Tiêm thuốc độc- Một biện pháp thi hành án tử hình mới ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở dĩ nhiều nước lựa chọn cách tử hình bằng tiêm thuốc độc vì không tạo ra những cảnh man rợ như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn. Các chuyên gia y học thế giới thường nhận xét về biện pháp tử hình này là cách "chết nhẹ nhàng", "chết không đau đớn". Một số chuyên gia y học còn so sánh cách thi hành hình phạt tử tội này giống như người tự sát, uống thuốc ngủ hoặc uống thuốc độc chết.
LTS: Ngày 17-6-2010 với đa số phiếu tán thành, Quốc hội nước ta đã nhất trí từ 1-7-2011 ở nước ta sẽ áp dụng hình thức thi hành án tử hình mới: Tiêm thuốc độc. Đây là một vấn đề mới đối với nước ta và kể cả đối với nhiều nước trên thế giới. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi cho đăng bài viết của Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an: "Tiêm thuốc độc- Một biện pháp thi hành án tử hình mới ở Việt Nam".

Một biện pháp thi hành án tử hình mới

Chữ "tử hình" có nguồn gốc Hán Việt có nghĩa là "hình phạt chết". Để làm phạm nhân chết có nhiều cách. Chúng tôi đã thống kê và mô tả nhiều hình thức thi hành án tử hình trên thế giới từ xưa đến nay như: xử bắn, đóng đinh, đốt, đun sôi, chặt đầu, chôn sống, làm ngạt thở, ghế điện, ném đá, phanh thây, phòng hơi ngạt, tiêm thuốc độc, treo cổ, thả trôi sông, tùng xẻo, voi giày, ngũ mã phanh thây, xẻ đôi người, lột da, hổ và báo ăn thịt. Với mỗi phương thức tử hình đã và đang được áp dụng trong lịch sử loài người đều có những ưu và nhược điểm của nó.

Trên thế giới, trong số gần  80 nước đang áp dụng án tử hình, có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc để thi hành hình phạt tử hình. Một số nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, tiêm thuốc độc là một trong những biện pháp được áp dụng để thi hành hình phạt tử hình. Năm 1888 tại tiểu bang New York, Hoa Kỳ, các bác sĩ đã áp dụng biện pháp tiêm thuốc độc để thi hành hình phạt tử hình phạm nhân Julius Mount Bleyer vì cho rằng chi phí rẻ hơn cách treo cổ tử tội. Tuy nhiên mãi đến những năm 1949-1953, Hội đồng Hoàng gia Anh về án tử hình (The British Royal Commission on Capital Punishment) mới quyết định áp dụng rộng rãi biện pháp này.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền phát xít Đức đã sử dụng "Chương trình chết không đau đớn" mang tên T-4 để xử tử tất cả những người chống đối và đặc biệt để xử tử tù binh chiến tranh. Trong số những người nổi tiếng bị tiêm thuốc độc chết là Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức  KPD Ernst Thaelmann.

Theo thống kê của Tổ chức Ân xá thế giới, năm 2009 có ít nhất 2.500 tử tội trên thế giới bị tiêm thuốc độc ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Con số này năm 2008 là 2.148. Ở Trung Quốc, Bộ luật tố tụng hình sự quy định 2 biện pháp thi hành hình phạt tử hình đối với tử tội là xử bắn và tiêm thuốc độc. Hình thức xử bắn được áp dụng đối với các vụ tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần răn đe phòng ngừa mạnh mẽ.
 
Các trường hợp khác áp dụng hình phạt tiêm thuốc độc. Còn tại Hoa Kỳ áp dụng khá nhiều biện pháp tùy theo các tiểu bang như xử bắn, phòng hơi ngạt, ghế điện, tiêm thuốc độc, treo cổ. Cho đến nay đã có 38/51 tiểu bang của Hoa Kỳ áp dụng tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình thay cho các biện pháp ghế điện, phòng hơi ngạt và một số biện pháp khác. Chính vì vậy năm 2007, trong số 53 tử tội bị xử tử ở Hoa Kỳ có 52 phạm nhân bị tiêm thuốc độc, chỉ có 1 phạm nhân bị xử bắn.

Vấn đề sử dụng biện pháp tiêm thuốc độc ở Hoa Kỳ cho đến nay vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi và có 11 tiểu bang đã quyết định tạm ngừng phương thức thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc sau khi trong xã hội dấy lên những làn sóng chống đối cho rằng phương thức này vẫn là tàn ác và không có tác dụng răn đe phòng ngừa tội phạm cao. Năm 2009 khi một thẩm phán Liên bang Hoa Kỳ ra lệnh cho các bác sĩ tiêm thuốc độc cho tử tội Michael Morales vì phạm tội hiếp dâm và giết chết một bé gái thì các bác sĩ đã từ chối không thi hành lệnh này.

Còn ở Trung Quốc, mặc dù Quốc hội đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự phương pháp thi hành hình phạt tử hình tiêm thuốc độc từ năm 1997, nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 1/3 số tử tội của Trung Quốc được thi hành án bằng phương thức này, còn 2/3 số tử tội vẫn được xử bắn, trong đó rất phổ biến hình thức xử bắn tập thể cả băng nhóm tội phạm để có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm cao hơn trong xã hội. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng biện pháp tiêm thuốc độc như Guatemala năm 1998, Philippines năm 1999 (tuy nhiên gần đây Philippines đã bãi bỏ án tử hình nên dĩ nhiên biện pháp này cũng bị hủy bỏ), Thái Lan năm 2003, Đài Loan năm 2005, v.v...
Phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc tại Texas - Mỹ.
Phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc tại Texas - Mỹ.
Tiêm thuốc độc là gì?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng có thể hiểu bản chất của biện pháp thi hành hình phạt tử hình này là tiêm vào người tử tội một liều thuốc độc (thường gồm 3 loại: một để gây mê, một để cơ bắp thịt và thần kinh ngưng hoạt động và một để làm cho tim ngừng đập) để kết thúc sự sống của tử tội. Về cơ chế chết trong phương thức thi hành hình phạt tử tội này là: làm cho tử tội ngủ, sau đó làm ngừng thở và làm tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng từ 10 đến 15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc.

Sở dĩ nhiều nước lựa chọn cách tử hình này vì không tạo ra những cảnh man rợ như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn. Các chuyên gia y học thế giới thường nhận xét về biện pháp tử hình này là cách "chết nhẹ nhàng", "chết không đau đớn". Một số chuyên gia y học còn so sánh cách thi hành hình phạt tử tội này giống như người tự sát, uống thuốc ngủ hoặc uống thuốc độc chết.

Để thi hành hình phạt tử hình theo biện pháp này, trước hết cần phải lựa chọn các loại thuốc độc để tiêm cho tử tội.
Phần lớn các nước trên thế giới đều sử dụng 3 loại thuốc chính:

Trước hết là thuốc Sodium thiopental (tên thương mại ở Hoa Kỳ là Sodium Pentothal) với liều lượng từ 2-5 grams. Thuốc này sau khi tiêm một vài giây sẽ làm cho phạm nhân mê man, bất tỉnh, ngủ từ từ.

Tiếp đó là thuốc Pancuronium bromide (tên thương mại ở Hoa Kỳ là Pavulon) với liều lượng 100 milligrams, với tác dụng làm ngừng hoạt động cơ bắp và thần kinh ngừng hoạt động.

Liều thuốc thứ ba là Potassium chloride với liều lượng 100 mEq (milliequivalents), có tác dụng làm tim ngừng đập.
Sau khi tiêm 3 loại thuốc này, tử tội sẽ chết trong vòng 10-15 phút.

Để thực hiện biện pháp này, trước hết tại các Trại giam hoặc các Tòa án phải xây dựng các Phòng tiêm thuốc độc. Đây là một căn phòng được thiết kế gồm 3 phần: một phần dành cho các cán bộ tư pháp như Thẩm phán, cán bộ trại giam, kiểm sát viên, ủy viên Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y, v.v.... ngồi theo dõi việc tiêm thuốc độc; một phần để dành cho các bác sĩ chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; phần chính để một giường dạng ghế nằm. Đây là một giường đặc biệt. Tử tội được đặt nằm trên một giường nằm có các hệ thống dây chằng buộc chặt thân và cánh tay, chân tử tội với giường. Các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc độc trực tiếp cho tử tội vào cánh tay.

Một số tiểu bang của Hoa Kỳ và ở các nước có điều kiện kinh tế, cơ quan thi hành án  thiết kế các bàn tiêm thuốc độc tự động. Các bác sĩ không phải tiêm trực tiếp thuốc độc vào tay tử tội mà chỉ bấm nút tại các bàn điều khiển. Kim sẽ tự động tiêm vào tay tử tội. Với phương thức này các bác sĩ sẽ ít bị tác động- tâm lý hơn so với việc trực tiếp tiêm thuốc độc vào tay tử tội. Vào ngày 8-12-2009, tử tội Kenneth Biros là phạm nhân đầu tiên ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ  được áp dụng tiêm thuốc độc. Sau 10 phút tiêm thuốc vào người, tử tội đã chết.

Phương thức tiêm thuốc độc cho tử tội có nhiều ưu điểm so với nhiều phương thức tử hình khác và vấn đề này không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên ngay cả ở Hoa kỳ và nhiều nước tiên tiến cũng xuất hiện nhiều vấn đề sau khi áp dụng phương thức này. Trước hết là nhiều nhà hoạt động xã hội và y tế đã lên tiếng phê bình Quốc hội và Chính phủ đã đi ngược lại Lời thề Hypocrate của ngành y khi các tiến bộ y học được đem vào việc giết người. Hơn nữa với các nước nghèo, không có điều kiện xây các phòng tiêm thuốc độc hiện đại, các bác sĩ phải tiêm thuốc độc trực tiếp vào tay phạm nhân vẫn xuất hiện các tâm lý nặng nề về việc trực tiếp giết người. Vì vậy các bác sĩ làm việc ở đây thường chỉ sau một thời gian ngắn đều phải chuyển làm các việc khác để tránh mắc bệnh thần kinh.

Tại một số nước, do trong một số ít trường hợp các bác sĩ và dược sĩ pha chế thuốc độc không đủ liều lượng làm chết người, tử tội sau thời gian quy định vẫn không chết và vì thế xuất hiện nhiều việc phải tiến hành nằm ngoài chương trình thi hành án tử hình. Điển hình là vụ tiểu bang Florida, Hoa Kỳ thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cho phạm nhân Angel Nieves Diaz ngày 13-12-2006. Phạm nhân Diaz 55 tuổi, phạm tội giết người. Sau 35 phút tiêm thuốc độc, phạm nhân vẫn chưa chết và vì vậy phải tiêm thuốc độc lần thứ hai. Vụ án này rất nổi tiếng. Thống đốc tiểu bang Jeb Bush đã phải xin lỗi nhân dân tiểu bang.
 
Và sau đó ngày 15-9-2009 tại tiểu bang Ohio, tử tội Romell Broom sau 2 giờ tiêm thuốc độc tử tội vẫn chưa chết. Và dĩ nhiên các cán bộ thi hành án tử hình phải tiếp tục tiêm thuốc độc lần thứ 2.
Tử tù được ăn uống, viết thư, ghi âm lời nói trước giờ ra pháp trường.
Tử tù được ăn uống, viết thư, ghi âm lời nói trước giờ ra pháp trường.
Để thực hiện tốt phương thức tử hình mới ở Việt Nam
Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1-7-2011 Việt Nam sẽ áp dụng duy nhất một phương thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc.

Để thực hiện tốt quy định pháp luật mới này của Nhà nước, có rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành cần ban hành các văn bản pháp quy dưới luật để quy định rõ cách thức, phương thức, trình tự tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình. Cần quy định rõ chủ thể tiến hành tiêm thuốc độc, các loại thuốc độc dùng để tiêm, trình tự tiêm, cách thức xác định cái chết của tử tội, v.v... Để có thể đề ra các quy định phù hợp với thực tế Việt Nam, cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát kỹ kinh nghiệm thực tiễn tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình ở các nước bạn như Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, v.v... để thấy rõ các thành công, thất bại trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật này ở các nước bạn. Từ đó đề ra các quy định pháp luật phù hợp với Việt Nam.

Thứ hai, cần tổ chức tập huấn kỹ về cách thức áp dụng hình thức tiêm thuốc độc cho các bác sĩ pháp y, cán bộ kỹ thuật hình sự, cán bộ trại giam, thẩm phán, kiểm sát viên của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án. Trong các khóa tập huấn này cần thiết phải bổ trợ các kiến thức y học, độc học cho các chức danh tư pháp để có thể thực thi nhiệm vụ thành công.

Thứ ba, tổ chức thiết kế các buồng, phòng thi hành án tử hình tiêm thuốc độc ở các tỉnh, thành phố. Đối với các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm cần thiết xây dựng các phòng tiêm thuốc độc hiện đại, trong đó có áp dụng tiêm tự động, điều khiển bằng điện tử. Thông thường một phòng tiêm thuốc độc gồm 3 khu vực: khu vực chuẩn bị  tiêm, khu vực dành cho những người chứng kiến tiêm và khu vực đặt giường nằm dành cho tử tội.

Thứ tư, đối với tử tội đầu tiên ở nước ta sẽ áp dụng hình thức tử hình này, cần tổ chức chuẩn bị kỹ các khâu cần thiết để tiến hành tiêm thuốc độc và tuyên truyền trong nhân dân để thấy rõ các ưu việt của biện pháp tiêm thuốc độc so với các biện pháp tử hình khác. Có thể mời đại diện các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện các tổ chức quốc tế đến dự chứng kiến.

Tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình là một vấn đề mới ở nước ta. Hy vọng việc áp dụng thành công biện pháp tử hình mới này sẽ góp phần thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo NLĐ

Có thể bạn quan tâm