Phụ nữ Krông Pa giúp nhau phát triển kinh tế gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tích cực vận động hội viên, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, Hội cũng là chỗ dựa vững chắc hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Huyện Krông Pa có hơn 11.145 hội viên phụ nữ. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội đã cụ thể hóa nội dung sinh hoạt bằng các phong trào như: “Ống tiền tiết kiệm”, “Phụ nữ Gia Lai với hũ gạo tiết kiệm của Bác”. Qua đó, các cơ sở Hội đã huy động hơn 5,5 tấn gạo và 713 suất quà với tổng trị giá hơn 230 triệu đồng để giúp hơn 1.150 phụ nữ nghèo và trẻ mồ côi.
Bên cạnh đó, các hội viên tiết kiệm góp vốn xoay vòng được gần 2,3 tỷ đồng để giúp 1.413 chị vay; duy trì phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” và vận động hội viên góp hơn 5.458 ngày công lao động, 2.104 kg giống nông sản, 137 con giống các loại; nhân rộng mô hình “3 trong 1”…
Phụ nữ Krông Pa giúp nhau thu hoạch thuốc lá. Ảnh: Gia Hưng
Phụ nữ Krông Pa giúp nhau thu hoạch thuốc lá. Ảnh: Gia Hưng
Chị Ksor H’Bươi (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) cho biết: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Năm 2018, gia đình tôi được Hội LHPN xã hỗ trợ 1 con bò sinh sản và vay 5 triệu đồng để mua phân bón cho cây trồng. Hiện tại, gia đình đã thoát nghèo. Khi có điều kiện, tôi sẽ giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác”.
Nhờ được Hội LHPN xã hỗ trợ 1 con bò và cho mượn 1 ha rẫy để sản xuất nên gia đình chị Kpă H’Nhuân (buôn Ia Klon) đã vươn lên thoát nghèo. “Nhờ có Hội mà mình được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn trồng các loại cây trồng để phát triển kinh tế. Ngoài ra, mình còn được hướng dẫn cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn”-chị H’Nhuân vui vẻ nói.
Bà Ksor H’Kriếu-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rmok-cho hay: Thời gian qua, Hội LHPN xã đã triển khai mô hình 3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo. Bên cạnh đó, mô hình xây dựng quỹ để góp vốn xoay vòng sản xuất cũng đã giúp cho nhiều chị em có vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Cùng với đó, phong trào “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai đến 100% cơ sở Hội. Đồng thời, Hội cũng duy trì và nhân rộng các mô hình: “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, “Nói không với tín dụng đen”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”.
Hội cũng tích cực tham gia các phần việc xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, “Mỗi hộ có 1 vườn rau xanh và cây ăn quả”, “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, “Đoạn đường hoa”, “Vườn hoa công sở”; vận động gia đình hội viên di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra xa nhà ở; xây dựng công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. 
Y, Bác si Trạm y tế xã Ia Mlah cham sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ xã
Phụ nữ xã Ia Mlah (huyện Krông Pa) được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Gia Hưng
Bà Trần Thị Kim Chung-Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Cần-thông tin: Thông qua các phong trào, Hội LHPN xã đã giúp 113 chị em phụ nữ thoát nghèo. Đồng thời, Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tín chấp cho 351 hội viên vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng. “Riêng phong trào “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” đã mang lại hiệu quả thiết thực”-bà Chung chia sẻ.
Trao đổi với P.V, bà Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa-cho biết: Qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ sở Hội đã có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết hội viên, phụ nữ đều nắm được mục đích, ý nghĩa, các nội dung chủ đề hàng năm và đã cụ thể hóa các chuyên đề bằng những hành động và việc làm thiết thực, nhất là trong việc thực hành tiết kiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm trước công việc chung, việc gia đình, xã hội.
Đặc biệt, cuộc vận động hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững; xây dựng quỹ tình thương; hũ gạo tình thương, ống tiền tiết kiệm, nuôi heo đất… được hội viên, phụ nữ hưởng ứng tích cực và đạt hiệu quả cao.
GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.