Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 19 người chết, 4 người bị thương. Điều đó cho thấy nguy cơ mất an toàn lao động vẫn xảy ra và việc thực hiện các quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của người sử dụng lao động và người lao động chưa nghiêm túc.
Nỗi đau sau tai nạn lao động
Ngày 10-6-2021, tại làng Ia Boong (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) xảy ra vụ TNLĐ khiến anh Nguyễn Văn Khánh L. (24 tuổi, công nhân Trung tâm Viễn thông Đức Cơ-Chư Prông) tử vong. Theo đó, khi bắc thang trèo lên cột điện để kiểm tra đường dây, anh L. bị ngã xuống đất. Do vết thương quá nặng, nạn nhân đã không qua khỏi.
Trước đó, vào ngày 20-10-2020, ông Nguyễn Văn C. (kế toán Bệnh viện 331) cũng tử vong do ngừng tim đột ngột. Nguyên nhân tử vong là do tham gia môn chạy tiếp sức tại Hội thao chào mừng Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam do Bệnh viện 331 tổ chức. Không đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn tham gia hoạt động thể thao với cường độ cao là nguyên nhân dẫn đến trường hợp tử vong của ông C.
Thêm một trường hợp khác, đó là anh Nguyễn Văn Tiến (tổ 2, phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Anh Tiến nguyên là công nhân của Công ty cổ phần xây dựng Gia Lai. Từ một người lành lặn, khỏe mạnh anh trở nên tàn phế do ngã từ giàn giáo xuống đất trong quá trình làm việc, tỷ lệ thương tật 38%. Sau vụ TNLĐ, anh Tiến mất nhiều thời gian để chữa trị vết thương cũng như ổn định tinh thần. Từ trụ cột trong gia đình có 4 người, nay anh phải trông cậy vào sự trợ giúp của vợ con. Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến gia đình anh Tiến phải bán nhà để chữa bệnh. “Cuộc đời tôi thay đổi nhiều sau TNLĐ. Nhiều lúc, tôi không muốn tiếp tục sống nữa nhưng vợ con động viên nên đã suy nghĩ lại. Tôi mong người lao động cẩn thận trong quá trình làm việc, nhất là lúc điều chỉnh máy móc phải tuyệt đối tập trung, tuân thủ quy trình an toàn, không chủ quan, lơ là để bảo vệ mình”-anh Tiến nhắn nhủ.
Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đẩy mạnh tuyên truyền ATVSLĐ đến với người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đẩy mạnh tuyên truyền ATVSLĐ đến với người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Theo ông Mai Xuân Khiêm-Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNLĐ là do người sử dụng lao động chưa xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện ATVSLĐ chưa đầy đủ cho người lao động; nhiều đơn vị, doanh nghiệp hàng năm chưa khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của họ; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Về phía người lao động, đó là vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, không tham gia huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ và nghiêm túc, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình lao động, chủ quan sơ suất, ý thức chấp hành an toàn lao động còn kém.
Cần thực hiện nhiều giải pháp 
Theo bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, hàng năm, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các doanh nghiệp. Trong đó, chú ý hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng; tổ chức điều tra TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong quá trình làm việc.
Cùng với cả nước, tỉnh ta triển khai thực hiện Tháng Hành động ATVSLĐ. Đây là thời gian cao điểm để các sở, ngành, đoàn thể, địa phương và doanh nghiệp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ; triển khai các hoạt động tư vấn, tập huấn, huấn luyện về nghiệp vụ; đẩy mạnh tuyên truyền. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về công tác ATVSLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã treo 1.600 băng rôn, 3.500 tờ gấp và các ấn phẩm sách tuyên truyền về ATVSLĐ được phát cho người lao động. Các doanh nghiệp tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật ATVSLĐ và cuộc thi an toàn vệ sinh viên giỏi. Tổ chức 34 lớp huấn luyện về công tác ATVSLĐ với 4.230 lượt người tham gia. Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt công tác này như: Công ty Thủy điện Ia Ly, Công ty TNHH thương mại Sài Gòn-Gia Lai, Truyền tải Điện Gia Lai, Viễn thông Gia Lai, Công ty Điện lực Gia Lai, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên... Công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và đo kiểm môi trường lao động cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầy đủ.  
Công nhân Công ty Thủy điện Ia Ly kiểm tra công tác an toàn thiết bị. Ảnh: Đinh Yến
Công nhân Công ty Thủy điện Ia Ly kiểm tra công tác an toàn thiết bị. Ảnh: Đinh Yến
Là thành viên Hội đồng ATVSLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp, cán bộ làm công tác ATVSLĐ người lao động. Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-cho hay: Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ Công đoàn, đội ngũ làm công tác ATVSLĐ tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, doanh nghiệp quan tâm chăm lo đảm bảo bữa ăn giữa ca, chăm lo sức khỏe của người lao động để tái tạo sức lao động, tránh làm việc quá sức dễ xảy ra TNLĐ. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, các Công đoàn cơ sở tích cực phối hợp với doanh nghiệp chăm lo công tác ATVSLĐ, nhất là cải thiện môi trường làm việc, sức khỏe người lao động thông qua việc thương lượng thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chất lượng bữa ăn giữa ca và ATVSLĐ nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động.
Chung tay đảm bảo ATVSLĐ
Là một trong những doanh nghiệp nhiều năm liền được tặng bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh về thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, Công ty Thủy điện Ia Ly luôn chủ động xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch ATVSLĐ trong sản xuất kinh doanh. Với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, Công ty có quy định an toàn cụ thể cho từng loại máy móc, từng bộ phận công nhân lao động. Hàng năm, 100% người lao động được Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ làm cơ sở phân công công việc phù hợp với sức khỏe, chuyên môn; trang bị phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Công ty cũng thường xuyên tổ chức huấn luyện, đào tạo và bổ sung kiến thức an toàn lao động cho các đối tượng làm ở bộ phận máy móc, nguy hiểm và độc hại. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Bình-Chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy điện Ia Ly-cho hay: “Môi trường làm việc đảm bảo an toàn là điều mà  chủ sử dụng và người lao động nào cũng phải quan tâm khi làm việc tại doanh nghiệp. Đơn vị luôn đặt yêu cầu ATVSLĐ lên hàng đầu, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên và chú trọng cải thiện môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Người lao động chính là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khan hiếm lao động hiện nay”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.