là nơi cung cấp nông sản đi các huyện và các tỉnh lân cận. Ảnh: Vũ Thảo
Chợ đêm là nơi tập trung buôn bán các mặt hàng nông sản của thành phố, là nơi cung cấp nông sản đi các huyện và các tỉnh lân cận. Ảnh: Vũ Thảo

Việc khu chợ đầu mối nông sản này dừng hoạt động và di dời đến nơi mới để hình thành “Phố ẩm thực đêm Pleiku” với sự quy hoạch bài bản hơn thực sự là niềm phấn khởi, chờ mong của người dân phố núi. Nhưng với những hộ dân sinh sống, những hộ mua bán quanh đó không tránh khỏi sẽ cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó khi hình ảnh chợ đêm, bến xe nhỏ đã quen thuộc và gắn bó hàng mấy chục năm nay. “Cứ mỗi sáng đi thể dục về tôi ghé lại chỗ chợ đêm để mua thực phẩm. Ở đây, mỗi buổi sáng sớm không thiếu thứ gì, từ thịt cá, rau củ quả, còn dãy trái cây thì bán cả ngày, rất chi là tiện lợi. Giờ chợ di dời đúng với chủ trương tạo lại cảnh quan đô thị, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, song vẫn có chút luyến tiếc vì không được ghé chợ đêm mỗi sáng sớm”-bà Phan Thị Thủy (tổ 3, phường Diên Hồng) chia sẻ.

Còn với người kinh doanh như bà Trần Thị Tuyết-bán giày dép (27 Nguyễn Thiện Thuật), việc không còn bến xe nhỏ ngay cạnh bên sẽ mất đi một lượng khách đáng kể. Bà Tuyết bày tỏ: “Nhà tôi thuê mặt bằng kinh doanh ở đây đã rất lâu rồi và chỉ bán ban ngày. Song việc không còn chợ đêm, không còn bến xe nhỏ cũng sẽ phần nào tác động đến việc mua bán của các hộ dân rất nhiều. Bán ở đây là ăn theo lượng khách chỗ bến xe, nhưng bến dời đi là tôi sẽ mất đi một lượng khách ở huyện. Điều này khiến chúng tôi không ít lo lắng”.

Hết ngày 31-3, hoạt động ở khu vực chợ đêm sẽ chấm dứt. Ảnh: Vũ Thảo
Hết ngày 31-3, hoạt động ở khu vực chợ đêm sẽ chấm dứt.
Ảnh: Vũ Thảo

Khi nghe thông tin chợ đêm sẽ chấm dứt hoạt động, nhiều nhóm bạn trẻ rủ nhau ra chợ để đi dạo, thưởng thức mấy món ăn ưa thích, rồi chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc những ngày cuối ở khu chợ này. Có một chút luyến tiếc, chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 3, phường Thống Nhất) nói: “Chỉ hết hôm nay thôi, quanh khu vực này buổi tối sẽ trở nên im ắng, chợ đêm chỉ còn là hình ảnh trong ký ức của những người dân Pleiku và du khách khi đến Pleiku. Nói là nói vậy, nhưng cũng đã đến lúc phải xây dựng nên một diện mạo mới cho khu vực này nhằm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Pleiku”.

Trước “giờ G”, gặp bao nhiêu người là bấy nhiêu tâm trạng khác nhau. Những người buôn bán rau, củ, quả, dẫu có lo lắng thì cũng đã sẵn sàng di dời đến nơi mới; có những tiểu thương kinh doanh ẩm thực đã may mắn tìm được mặt bằng kinh doanh tạm thì nhanh chóng dán giấy thông báo địa điểm mới trên bảng đèn led; cũng có những người hiện vẫn đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm địa điểm kinh doanh, mong duy trì được chén cơm cho con mình.

HÀ DUY-VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bình dị ngày Tết ở làng

Bình dị ngày Tết ở làng

(GLO)- Không rộn ràng, tấp nập, mùng 3 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Ia Băng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) nhẹ nhàng, bình dị song vẫn đong đầy yêu thương.

Chuyện chưa kể về du kích Puih Glớ

Chuyện chưa kể về du kích Puih Glớ

(GLO)- Qua lời kể của Đại tá Phan Anh Tuấn-nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, chúng ta hiểu thêm về chiến công của du kích Puih Glớ, người đã hạ máy bay Mỹ trong thời kỳ chiến tranh.

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Ở nước ta, không ít làng quê nuôi rắn hay chế biến thịt rắn. Nhưng với sự tích gắn với con rắn và cách chế biến các món ăn từ loài rắn thì làng Lệ Mật có nét độc đáo riêng không lẫn với bất kỳ đâu.

Mưu sinh ngày cuối năm

Mưu sinh ngày cuối năm

(GLO)- Chiều cuối năm, khi hầu hết mọi người quây quần bên gia đình chuẩn bị đón thời khắc Giao thừa thì vẫn còn nhiều người đang miệt mài mưu sinh để nhặt nhạnh thêm thu nhập lo Tết cho gia đình.

Những món quà Xuân ấm lòng người dân vùng khó

Những món quà Xuân ấm lòng người dân vùng khó

(GLO)- Ngày cận Tết, giữa tiết trời se lạnh, người dân vùng khó tỉnh Gia Lai được sưởi ấm hơn khi đón nhận những phần quà từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đây là việc làm ý nghĩa, phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, góp phần giúp dân làng đón Tết cổ truyền thêm ấm áp.

Công nhân Công ty 72 thu hoạch mủ cao su. Ảnh: T.T

Ân tình 72

(GLO)- Hơn 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đã biến vùng đất cằn cỗi, hoang hóa trở thành nơi bạt ngàn cao su, cà phê, chung tay góp sức giúp người dân miền biên viễn gầy dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngôi nhà chung của những người đam mê bonsai

Ngôi nhà chung của những người đam mê bonsai

(GLO)- Vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Bonsai cây cảnh nghệ thuật Gia Lai được thành lập theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7-11-2024 của UBND tỉnh. Đây được xem là “ngôi nhà chung” của những người đam mê loại hình nghệ thuật bonsai.

Chị Ksor H’Bloan (thứ 3 từ phải sang) được Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH một thành viên hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn”. Ảnh: U.N

Tết ấm cho đoàn viên, người lao động

(GLO)- Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai đã tổ chức linh hoạt, đa dạng các hình thức chăm lo phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.

Ngày hội Xuân đoàn kết-Tết sum vầy ở làng Tung Breng

Ngày hội Xuân đoàn kết-Tết sum vầy ở làng Tung Breng

(GLO)- Chiều 21-1, tại làng Tung Breng (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Công ty 715 (Binh đoàn 15) tổ chức Ngày hội “Xuân đoàn kết-Tết sum vầy”, “Gian hàng 0 đồng” phục vụ người lao động, bà con nhân dân vùng biên giới dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.