Đây là kịch bản đã được đặt ra khi TP ban hành bảng giá đất mới, có hiệu lực từ ngày 31.10.2024, cao hơn gấp nhiều lần so với bảng giá đất cũ. Những trường hợp người sử dụng đất chịu tác động không mong muốn của bảng giá đất mới cũng được chỉ rõ. Thứ nhất là những cá nhân có nhu cầu xin công nhận quyền sử dụng đất ở. Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoRea) khi đó, có khoảng hơn 13.000 thửa đất mà người sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu. Thứ 2 là người xin chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở mà phần diện tích đất xây dựng nhà ở đã có "sổ hồng" nằm xen kẽ trong đô thị, khu dân cư nông thôn. Thứ 3, diện đối tượng mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, đề nghị TP đặc biệt quan tâm là cá nhân, hộ gia đình có nhà đất nằm trong các khu vực quy hoạch treo, điển hình như dự án Bình Quới Thanh Đa. Bởi trong nhiều năm, người dân đã bị treo các quyền của người sử dụng đất nên nếu được xóa treo, họ có thể bị thiệt thòi lần thứ hai khi phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn trước đây... Thực tế, người dân cũng đã dự liệu được việc này nên thời điểm trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực, họ chạy đôn chạy đáo lo hồ sơ thủ tục, xếp hàng từ sáng sớm qua trưa nắng nhễ nhại để mong kịp đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá cũ.
Bỏ qua chuyện người đúng - người chưa trong việc áp dụng thời điểm tính tiền sử dụng đất của cơ quan thuế, việc hàng trăm người buộc phải rút hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất vì số tiền phải đóng quá cao, thậm chí có trường hợp cao hơn cả giá trị của thửa đất, cho thấy đang có bất cập khi chính sách đi vào cuộc sống. Đã có nhiều đề xuất để giải quyết tình trạng này. Có người đề xuất đưa ra hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hạn mức này có thể căn cứ theo quy định diện tích đất ở/đầu người hiện hành của TP. Nếu chuyển đổi trong hạn mức sẽ được áp dụng giá thấp, còn ngoài hạn mức thì áp dụng giá cao. Lại có ý kiến đề xuất đánh giá lại bảng giá đất để có sự điều chỉnh cho phù hợp vì bảng giá đất quá cao, không chỉ người dân mà ngay cả doanh nghiệp, môi trường đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Có người kiến nghị nên xem lại cách tính thuế chuyển quyền sử dụng đất mà không cần điều chỉnh bảng giá đất để tránh gây xáo trộn không cần thiết...
Cách nào, giải pháp nào thì cũng cần phải dựa trên đánh giá thực tiễn, có cơ sở khoa học và đó là việc của các cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn. Điều quan trọng là như đã nói trên, sau độ trễ nhất định, bảng giá đất mới đã bộc lộ bất cập khi áp dụng trong thực tế. Bất cập này ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư... thì nên xem xét, giải quyết.
Trong một diễn biến khác, công tác cấp sổ hồng, sổ đỏ tại TP.HCM từ đầu năm tới nay đang có bước tiến rất dài nhờ sự quyết liệt của Sở TN-MT và lãnh đạo chính quyền TP. Nhiều chủ trương, quan điểm, cách làm mới đã được áp dụng để đẩy nhanh tốc độ của công tác này. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng TP.HCM nói riêng và các bộ, ngành nói chung sẽ có hướng giải quyết hài hòa quyền lợi của các bên liên quan trong vấn đề chuyển quyền sử dụng đất đang vướng hiện nay.
Theo Nguyên Minh (TNO)