Tăng tốc “phủ sóng” bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu có trên 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số vào cuối năm 2023. P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Lực-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh về các giải pháp nhằm tăng tốc “phủ sóng” BHYT trên địa bàn.
Ngành BHXH tỉnh phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Ảnh: N.N

Ngành BHXH tỉnh phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Ảnh: N.N

P.V: Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong công tác BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

* Ông TRẦN VĂN LỰC: Đến nay, toàn tỉnh có trên 1,399 triệu người tham gia BHYT, tăng trên 68.800 người so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ bao phủ trên 87% dân số toàn tỉnh. Dự tính cuối năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% với khoảng trên 1,4 triệu người tham gia BHYT.

Năm 2023, toàn tỉnh ký hợp đồng với 36 cơ sở khám-chữa bệnh (KCB), trong đó, BHXH tỉnh ký hợp đồng với 20 cơ sở và phân cấp cho BHXH cấp huyện ký hợp đồng với 16 cơ sở. Toàn tỉnh đã có trên 1 triệu số định danh cá nhân được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực khi KCB (chiếm 87% số người tham gia BHYT toàn tỉnh); có 239/250 (chiếm 95,6%) cơ sở KCB thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 224.748 lượt tra cứu, trong đó có 151.157 lượt thành công (chiếm 67,3% tổng lượt tra cứu).

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát sinh chi phí KCB BHYT đối với 770.521 lượt người, với số tiền trên 404 tỷ đồng, bằng 143% về số lượt và 134% về số tiền so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó có 679.421 lượt ngoại trú, số tiền gần 166 tỷ đồng; 91.049 lượt nội trú, số tiền trên 238 tỷ đồng; thanh toán trực tiếp 51 lượt với hơn 407 triệu đồng). Một số trường hợp người bệnh được BHYT chi trả cao như: ông Đàm Văn Lượng (huyện Ia Pa) điều trị bệnh về phổi, được quỹ BHYT thanh toán số tiền trên 163 triệu đồng; ông Đinh Khoanh (huyện Kbang) điều trị bệnh về đĩa đệm, được quỹ BHYT thanh toán số tiền trên 162 triệu đồng; ông Buk (huyện Đak Đoa) điều trị bệnh về phổi, được quỹ BHYT thanh toán số tiền trên 146 triệu đồng…

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT cũng như trong công tác chuyên môn giữa 2 ngành, phối hợp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện KCB BHYT trên địa bàn tỉnh. Cơ quan BHXH và cơ sở KCB đã phối hợp tháo gỡ các vướng mắc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT ngày càng tốt hơn; dữ liệu điện tử gửi lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống giám định BHYT của BHXH Việt Nam ngày càng kịp thời.

Tham gia BHYT, người dân được chia sẻ gánh nặng chi phí khi chẳng may ốm đau, bệnh tật. Ảnh: Như Nguyện

Tham gia BHYT, người dân được chia sẻ gánh nặng chi phí khi chẳng may ốm đau, bệnh tật. Ảnh: Như Nguyện

P.V: Từ ngày 1-7, khi mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng và chế độ BHYT hộ gia đình cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới; đồng thời, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được nâng lên. Cụ thể việc điều chỉnh này như thế nào, thưa ông?

* Ông TRẦN VĂN LỰC: Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng kéo theo một số chính sách điều chỉnh tăng theo. Trong đó, mức đóng BHYT hộ gia đình tuy có tăng nhưng không nhiều so với chi phí một người khi đi KCB phải bỏ ra trong thời điểm hiện tại nếu không có thẻ BHYT.

Mức đóng và chế độ, quyền lợi hưởng BHYT cũng được điều chỉnh phù hợp. Cụ thể: Người tham gia BHYT khi đi KCB tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT thì chi phí cho 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở, người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí. Mức chi phí cho 1 lần KCB mà người tham gia BHYT không phải thực hiện đồng chi trả sẽ tăng từ 223.500 đồng lên 270.000 đồng.

Các trường hợp người bệnh KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT (trừ trường hợp cấp cứu) được quy định như sau: Đối với KCB ngoại trú tại tuyến huyện và tương đương, mức thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm KCB; mức thanh toán tăng từ 223.500 đồng lên 270.000 đồng. Đối với KCB nội trú tại tuyến huyện và tương đương, mức thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, mức thanh toán tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng. Đối với KCB nội trú tại tuyến tỉnh và tương đương, mức thanh toán trực tiếp tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, mức thanh toán tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng…

P.V: Dù có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Vậy ngành BHXH có giải pháp gì nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong thời gian tới, thưa ông?

* Ông TRẦN VĂN LỰC: Thời gian qua, BHXH tỉnh đã triển khai một số giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người tham gia BHYT như: Tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với việc triển khai chính sách BHXH, BHYT nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về BHXH, BHYT theo Nghị quyết đề ra. Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của tỉnh chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành tích cực vào cuộc thực hiện công tác BHXH, BHYT. Cùng với đó, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tích cực tham mưu và sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT để đưa chính sách đến gần với người dân hơn, từ đó tạo ý thức tự giác, tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.

Ngành BHXH tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đặc biệt chú ý đến nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng. Phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức dịch vụ tăng cường việc tổ chức hội nghị khách hàng nhằm tuyên truyền, vận động, phát triển số người tham gia BHXH, BHYT.

Ngoài ra, ngành BHXH kêu gọi, huy động sự chung tay vào cuộc của các cá nhân, nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp… hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tác động bởi thay đổi chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng này chuyển biến nhận thức, tự giác, tự nguyện tham gia BHYT.

P.V:Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.