Ngày 8-7, phát biểu tại hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam” do Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Cục C12, Bộ Công an) phối hợp với Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (NDA) tổ chức tại Hà Nội, Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ việc buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Trong bối cảnh gian lận thương mại đang là vấn đề nóng của toàn xã hội thì thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể xác minh nhanh chóng và minh bạch nguồn gốc sản phẩm, phân biệt rõ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ở bình diện lớn, với hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ nội địa (blockchain, định danh số, QR đa năng...), Việt Nam có thể kiểm soát dữ liệu trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nền tảng nước ngoài và giữ vững chủ quyền dữ liệu.
Khi Việt Nam đẩy mạnh giao thương quốc tế và xuất khẩu, việc chứng minh được nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất sẽ giúp các đối tác quốc tế yên tâm, đồng thời tăng cường năng lực giám sát thị trường trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.
Theo các chuyên gia, truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho quản trị số, chính sách số và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, giúp Chính phủ hoạch định chính sách hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường niềm tin của người dân vào sản phẩm trong nước. Truy xuất nguồn gốc góp phần nâng cao tính minh bạch, khả năng truy vết và niềm tin số; là các yếu tố thiết yếu cho thương mại điện tử, nông sản xuất khẩu, logistics thông minh và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại.
Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc giúp cung cấp dữ liệu chính xác, liên tục và đa chiều từ khâu đầu vào đến đầu ra, giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro, dự báo sản xuất, điều phối kho vận, kiểm soát chất lượng tốt hơn. Đây cũng là công cụ hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra bài toán chuyển đổi số cho sản phẩm hàng hóa. Nghị quyết nêu rõ việc đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm kinh tế số các ngành, lĩnh vực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số… Thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Từ định danh mọi tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm đến xác thực thông tin hàng hóa, hoạt động chuỗi cung ứng và thực hiện truy xuất, tra cứu vòng đời sản phẩm.
Việc triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, dựa trên sự thống nhất, đồng bộ của các nền tảng dữ liệu quốc gia là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn thị trường và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đó góp phần phát triển bền vững, gia tăng sức mạnh, tính cạnh tranh của nền kinh tế số Việt Nam.
Theo TRẦN LƯU (SGGPO)