Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai tiên phong trong cải cách hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) luôn nỗ lực không ngừng trong công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước đưa Gia Lai trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Nói về công tác cải cách hành chính tại đơn vị, ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT) cho biết: Hàng năm, Sở tập trung rà soát, nghiên cứu, cải cách quy trình để cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư so với quy định tại các văn bản pháp luật. Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục liên quan tới doanh nghiệp được rút ngắn đáng kể. Cụ thể, thời gian hoàn thành hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp chỉ còn 2 ngày (hồ sơ thành lập xong đã có con dấu, mã số thuế, số tài khoản ngân hàng...); hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là 1 ngày”.Cùng với đó, việc triển khai và vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động, kết nối mạng với các cơ quan hải quan, kho bạc, tài chính... đã tạo nên bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ công một cách nhanh gọn, hiệu quả, giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh và nhận giấy phép đầu tư.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Quế thông tin: “Quy trình hướng dẫn thực hiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được cải tiến thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin (qua mạng Zalo hoặc Viber), đăng ký nộp hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc đăng ký nộp hồ sơ qua mạng internet và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngoài ra, Sở còn đẩy mạnh hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng đạt 99% và trên 45% kết quả giải quyết được chuyển trả qua dịch vụ bưu chính công ích. Điều này góp phần hạn chế tối thiểu doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cán bộ “một cửa” và cán bộ thụ lý giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp”.
Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng của Sở KH-ĐT đạt 99%. Ảnh: Hà Duy
Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng của Sở KH-ĐT đạt 99%. Ảnh: Hà Duy
Nhờ những nỗ lực đó mà vị thứ của Sở KH-ĐT trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) luôn duy trì ở top 3. Riêng năm 2021, với 71,08 điểm (tăng 0,38 điểm so với năm 2020), Sở đã vươn lên vị trí thứ 2. Một số chỉ số thành phần tăng điểm cao như chỉ số chi phí không chính thức tăng 0,39 điểm; chỉ số chi phí cạnh tranh bình đẳng tăng 0,44 điểm; chỉ số chi phí thiết chế pháp lý tăng 0,25 điểm; chỉ số vai trò của người đứng đầu tăng 0,18 điểm. Đặc biệt, 2 chỉ số thành phần của Sở KH-ĐT cùng đứng thứ 1/18 trong nhóm sở, ngành là chi phí thời gian và vai trò người đứng đầu cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của đơn vị, thể hiện rõ mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi hoạt động.
Ông Hoàng Văn Tường-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Tường (phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ: “Doanh nghiệp mới thành lập được hơn 1 năm, hoạt động ở lĩnh vực thương mại-dịch vụ. Thời điểm thành lập doanh nghiệp, dịch Covid-19 đang bùng phát nhưng tôi được các phòng chức năng của Sở KH-ĐT hướng dẫn tỉ mỉ từng bước một trong việc đăng ký online nên mọi việc khá thuận lợi. Chỉ cần tạo tài khoản trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, tạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nhập các thông tin cần thiết, sau đó chờ khoảng 2-3 ngày là nhận được kết quả qua bưu điện”.
Mới đây, Sở KH-ĐT đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với quan điểm: Cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan, đơn vị. Theo kế hoạch, Sở sẽ tiếp tục cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế thuộc lĩnh vực KH-ĐT và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công  chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan.
Một số chỉ tiêu quan trọng đã được đưa ra trong kế hoạch như: kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành; tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện bằng phương thức điện tử; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 100% cơ sở dữ liệu của Sở tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại Sở được xử lý trên môi trường mạng... 
HÀ DUY
 
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).