Lần đầu tiên, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được toàn quyền quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, thù lao cho người lao động và cán bộ quản lý, trên cơ sở quỹ lương được giao. Doanh nghiệp cũng được phép trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển và tối đa 3 tháng lương cho Quỹ khen thưởng - phúc lợi.
Một thay đổi đáng chú ý khác là việc gỡ bỏ giới hạn trong đầu tư bất động sản, cho phép DNNN hoạt động bình đẳng hơn với khối tư nhân trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước được phép cho công ty con vay vốn theo quy định riêng, tạo thêm sự linh hoạt tài chính.
Những điều chỉnh này thể hiện bước tiến trong cải cách quản lý vốn nhà nước, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp và thúc đẩy khu vực DNNN hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn. Như vậy, sau khi Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân ra đời, khẳng định khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia thì khối DNNN không hề giảm vai trò trong nền kinh tế đất nước.
Việt Nam hiện có hơn 670 DNNN, trong đó có khoảng 2/3 đơn vị do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn lại là nhà nước sở hữu hơn 50% vốn điều lệ. DNNN có vai trò cung cấp hàng hóa, dịch vụ công; giải quyết vấn đề việc làm; tạo ra quỹ công; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công. Dù số DNNN chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng đang nắm giữ khối tài sản gần 4 triệu tỷ đồng, đóng góp gần 30% GDP.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, nhà nước đã “mở hết cỡ về thể chế” cho DNNN. Ngoài các quy định mới sắp có hiệu lực kể trên, hàng loạt quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng được Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, như luật về đầu tư, đấu thầu, các luật về thuế… Nhà nước chỉ quản lý phần vốn góp tại doanh nghiệp, còn DNNN được quyền chủ động, tự quyết nhiều vấn đề như cơ chế tiền lương, tiền thưởng, tăng vốn…
Như vậy, câu chuyện đổi mới tư duy, cách quản trị doanh nghiệp không phải lần đầu được nhắc đến nhưng nó đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh đất nước ta thay đổi mạnh mẽ. Tất cả các địa phương, cấp ngành đều nỗ lực tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, nên DNNN không thể ngoài cuộc. Ở phương diện ngược lại, sự trợ lực cho DNNN phát huy tốt vai trò của mình là kịp thời, hết sức cần thiết.
Với TPHCM, sự hình thành một siêu đô thị chính là lúc tạo thêm những nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng. Trong phiên họp kinh tế - xã hội đầu tiên của TPHCM sau sáp nhập vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex, đã đề xuất tiếp tục thực hiện các chính sách trước đây, tin tưởng giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp, không chỉ bản thân Becamex mà cả các DNNN, tư nhân nói chung.
Đây là một nguồn lực rất lớn cần được khai thác hiệu quả để đóng góp cho sự phát triển của thành phố, của đất nước. Thực tế, Becamex là một trong những điển hình thành công của DNNN, nhờ được trao cơ chế linh hoạt và hỗ trợ chính sách phù hợp. Đến nay, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các DNNN trực thuộc, trước mắt là góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm nay.
Về lâu dài, DNNN phải đóng vai trò mở đường, dẫn dắt, trở thành lực lượng tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, gồm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển thể chế, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, an sinh xã hội, phát triển thương hiệu Việt và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Các sở ngành phải tích cực hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho các DNNN. Bản thân doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi, tiếp tục trở thành lực lượng tiên phong trong những lĩnh vực chiến lược, góp phần đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Theo MAI HOA (SGGPO)