Với phương châm “Mỗi phụ nữ là một chiến sĩ gìn giữ biên cương”, Hội LHPN xã Ia Nan đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, lồng ghép khéo léo giữa xây dựng đời sống văn hóa với góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Điển hình như Câu lạc bộ “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới” được thành lập cách đây 10 năm. Mô hình này nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới để chủ động đấu tranh phòng-chống các hoạt động trái phép.
Hàng năm, Hội LHPN xã hỗ trợ Câu lạc bộ xây dựng kế hoạch hoạt động, kết nạp hội viên mới. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được 60 thành viên. Đây là những hội viên nòng cốt, sẵn sàng tham gia phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Nan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên. Nhiều hội viên chủ động trong phát hiện, đấu tranh với các trường hợp vi phạm pháp luật.
Chị Đỗ Thị Hảo-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Nan-thông tin: “Hội thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền pháp luật, vận động bà con không vượt biên, không tiếp tay cho các loại tội phạm; giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với Nhân dân nước bạn Campuchia.
Chị em còn trực tiếp tham gia cùng Đồn Biên phòng Ia Nan tuần tra, phát quang đường biên, chăm sóc cột mốc. Họ chính là cánh tay nối dài của lực lượng Biên phòng, vừa gần dân, vừa hiểu dân, vừa là người bạn đồng hành đáng tin cậy nơi vùng biên”.

Anh Rơ Lan Thá (làng Tung, xã Ia Nan) chia sẻ: “Gia đình mình có vườn rẫy sát với đường biên giới. Bộ đội Biên phòng cùng hội viên phụ nữ thường xuyên tuyên truyền để gia đình mình không xâm canh, xâm cư. Mình cũng tích cực tham gia dọn vệ sinh để đường biên thông thoáng, giúp việc tuần tra mốc giới của lực lượng chức năng dễ dàng hơn”.
Tại xã Ia Pnôn, Hội LHPN xã cũng có mô hình đặc thù như: “Tổ tự quản đường biên”, phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới. Chủ tịch Hội LHPN xã Rơ Châm H’Rim thường xuyên bám làng để nắm tình hình và phối hợp với lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ.
Theo nữ cán bộ người Jrai này, để tuyên truyền hiệu quả, trước tiên phải trở thành người bạn tin cậy của người dân. Năm 2024, nhờ bám cơ sở, Hội LHPN xã Ia Pnôn đã phát hiện và kịp thời ngăn ngừa 3 trường hợp chuẩn bị tảo hôn ở làng Chan.
Chị H’Rim chia sẻ: Nhận thức của người dân đóng vai trò quyết định đến thành công của các phong trào. Vì vậy, Hội LHPN xã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xóa bỏ tập tục lạc hậu.
“Chúng tôi cũng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi chị em nâng cao hiểu biết, có ý thức, họ sẽ tham gia giữ gìn biên giới hiệu quả nhất”-chị H’Rim nói.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thành Nhơn-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Pnôn: Xã Ia Pnôn hiện có 6 tổ tự quản đường biên với hơn 40 người tham gia, trong đó có nhiều hội viên phụ nữ. Chị em tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra 2-4 lần/năm, đồng thời tham gia tuyên truyền chủ trương của Đảng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam… đến các hộ dân khu vực biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Huyện Đức Cơ có 3 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Chính sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Hội LHPN các xã biên giới và đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN các xã làm cầu nối kêu gọi nguồn lực giúp đỡ hàng chục hội viên khó khăn bằng mô hình sinh kế như: hỗ trợ bò, dê, heo sinh sản, tặng cây-con giống, xây nhà “Mái ấm tình thương”, trao học bổng cho trẻ em nghèo... Đây là những chương trình thấm đượm nghĩa tình được duy trì suốt nhiều năm qua, góp phần ổn định đời sống cho phụ nữ, trẻ em nơi biên cương.