Xúc động tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở các Nhà giàn DK1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong chuyến thăm, chúc Tết các nhà giàn DK1 và tàu trực đang làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, trên boong tàu Trường Sa 21, chúng tôi bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và nằm lại mãi mãi nơi biển khơi.

Trải qua hải trình dài và vật lộn với sóng to, gió lớn nên nhiều thành viên trên tàu Trường Sa 21 khá mệt mỏi do say sóng, nhất là đối với những phóng viên, nhà báo lần đầu tiên đến tham gia làm nhiệm vụ trên biển. Tuy nhiên, khi được thông báo sắp đến giờ làm lễ tưởng niệm, tất cả đều nhanh chóng có mặt với quần áo chỉnh tề, trang nghiêm.

doan-cong-tac-gianh-mot-phut-tuong-niem-cac-can-bo-chien-si-hy-sinh-trong-khi-lam-nhiem-vu-tren-them-luc-dia-phia-nam-cua-to-quoc-anh-quang-tan.jpg
Đoàn công tác dành một phút tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Quang Tấn

Và cũng thật kỳ lạ khi trong buổi sáng tổ chức lễ tưởng niệm, thời tiết tại khu vực Nhà giàn DK1/18 khá đẹp, trời yên, biển lặng không như những ngày sóng to, gió lớn trước đó.

Trong giây phút thiêng liêng, tĩnh lặng giữa trùng khơi, các đại biểu trên tàu Trường Sa 21 xúc động nghe Đại tá Vũ Duy Lưu-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đọc điếu văn tưởng nhớ.

Kể từ ngày Nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch Vụ trên thềm lục địa phía Nam (ngày 5-7-1989), các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư, gác lại bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để có mặt, làm nhiệm vụ trên các Nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam. Điều kiện công tác muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt nơi trùng khơi dù Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân và Nhân dân cả nước hết sức quan tâm.

nha-bao-cao-minh-thong-kinh-can-thap-nen-nhang-tuong-nho-cac-anh-hung-liet-si-anh-quang-tan.jpg
Nhà báo Cao Minh Thông kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Quang Tấn

Trong các năm 1990, 1996, 1998, 2000 một số nhà giàn-nơi cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ đã bị ngã đổ dưới sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương. Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết ấy, các anh đã thể hiện rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc, nhân dân; phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội, Quân chủng Anh hùng, quyết tâm bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Chúng ta cảm phục sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5-12-1990. Chúng ta quên sao được tấm gương hy sinh anh dũng và cao đẹp của Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò người Bí thư Chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ.

z6241019391117-4b59552e146a07de4636c23ea51e06a8.jpg
Các đại biểu thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trong lòng đại dương. Ảnh: Quang Tấn

Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng”-Đại tá Vũ Duy Lưu bùi ngùi nói.

Các đại biểu cũng bùi ngùi xúc động nhớ tưởng nhớ đến tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8. Đêm 13, rạng sáng ngày 14-12-1998, dù Nhà giàn bị nghiêng, rung lắc dữ dội... nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mù sóng dữ với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng... nhưng sức người thì có hạn.

Nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng Đại úy Vũ Quang Chương-Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã hy sinh, vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước của đại dương.

tha-vong-hoa-tuong-nho-cac-anh-hung-liet-si-anh-quang-tan.jpg
Thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Quang Tấn

Càng đau xót hơn khi anh Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ cho người vợ trẻ cùng đứa con nhỏ mới chào đời và chưa kịp nhìn mặt bố. Hành động cố gắng đến cùng để giữ vững liên lạc với đất liền khi nhà giàn đổ của liệt sĩ chuẩn úy Lê Đức Hồng (Nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên) cũng được nhắc nhớ. Anh đã mãi mãi ra đi và chỉ kịp gửi lời chào vĩnh biệt đất liền qua bộ đàm...

Đại tá Vũ Duy Lưu-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân-tưởng nhớ: “Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới. Sự ra đi của các anh thanh thản và rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí và nỗi nhớ khôn nguôi của người mẹ, người cha, người vợ, người con ở quê nhà”.

Trong giây phút thiêng liêng, tĩnh lặng giữa trùng khơi, các đại biểu trên tàu Trường Sa 21 đã thắp nén nhang, thả những đóa hoa thơm xuống lòng biển sâu để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo quê hương.

thanh-kinh-dang-le-vat-tuong-nho-cac-anh-hung-liet-si-da-nam-lai-vinh-vien-trong-long-bien-sau-anh-quang-tan.jpg
Thành kính dâng lễ vật tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển sâu. Ảnh: Quang Tấn

Chiến sĩ Phạm Hồng Sơn, xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia làm nhiệm vụ trên tàu Trường Sa 21 và cũng là lần đầu tham gia lễ tưởng niệm để được tận tay thắp những nén nhang, thả những đóa hoa xuống vùng biển mà các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cảm phục với tấm gương hy sinh của các anh và hứa sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, truyền thống anh hùng của người lính Hải quân để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương...”.

Còn nhà báo Cao Minh Thông (Báo Đak Lak) cũng khá xúc động khi lần đầu tiên được đến với Nhà giàn DK1 và được dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trước anh linh của các anh, tôi bày tỏ lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc tới các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Cầu cho linh hồn các anh được yên nghỉ và tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ đi sau, gìn giữ non sông đất nước”.

Lễ tưởng niệm nhằm tri ân những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó giáo dục, bồi đắp thêm bản lĩnh chính trị, niềm tin cho các thế hệ đi sau về lý tưởng sống đẹp, sống có trách nhiệm, sống có cống hiến, biết đặt lợi ích Tổ quốc, đất nước lên trên lợi ích cá nhân...

Có thể bạn quan tâm

Giữ vị chè Truồi

Giữ vị chè Truồi

Làng Truồi (đoạn thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, thành phố Huế), bát nước chè trong veo chứa đựng từng giọt tinh túy của đất trời. Không để hương vị đặc trưng của chè Truồi bị lãng quên, các nông hộ nơi đây đang mở ra hướng đi đột phá cho loại đặc sản này.

Ngôi trường vùng biên chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

Ngôi trường vùng biên chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

(GLO)- Vào mùa khô, Trường Mẫu giáo 2/9 (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại chật vật vì thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Có một hệ thống nước sạch ổn định để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập là mong mỏi bấy lâu của cô và trò ở ngôi trường vùng biên này.

Đức Cơ: Tôn vinh 21 tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025

Phụ nữ huyện Đức Cơ tích cực học tập và làm theo lời Bác

(GLO)- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và lan tỏa điều tốt đẹp trong cộng đồng. 

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

(GLO)- Môi trường quân đội đòi hỏi kỷ luật cao, rèn luyện nghiêm, cường độ công việc lớn, nhưng vẫn có những “bông hồng thép” lặng lẽ cống hiến và lan tỏa tinh thần vượt khó. Thiếu tá QNCN Trần Thị Thu Hường-Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Chính trị (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) là một minh chứng.

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

(GLO)- Khi tiếng ve gọi hè, trên những tán cây xanh và ở dưới mặt đất ẩm ướt sau những cơn mưa giông đầu mùa trên phố núi Pleiku lập lòe ánh sáng đom đóm. Tất cả báo hiệu một mùa đom đóm bay-mùa bình yên ở thành phố trên cao nguyên xanh.