Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công nghệ thông tin và các nền tảng số đang từng bước được ứng dụng sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp tại Gia Lai, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Qua đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 30%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 10.750 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp công nghệ số (bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin) chỉ chiếm 1,82% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số chiếm 67,41%. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ ước đạt 8,5%; hơn 20% doanh nghiệp có giao dịch thương mại điện tử.

Điều đáng mừng là 100% tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử. Cùng với đó, gần 100% doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm theo dõi khách hàng; 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử. 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông cơ sở phân phối hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tiêu dùng…

Theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 99% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số này, gần 80% là doanh nghiệp siêu nhỏ-tức là doanh nghiệp sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Tỉnh chỉ có 30 doanh nghiệp được coi là lớn, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (là doanh nghiệp sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm trên 200 người và tổng nguồn vốn năm của doanh nghiệp lớn thường trên 100 tỷ đồng).

Gần 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-lĩnh vực thế mạnh của tỉnh đã biết ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất, tự động bơm tưới, theo dõi dịch bệnh, cảnh báo thời tiết… Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm, tiếp cận việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

cac-doanh-nghiep-da-lap-dat-he-thong-tuoi-tu-dong-cho-vuon-cay-nham-tiet-kiem-nhan-luc-thoi-gian-anh-ha-duy.jpg
Việc lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn cây giúp tiết kiệm nhân lực, thời gian. Ảnh: H.D

Anh Lê Chí Ái (phường Hội Thương, TP. Pleiku)-Chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-chia sẻ: AI được xem như “làn gió mới” thách thức những giới hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi đã sử dụng một số công cụ sẵn có để ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như sử dụng ChatGPT để khảo sát thông tin thị trường, các quy định pháp luật liên quan đến quá trình quản lý, hoạt động của công ty. Chưa kể, AI còn giúp chúng tôi trong việc tiếp thị sản phẩm, tạo những video mới lạ hay viết nội dung quảng cáo… Nhờ những ứng dụng này mà chúng tôi tiết kiệm được thời gian, nguồn nhân lực”-anh Ái nói.

viec-phun-thuoc-bon-phan-cho-canh-dong-chuoi-cua-cong-ty-co-phan-nong-nghiep-cong-nghe-cao-hung-son-duoc-thuc-hien-bang-may-bay-khong-nguoi-lai-anh-ha-duy.jpg
Việc phun thuốc, bón phân cho cánh đồng chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn được thực hiện bằng máy bay không người lái. Ảnh: H.D

Tuy bắt đầu quan tâm đến công nghệ số, song trên thực tế, các doanh nghiệp sử dụng đa phần vẫn là những ứng dụng, phần mềm phổ thông, cơ bản mà chưa tận dụng, khai thác những công nghệ mới.

Đơn cử, hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa sử dụng các thiết bị bay không người lái để bón phân, phun thuốc trừ sâu, chỉ trừ một vài doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn, Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai…

“Cũng có một số doanh nghiệp e ngại, sợ sai, sợ AI sẽ làm thui chột năng lực tư duy của nhân viên. Nhưng suy nghĩ đó không đúng, vì AI không thể giải quyết được mọi vấn đề mà chỉ mang tính tham khảo. Con người luôn là chủ thể và mang tính quyết định, vì chính con người cung cấp những dữ liệu ban đầu cho AI”-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhận định.

Vì vậy, bên cạnh việc chính quyền nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thì chính bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển giao công nghệ, tích cực chuyển đổi số.

Có vậy mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% theo Chương trình hành động số 104-CTr/TU ngày 18-3-2025 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

Siết chặt chất lượng cây giống cà phê

Siết chặt chất lượng cây giống cà phê

(GLO)- Gia Lai đang bước vào đầu mùa mưa-thời điểm thuận lợi để nông dân tái canh và trồng mới cà phê. Cùng với đó, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh cũng nhộn nhịp xuất bán cây giống phục vụ nhu cầu sản xuất.