Ảnh minh họa: Internet |
Đặc biệt là tìm giải pháp thực hiện chuyển đổi số để báo chí tiếp tục phát huy vai trò định hướng thông tin trong bối cảnh phải cạnh tranh với ngày càng nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội…
Với việc xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã đặt viên gạch đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam-nền báo chí phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành quyền được sống tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam.
Gần trăm năm đồng hành cùng dân tộc, những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về sự lớn mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà với hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh-truyền hình rộng khắp cả nước gồm 127 báo và 670 tạp chí, 72 đài phát thanh-truyền hình, 41.000 người đang hoạt động báo chí, trong đó, hơn 19.300 người được cấp thẻ nhà báo.
Chúng ta tự hào được kế tục sự nghiệp của thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu chống thực dân, đế quốc, gìn giữ nền độc lập, tự do để thấy rằng, thế hệ những người làm báo hôm nay cần phải sẵn sàng tâm thế mới để thích ứng với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ phát triển, đổi mới và hội nhập; tiếp tục là cầu nối giữa Đảng với dân, là diễn đàn để người dân phát huy quyền làm chủ; giữ vững định hướng chính trị, phê phán, đấu tranh với cái cũ kỹ, lạc hậu; là tai mắt của Đảng, của dân trong cuộc chiến đầy cam go với nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; là công cụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà báo còn là những nhà ngoại giao trên mặt trận thông tin để thế giới hiểu hơn về Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhiệt thành xây dựng thế giới tiến bộ, văn minh, hạnh phúc...
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí-truyền thông. Vì vậy, chuyển đổi số đã trở thành nhiệm vụ sống còn đối với từng cơ quan báo chí và mỗi nhà báo, để phục vụ nhanh nhất, tốt nhất nhu cầu thông tin của công chúng.
Báo Gia Lai điện tử ra mắt giao diện và vận hành hệ thống quản trị nội dung mới vào đầu năm 2023. Ảnh: Đức Thụy |
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số… Đó cũng chính là định hướng xây dựng và phát triển nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Xây dựng nền báo chí nhân văn để có sức mạnh bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của xã hội.
Thế giới luôn vận động, các giá trị, chuẩn mực về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng thay đổi để thích ứng. Kiến thức giúp nhà báo điềm tĩnh để phát hiện ra những bất thường trong chuỗi sự kiện mà thoạt nhìn, tưởng chừng như rất hợp lý. Còn cái tâm trong sáng, bản lĩnh nghề nghiệp giúp nhà báo “bắt” được mạch sống chủ đạo của xã hội để có cách thông tin phù hợp, hiệu quả, để tác phẩm báo chí có sức sống, được công chúng nhiệt tình đón nhận, dư luận xã hội đồng tình.
Nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với người làm báo thì đạo đức nghề nghiệp càng phải được đề cao, vì sản phẩm của nhà báo tác động đến nhiều người trong xã hội, mang tính đặc thù về nhận thức, tư tưởng, đạo đức. Thiếu bản lĩnh, rẻ rúng, đưa tin giật gân, câu khách trên báo chí sẽ gây nên những hậu quả khôn lường, không dễ gì khắc phục. Trách nhiệm xã hội của nhà báo vì thế luôn được đề cao thành một chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của người cầm bút.