Đầu tư cho giáo dục vùng phên giậu Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ chủ trương miễn học phí cho học sinh phổ thông, đến miễn phí khám sức khỏe định kỳ mỗi năm cho tất cả người dân và giờ là xây dựng trường học nội trú cho 248 xã biên giới đất liền, dư luận xã hội tin tưởng chủ trương này có cơ sở trở thành hiện thực.

Bộ Chính trị vừa thông báo chủ trương đầu tư xây dựng trường học nội trú tại 248 xã biên giới đất liền. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng biên giới, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Bộ Chính trị cho phép thí điểm xây mới hoặc cải tạo 100 trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và THCS tại các xã biên giới; sau đó, sẽ nhân rộng, hướng tới hoàn thành 248 trường trong vòng 2 - 3 năm tới.

giao-duc.jpg
Đầu tư vào giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân, mà còn tác động sâu rộng đến cộng đồng và quốc gia. Ảnh: VGP/MT (nguồn: baochinhphu.vn)

Các trường được đầu tư phải đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo tổ chức học 2 buổi/ngày và học sinh được ăn trưa miễn phí tại trường; có nhà ở công vụ cho giáo viên, khu bán trú cho học sinh, trụ sở hành chính với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ học tập, rèn luyện văn hóa, thể chất, tinh thần và điều kiện sinh hoạt, giảng dạy, học tập của thầy và trò.

Đảng ủy Chính phủ được giao làm đầu mối chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương biên giới tổ chức triển khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với địa phương rà soát, sửa đổi chính sách nội trú, bán trú phù hợp với điều kiện địa hình tại các xã biên giới đất liền; xây dựng phương án đào tạo, bố trí giáo viên biết tiếng dân tộc; đề xuất ngân sách hoạt động và phụ cấp phù hợp; xây dựng chính sách thu hút nhân lực và khuyến khích các trường trong nước kết nghĩa, hỗ trợ các trường tại khu vực biên giới.

Dư luận xã hội thực sự vui mừng khi giáo dục vùng biên giới đã có lối đi rõ ràng, vững chắc, được xác định bởi cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đó không còn là những phát biểu chung chung nữa mà là những chủ trương, nhiệm vụ cụ thể được giao đến từng cơ quan, bộ, ngành, địa phương, không để kéo dài tình trạng “nghị quyết nằm trên giấy”.

Chủ trương này nhanh chóng nhận được sự đồng tình của các địa phương biên giới đất liền. Trong đó, Gia Lai có 7 xã biên giới giáp với Campuchia thuộc chương trình này, gồm: Ia Púch, Ia Mơ, Ia O, Ia Chia, Ia Pnôn, Ia Dom và Ia Nan.

Hiện toàn khu vực chỉ có 7 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 4 trường THCS, 3 trường liên cấp và 1 trường THPT. Tất cả đều chưa có mô hình nội trú, bán trú, điều kiện học tập còn thiếu thốn; bếp ăn, thiết bị phục vụ bán trú chưa đầy đủ; phòng ở cho giáo viên hầu hết là nhà tạm. Đặc biệt, trong số hơn 10.300 học sinh, có đến hơn 7.130 em có nhu cầu học nội trú hoặc bán trú - cho thấy nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường lớp ở các xã biên giới là hết sức cấp thiết.

Trong bối cảnh ấy, thông báo của Bộ Chính trị là niềm hy vọng rất lớn để vực dậy giáo dục vùng biên. Làm việc với lãnh đạo 7 xã biên giới hôm 19.7 để triển khai chủ trương này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Việc xây dựng hệ thống trường bán trú là yêu cầu bức thiết, không chỉ để giải quyết khó khăn hiện tại mà còn là trách nhiệm với tương lai con em các dân tộc vùng biên giới”.

Từ chủ trương miễn học phí cho học sinh phổ thông, đến miễn phí khám sức khỏe định kỳ mỗi năm cho tất cả người dân và giờ là xây dựng trường học nội trú cho 248 xã biên giới đất liền, dư luận xã hội tin tưởng chủ trương này có cơ sở trở thành hiện thực. Từ vùng “trắng” về nội trú, bán trú, ngành giáo dục Gia Lai kỳ vọng đến năm học 2026 - 2027, toàn bộ học sinh tại 7 xã biên giới sẽ được học tập trong những ngôi trường mới khang trang, với đầy đủ cơ sở vật chất.

Ánh sáng tri thức đang được thắp lên bằng cả trái tim và khát vọng vì tương lai của những cậu bé, cô bé J’rai, Bana, Êđê, M’nông, Xê Đăng… hôm nay nơi phên giậu Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm

Chờ sửa luật Đất đai

Chờ sửa luật Đất đai

Đó là tâm trạng của người dân và doanh nghiệp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất.

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Vụ việc khách du lịch nghỉ tại một khách sạn ở Cửa Lò (Nghệ An) bị yêu cầu bồi thường 4,8 triệu đồng vì bất cẩn khi hút thuốc lá làm cháy nệm và ga trải giường của khách sạn cách đây ít ngày, được đăng tải trên mạng xã hội, đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Bộ phim Lời nguyền dưới ánh trăng của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đang thu hút sự chú ý đặc biệt, không hẳn vì đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên tại VN được tạo hoàn toàn từ AI mà còn bởi kinh phí khiêm tốn: chỉ hơn một chỉ vàng và thực hiện vỏn vẹn trong 72 giờ.

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

(GLO)- Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, chỉ còn vài ngày nữa, đất nước ta chính thức bước vào cuộc chuyển mình vĩ đại nhất kể từ ngày thống nhất non sông. Sự thay đổi về mô hình chính quyền địa phương lần này sẽ đem lại diện mạo hành chính mới, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

null