Mới tháng trước, tại tỉnh Cà Mau, một drone rải phân bón cũng chém trúng đầu người chạy xe máy đang lưu thông trên đường giao thông nông thôn. Nạn nhân bị gãy nhiều xương ở vùng mặt và tổn thương mắt.
Hiện nay, các loại UAV hay drone ngày càng phổ biến không chỉ để giải trí, chụp hình quay phim mà còn áp dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Vì thế, việc điều khiển UAV ngày càng phổ biến, thậm chí nhiều người chỉ cần được hướng dẫn qua là trở thành "phi công" UAV, drone.
Trong các loại trên, drone được sử dụng để phun thuốc, rải phân trong nông nghiệp hay nhiều loại drone công nghiệp dùng trong một số lĩnh vực đều có kích thước lớn. Khác với các loại UAV dạng quay phim (flycam) có kích thước nhỏ, các drone kích thước lớn để đáp ứng nhu cầu hoạt động tải trọng lớn thường có bộ phận cánh rất dài và được làm bằng vật liệu cứng. Điều này dẫn đến ẩn chứa nguy hiểm không nhỏ nếu xảy ra trục trặc trong quá trình vận hành.
Ngay cả các loại UAV kích thước nhỏ hơn, tưởng chừng vô hại nhưng nếu điều khiển gặp trục trặc dẫn đến rơi rớt vào người đang điều khiển xe máy thì vẫn có thể gây tai nạn.
Những vụ việc cánh drone chém trúng người nêu trên là bằng chứng rõ ràng cho hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng người khác khi xảy ra sự cố. Vì thế, các loại UAV hay drone giờ có thể xem là một nguồn phương tiện nguy hiểm, và nếu các "phi công" không đủ điều kiện thì mối nguy càng lớn hơn.
Luật Phòng không nhân dân 2024, có hiệu lực từ ngày 1.7 vừa qua, đã quy định rất đầy đủ về điều kiện sở hữu, điều khiển các loại UAV hay drone. Luật này góp phần quan trọng vào việc quản lý UAV. Trong đó, luật đã quy định một số tiêu chí với người điều khiển như phải được đào tạo kiến thức về hàng không và kỹ năng thực hành điều khiển tàu bay không người lái, cần có giấy phép bay phù hợp do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Cơ sở pháp lý là vậy, nhưng nhiều người đang đăng ký sử dụng và vận hành drone chỉ mang tính chất đối phó. Các phần mềm hỗ trợ bay UAV giờ trở nên phổ biến nên nhiều người chủ quan nghĩ rằng dễ điều khiển, chỉ cần được hướng dẫn chút ít là tự tin cầm lái. Thêm vào đó, luật vẫn chưa quy định chặt chẽ về trách nhiệm chủ sở hữu các loại UAV, drone trong trường hợp đưa cho người không đủ điều kiện để vận hành. Không thể để ai cứ thích là làm "phi công" máy bay không người lái!
Chính vì thế, với nền tảng luật định sẵn có, các cơ quan liên quan cần siết chặt công tác thi hành luật để đảm bảo hiệu quả. Trong đó, vấn đề cấp phép bay cho các cá nhân phải chặt chẽ như cấp bằng điều khiển xe các loại, kèm theo là trách nhiệm của chủ sở hữu UAV hay drone.
Theo Hoàng Đình (TNO)