Không phải đến khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành từ ngày 1-7 thì người dân mới bắt đầu kỳ vọng về bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ tốt hơn. Sự kỳ vọng ấy đã nhen nhóm từ rất lâu.
Thực tế những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cho thấy nhiều tín hiệu tích cực từ cơ sở, nơi mọi cải cách chỉ có ý nghĩa khi chạm đến đời sống hằng ngày của người dân.
Ở nhiều phường, xã mới sáp nhập, chính quyền không đợi dân đến mà chủ động "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Các tổ công tác gồm cán bộ và sinh viên tình nguyện không chỉ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mà còn giúp phòng tránh lừa đảo công nghệ, phổ cập kiến thức số. Đó là dấu hiệu của một tư duy mới: Không chỉ quản lý mà còn phục vụ, không bị động mà chủ động tiếp cận dân.
Trong bộ máy mới, năng lực và tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ là yếu tố quyết định. Với những địa bàn đặc thù, dân số đông, cán bộ không thể "gần dân" chỉ bằng khẩu hiệu. Cán bộ phải dấn thân, đối thoại, tuyên truyền, tháo gỡ từ gốc, như cách phường Phước Thắng đang làm để xử lý vi phạm đất đai tồn đọng. Mô hình "Cà phê sáng" ở phường Chánh Hiệp cũng là một ví dụ điển hình: Chính quyền cùng người dân trò chuyện, góp ý, cùng sửa đổi và hoàn thiện. Một chính quyền biết lắng nghe, cầu thị, minh bạch sẽ tạo ra sự tin tưởng và đồng thuận, là "chất keo" gắn kết giữa nhà nước và nhân dân.
Ứng dụng công nghệ là chìa khóa để rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Từ kiosk thông minh, robot hướng dẫn đến các đội hình chuyển đổi số cộng đồng, tất cả tạo nên diện mạo hiện đại, minh bạch, nhanh chóng cho chính quyền đô thị. Tuy nhiên, công nghệ không thể thay thế được trái tim và trách nhiệm của cán bộ. TS Nguyễn Đình Thái, chuyên gia quản lý công, từng cảnh báo: Không thể vận hành bộ máy mới bằng tư duy cũ. Phân quyền mà không rõ trách nhiệm thì khiến mọi thứ thêm rối rắm. Cải cách chỉ có ý nghĩa khi người dân thực sự cảm nhận được sự thay đổi, khi thủ tục được rút ngắn, hồ sơ giải quyết đúng hẹn, không còn sách nhiễu, phiền hà.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chỉ là khung. Muốn khung đó vận hành trơn tru, cần một đội ngũ cán bộ không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao chuyên môn, rèn giũa kỹ năng ứng xử và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực để không ai bị bỏ lại phía sau, từ cán bộ mới điều chuyển đến người dân lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ.
Chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là một mô hình quản trị mới mà còn là lời cam kết đặt người dân làm trung tâm. Nhưng để cam kết đó thành hiện thực, cần một tinh thần mới - tinh thần vì dân, gần dân và hành động vì dân.
Giai đoạn đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp chắc hẳn sẽ có va vấp - điều không thể tránh khỏi. Nhưng đó chính là cơ hội để lắng nghe, điều chỉnh, hoàn thiện. Khi cán bộ biết "trăn trở vì những vấn đề của địa phương" thì mọi cải cách đều có thể thành công.
Và, khi người dân hài lòng, đồng thuận, cùng chung tay thì bộ máy mới không chỉ hoạt động hiệu quả hơn, mà niềm tin của người dân vào chính quyền cũng được củng cố thêm.
Theo TỐ TRÂM (NLĐO)