Lời dạy của Bác với người làm báo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những lời dạy của Bác Hồ đối với người làm báo và viết báo cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là chỉ còn 1 năm nữa, nền báo chí cách mạng Việt Nam do Bác sáng lập sẽ tròn 100 tuổi.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Đến dự Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Bác Hồ nói với các nhà báo-hội viên: “Bác thay mặt Đảng, Chính phủ đến thăm các đồng chí. Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến”. Và Bác góp ý một cách thẳng thắn: “Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm cũng còn nhiều”.

Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam khi ấy chưa có đông đảo nhà báo, đại biểu, chưa quy mô hoành tráng như những lần đại hội sau này, nhưng được Bác Hồ quan tâm, sắp xếp thời gian đến dự. Người động viên, khen ngợi, góp ý, phê bình dù rất nhẹ nhàng, nhưng rõ ràng, chí lý, dễ tiếp thu, dễ nhớ, để rồi ưu điểm thì phát huy, khuyết điểm thì ra sức khắc phục, sửa chữa.

Theo Bác thì: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”. Bác phê bình một số nhà báo còn nắm vấn đề chính trị chưa được chắc chắn; viết những vấn đề văn nghệ thì dài dòng, viết về chính trị thì khô khan và khuyết điểm phổ biến là bệnh dùng chữ nước ngoài.

Ngày 8-9-1962, đến dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, trong bài phát biểu với Đại hội, Bác nêu: “Bây giờ, Bác lấy tư cách là một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến sau đây”. Bác khen ngợi báo chí, thông tin, phát thanh đã có nhiều cố gắng và tiến bộ khá. Bác nhấn mạnh phải nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí, để báo chí làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình. Đặc biệt, Bác nói nhiều đến phê bình và tự phê bình trên báo.

Trong khi mọi người lắng nghe, Bác tươi cười nói: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý thì Bác xung phong phê bình các báo”. Cả hội trường vỗ tay sôi nổi, tỏ ý nhất trí để Bác có lời phê bình. Bác vui vẻ góp ý: Bài báo các chú viết còn dài quá, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều, và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến các khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin nhiều khi hấp tấp, thiếu thận trọng.

Rồi Bác nói đến bệnh dùng chữ nước ngoài: “Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới. Có những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng thì cần phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: Độc lập, tự do, giai cấp, cộng sản... Còn những tiếng ta có, vì sao không dùng mà mượn chữ nước ngoài?”. Bác đưa ra vài ví dụ: không gọi xe lửa lại gọi “hỏa xa”, máy bay thì gọi là “phi cơ”, nhà nước thì gọi là “quốc gia”. Bác dặn dò: “Tiếng nói là thứ của cải lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Cuối bài phát biểu, Bác khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Những lời dạy của Bác Hồ đối với báo chí và người làm báo, viết báo vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời đại bùng nổ thông tin, ngoài các kênh báo chí chính thống, mạng xã hội cũng phát triển nhanh, nhiều việc trong khi báo chí còn phải kiểm tra, kiểm chứng độ tin cậy của thông tin mới được đăng tải thì với mạng xã hội đã có thể vô tư tung ra trên các nền tảng internet, không cần biết thông tin đó đúng sai, nguồn tin có đủ độ tin cậy?

Trên địa bàn một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, đôi khi có những vụ việc tuy nhỏ, nhưng... từ “cái sảy, nảy cái ung”, dẫn đến “khủng hoảng truyền thông”, không xử lý kịp thời. Điều ấy thường xảy ra, khi mà một bộ phận cán bộ, công chức, người được quyền phát ngôn lại không... phát ngôn, có dấu hiệu bưng bít thông tin, làm cho các nhà báo thiếu thông tin chính thống để cập nhật, phục vụ bạn đọc, cũng là việc làm định hướng dư luận xã hội hướng tới chân-thiện-mỹ, âu cũng chính là chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng.

Mặt khác, về phía mình, nhà báo, cơ quan báo chí cũng cần xem lại. Ngày nay, thông tin, truyền thông được coi là... một ngành kinh tế: kinh tế báo chí, thị trường báo chí, cũng cạnh tranh thông tin, truyền thông, quảng cáo... khá gay gắt; hàng trăm cơ quan báo chí không được ngân sách nhà nước tài trợ, phải tự cân đối tài chính để đảm bảo hoạt động, lại có một bộ phận nhà báo, phóng viên thiếu đạo đức nghề nghiệp người làm báo, thoái hóa biến chất, lợi dụng báo chí để đe dọa doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể khi họ mắc khuyết điểm để vòi tiền, lấy hợp đồng truyền thông.

Vì những “con sâu làm rầu nồi canh” mà phần nào đã làm giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào báo chí, “sợ” báo chí. Để làm cho báo chí cách mạng Việt Nam xứng đáng với những lời dạy của Bác, chúng ta cần phải loại trừ những “con sâu làm rầu nồi canh” ấy ra khỏi hàng ngũ báo chí.

Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, là người có trách nhiệm phát ngôn trong các cơ quan của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nên coi báo chí là một kênh rất quan trọng để truyền tải thông tin chính thống, chính xác, định hướng dư luận xã hội... đến với người dân. Vì vậy, việc cung cấp thông tin cho báo chí là cần thiết, là trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin mà mình cung cấp.

Chỉ còn 1 năm nữa, nền báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập sẽ tròn 100 tuổi. Hy vọng báo chí chúng ta sẽ tiếp tục có những đổi mới tiến bộ, làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, đặc biệt là báo chí địa phương, nơi gần gũi với đời sống mọi mặt của người dân. Hy vọng sẽ có thêm những tác phẩm báo chí vì Nhân dân, của Nhân dân, do Nhân dân, xứng đáng là “chiến sĩ cách mạng” như lời Bác dạy.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Đoàn Hữu Nam

Gương mặt thơ: Đoàn Hữu Nam

(GLO)- Lâu nay, tôi cứ nghĩ, Đoàn Hữu Nam chỉ là người viết văn xuôi lừng danh xứ Bắc. Anh đã từng nhận giải A với tiểu thuyết “Rễ người” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trao năm 2019; giải A cho tiểu thuyết “Thổ phỉ” năm 2004 do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Trước hồ sen

Thơ Nguyễn Đình Phê: Trước hồ sen

(GLO)- Bài thơ "Trước hồ sen" của tác giả Nguyễn Đình Phê không chỉ khắc họa vẻ đẹp thanh tao của hoa sen mà còn gợi mở một không gian tĩnh lặng, trầm tư. Nơi đấy con người tạm xa bộn bề ưu phiền, tìm đến sự thành thản tâm hồn...

Những cuốn “sách sống”

Những cuốn “sách sống”

(GLO)- Qua thời gian và với sự phát triển của khoa học công nghệ, cách thức tiếp thu kiến thức từ sách dần thay đổi và đa dạng hơn, từ sách in truyền thống đến sách điện tử, sách nói. Sẽ như thế nào nếu ta được “đọc” một cuốn sách đặc biệt hơn, đó là trò chuyện với người có những trải nghiệm thú vị?

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

(GLO)- Ấn hành cách đây trên dưới nửa thế kỷ và là bản lưu duy nhất, nhiều đầu sách hiếm tại kho Địa chí của Thư viện tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tài liệu của độc giả hay đôi khi chỉ là mong ước tìm về ký ức thời gian khi được cầm trên tay một cuốn sách xưa cũ.

'Miền sông nước' của Bùi Quang Lâm

'Miền sông nước' của Bùi Quang Lâm

Họa sĩ Bùi Quang Lâm (1960) trình làng 70 tác phẩm bằng chất liệu Acrylic với chủ đề "Miền sông nước" tại số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM (trụ sở Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM). Triển lãm khai mạc vào lúc 9 giờ ngày 28-9-2024.
Tự khúc

Thơ Vân Phi: Tự khúc

(GLO)- Bài thơ "Tự khúc" của tác giả Vân Phi chất chứa bao cảm xúc sâu sắc với nỗi nhớ và sự hoài niệm về một mối tình đã qua. Những hình ảnh như "bến cũ", "sóng trôi" và "trăng vỡ" tạo nên không gian vừa lãng mạn vừa buồn bã, ẩn hiện nỗi cô đơn của người gửi gắm tâm tư...