Bởi vấn đề "nóng" nhất hiện nay chính là bảng giá đất, tiền sử dụng đất, chênh lệch giữa giá đất nông nghiệp và đất ở... Nguyên nhân là theo quy định của luật Đất đai 2024, Bảng giá đất mới sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2026 nên thời gian qua, một số tỉnh, thành đã ban hành bảng giá đất mới thay thế bảng giá đất cũ với giá tăng cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, việc này dẫn đến khoảng cách giữa giá đất ở và đất nông nghiệp bị kéo ra quá xa. Người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên đất ở phải đóng số tiền rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của họ. Thậm chí có trường hợp, tiền sử dụng đất còn nhiều hơn cả giá trị mảnh đất, khiến họ không thể chuyển đổi để tách thửa làm nhà, chia cho con cái... Bảng giá đất quá cao cũng khiến chi phí mua, thuê đất của doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp sản xuất... bị đội lên, năng lực cạnh tranh giảm xuống, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, rất nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra.
Ở thời điểm này, những địa phương vẫn còn áp dụng bảng giá đất cũ (ban hành theo luật Đất đai 2013) cũng tất bật xây dựng bảng giá đất mới, khiến người dân và doanh nghiệp càng thêm lo lắng. Những nơi đi trước đã "sát giá thị trường" thì những tỉnh, thành đi sau không thể đứng ngoài xu hướng này. Vì thế, nguy cơ giá đất tiếp tục bị đẩy lên là rất cao. Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính để phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý 2 vừa rồi, Bộ NN-MT cũng bày tỏ quan ngại thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới và sẽ có sự biến động lớn về mức giá đất được điều chỉnh. Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau nên thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá việc áp dụng các chính sách đất đai đã thu được kết quả tích cực. Pháp luật đất đai từng bước đi vào cuộc sống, khắc phục vướng mắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, chính sách pháp luật đất đai còn bất cập, chưa phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới. Cụ thể, chính sách thu hồi đất vẫn phân biệt giữa dự án sử dụng vốn đầu tư công và dự án sử dụng vốn đầu tư tư. Thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn kéo dài.
Nhắc lại bối cảnh để thấy việc sửa đổi Nghị quyết 18 làm cơ sở để sửa luật Đất đai 2024 là hết sức đúng đắn và cần thiết. Trước đó, nhiều người cũng băn khoăn luật Đất đai 2024 mới ban hành chưa đầy 1 năm với nhiều quy định được đánh giá là đột phá, thiết thực nên chắc khó có chuyện điều chỉnh. Vì thế, việc Chính phủ tổng kết đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 18 về quản lý, sử dụng đất và một năm thi hành luật Đất đai 2024 và đề xuất sửa đổi đã giúp giải tỏa nỗi lo lắng, phập phồng của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến giá đất, giá nhà hiện nay.
Thủ tướng cũng lưu ý đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên phải kiên trì và lắng nghe ý kiến của nhà quản lý, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp. Đây chính là mấu chốt để các cơ chế, chính sách khi ban hành áp dụng trong thực tiễn sẽ phát huy hiệu quả thay vì nhanh chóng lỗi thời hay gây ra những hệ quả đi ngược với mục tiêu.
Theo NGUYÊN MINH (TNO)