Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế, đồng thời khởi tố 18 bị can. Cơ quan điều tra xác định các bị can đã nhận 75 tỷ đồng để cấp “khống” khoảng 10.000 giấy tiếp nhận hồ sơ công bố đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công an tỉnh Thanh Hóa và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng đang tạm giữ nhiều tấn chân gà ngâm hóa chất Interox ST 50 (H2O2 - không được dùng trong thực phẩm) chuẩn bị đưa ra thị trường. Công an TPHCM vừa phát hiện một loạt cơ sở chế biến hoa chuối ngâm tẩm hóa chất.
Khi sự thật về mất ATTP liên tục được bóc trần, bữa ăn hàng ngày cũng trở nên bất an bởi người dân hoàn toàn không có khả năng phát hiện chất cấm trong thực phẩm. Nhiều người quay về thời kỳ “tự cung tự cấp”: tự ngâm giá đỗ, tự ép dầu lạc (đậu phộng), đặt mua rau củ từ quê chuyển lên thành phố... Nỗ lực ứng phó của người dân trước vấn nạn thực phẩm “bẩn” cho thấy lòng tin với các cơ quan quản lý ATTP đã hao mòn nặng nề.
Trở lại vụ việc 18 bị can của Cục ATTP bị khởi tố nói trên để thấy rằng lương tâm và trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân của cơ quan quản lý đã bị đồng tiền che lấp. Họ được trao trách nhiệm bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng lại đi ngược sứ mệnh và chức phận của mình.
Điều nguy hiểm là hành vi nhận hối lộ được thực hiện có tổ chức, với sự tham gia từ lãnh đạo cho đến chuyên viên. Cú “ngã ngựa” mang tính hệ thống của các cán bộ Cục ATTP đã trực tiếp gây ra sự hoành hành của thực phẩm chức năng giả, tấn công sức khỏe và lợi ích kinh tế của người dân, người bệnh.
Tại Việt Nam, lĩnh vực ATTP vẫn còn tình trạng một mâm cơm nhiều bộ, ngành cùng quản lý. Do đó, để thiết lập lại và duy trì hiệu quả quản lý ATTP trên phạm vi cả nước cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ minh bạch và rõ ràng.
Cần chỉ rõ trách nhiệm của địa phương trong lĩnh vực ATTP khi các đường dây thực phẩm giả tồn tại hoặc khi ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra; xử lý triệt để trách nhiệm và phải có cơ chế giám sát đội ngũ quản lý. Sự minh bạch của cơ quan quản lý là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống và đảm bảo thực phẩm an toàn cho hơn 100 triệu dân.
Theo GIAO LINH (SGGPO)