Viết báo để phục vụ Nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong đời làm báo, không ít lần tôi gặp câu hỏi “cắc cớ”, kiểu như: Ông có bao nhiêu tác phẩm viết về Nhân dân, tác phẩm của ông có bao nhiêu phần trăm phục vụ Nhân dân? Nói “cắc cớ” là bởi có tác phẩm nào không phục vụ Nhân dân?

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Nhưng ngẫm lại, câu hỏi đó để lại trong lòng người làm nghề không ít suy nghĩ và trăn trở.

Để phục vụ Nhân dân, nhà báo phải làm gì, viết gì, trong đó có cá nhân tôi? Thực sự, thực chất anh đã nghĩ, nói, viết như thế nào để phục vụ Nhân dân? Chất lượng bài viết như thế đã được chưa, có hướng đến đối tượng cụ thể, có phản ánh trung thực, khách quan đời sống mọi mặt của Nhân dân, bảo vệ Nhân dân, đề cập những nhu cầu thiết thân, vấn đề bức xúc mà Nhân dân đòi hỏi, mong muốn... Chắc chắn không ai có thể cho mình đã làm tốt vai trò mà lẽ ra mình phải có trách nhiệm làm cho tốt.

Đôi khi, ta chưa thành thật với lòng mình, với nghề. Liến thoắng trả lời rằng, viết để phục vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, ai chả nói được. Giới làm công ăn lương vẫn thường nói thế! Vấn đề và quan trọng là làm như thế nào, tác phẩm có thật sự đặt mục tiêu hàng đầu là phục vụ Nhân dân?

Nói tác phẩm báo chí phục vụ Nhân dân là đòi hỏi tác phẩm đề cập vấn đề mà Nhân dân quan tâm. Theo nghĩa chung nhất, Nhân dân là tập hợp đông đảo những dân tộc thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng đang sống trong một khu vực địa lý nhất định.Vậy thì tác phẩm báo chí có tính Nhân dân, hướng mục tiêu vào phục vụ Nhân dân cũng phải bao quát hết toàn bộ đối tượng, đặc điểm, tính chất, mục tiêu, nhu cầu, mong muốn… Rất nhiều vấn đề đặt ra từ đây.

Nhà báo có bao giờ nằm lòng rằng mình ăn lương nhà nước, cũng là của Nhân dân đóng góp mà có, thì có nghĩa vụ phản ánh, tuyên truyền phục vụ họ với những lợi ích, nhu cầu sát sườn, đôi khi là bình thường, cơ bản nhất như: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, khám-chữa bệnh, giao lưu tình cảm, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, việc làm?

Viết bài nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt mà chủ yếu dựa vào lời kể, tiếp xúc chớp nhoáng, chăm chăm văn bản báo cáo, không lên đến nương rẫy, không ra chuồng trại, không trải nghiệm lao động vất vả sớm hôm của gương điển hình thì làm sao có tác phẩm tốt, đi vào cuộc sống? Điều đó cũng đã trả lời cho câu hỏi viết để phục vụ ai?

Nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọng. Đảng ta cũng từ Nhân dân mà ra và nhận lấy sứ mệnh vẻ vang nhưng vô cùng nặng nề do Nhân dân giao phó đó là chăm lo phục vụ Nhân dân. Đảng, Bác Hồ không có mục tiêu nào trên hết, trước hết ngoài mục tiêu phục vụ Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Bác Hồ từng dẫn lời các tinh anh của dân tộc để nhắc cán bộ, đảng viên coi trọng xây dựng thái độ và mục tiêu phục vụ Nhân dân: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “Lấy dân làm gốc”, “Làm nổi thuyền hay làm lật thuyền cũng là dân”…

Vậy nên, không chỉ báo chí, ngành nào cũng phải hết sức coi trọng mục tiêu phục vụ Nhân dân vô điều kiện, phục vụ một cách toàn diện, sâu sát, kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Dân cần gì thì phục vụ đó, không được chậm trễ, không để dân phàn nàn, trách cứ, càng không để dân ta thán. Dân còn khổ thì báo chí phải nói khổ, không được đánh bóng, tô hồng. Giúp dân nâng cao nhận thức để biết người tốt kẻ xấu, tránh bị kích động, lôi kéo, vi phạm pháp luật. Ra sức giúp đỡ, xem nỗi khổ của dân cũng là của mình.

Đặc biệt, báo chí phục vụ Nhân dân là hướng sự quan tâm phản ánh, bảo vệ những người yếu thế, dễ bị tổn thương. Tất nhiên, giải quyết vấn đề không chỉ có báo chí, nhưng báo chí với chức năng nhiệm vụ của mình, phải thể hiện là lực lượng nhanh nhạy, đi đầu phát hiện, phản ánh, đề xuất tháo gỡ; huy động nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ, trên tinh thần chí tình chí nghĩa vì Nhân dân…

“Biết phải làm gì chưa đủ mà phải dũng cảm để thực hiện điều đó” (Georgi Dimitrov). Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình. Trong quá trình đó, đôi khi nhận thức và hành động đã có phần khác biệt, thay đổi. Nhưng kiên định mục tiêu, quan điểm là vấn đề có tính nguyên tắc. Phục vụ Nhân dân phải là mệnh lệnh tối thượng và phải thành việc làm thường xuyên, liên tục đối với mỗi nhà báo.

Chỉ khi xây dựng thái độ đúng đắn tôn trọng và phục vụ Nhân dân vô điều kiện, chịu khó rèn luyện, tu dưỡng, tránh xa cám dỗ thì nhà báo mới có tác phẩm tốt phục vụ Nhân dân, được Nhân dân, bạn đọc tin tưởng, yêu mến, ủng hộ.

Khi con tim khối óc thường trực mệnh lệnh: Cầm bút là để phục vụ Nhân dân, bảo vệ Nhân dân thì nhà báo sẽ hành nghề với một tâm thế và động cơ trong sáng, đúng đắn, chính trực, chính nghĩa. Chỉ trên cơ sở đó, nhà báo mới sáng tạo ra tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong việc bảo vệ người yếu thế. Quan tâm đầy đủ cuộc sống của họ cũng chính là theo sát tình hình, hướng mục tiêu phục vụ của báo chí cách mạng vào đối tượng cụ thể, trước hết, trên hết trong tuyên ngôn nghề nghiệp của mình: Nhân dân!

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.