(GLO)- Chiều 8-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá công tác thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2021, triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách BHYT trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh có lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, Sở Y tế, một số sở, ngành liên quan và đại diện các bệnh viện tuyến tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
Theo BHXH tỉnh, năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhưng BHXH và ngành Y tế đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách BHYT cho người dân trên địa bàn. Tính đến ngày 31-3-2022, toàn tỉnh có khoảng 1.198.035 người tham gia BHYT tại tỉnh, tăng 1% so với cuối năm 2021, bằng 80% dân số. Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, người dân tộc thiểu số ở các xã không còn được hỗ trợ đóng BHYT do thoát khỏi danh sách phê duyệt. Tổng số đồng bào dân tộc thiểu số bị tác động bởi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau khi rà soát đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác khoảng 70.482 người, số người dân tộc thiểu số bị tác động bởi Quyết định 861/QĐ-TTg còn lại chưa có thẻ BHYT khoảng 165.279 người.
Tính đến cuối tháng 3-2022, toàn tỉnh có khoảng 616.872 người dân tộc thiểu số, khoảng 400.309 người có thẻ BHYT, bằng 64,89%; khoảng 216.563 người không có thẻ BHYT, bằng 35,11%. Việc thực hiện hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh đã và đang được triển khai quyết liệt. Qua 3 tháng triển khai, có 114.631 người được hỗ trợ đóng BHYT theo Nghị quyết.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán tại Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 30-3-2021, số tiền 796.199 triệu đồng (trong đó dự toán chi khám-chữa bệnh BHYT là 790.106 triệu đồng, chi chăm sóc sức khỏe ban đầu là 6.093 triệu đồng). Tuy nhiên, năm 2021 không thực hiện giao dự toán đến từng cơ sở khám chữa bệnh, việc tạm ứng, thanh toán chi khám chữa bệnh BHYT vẫn thực hiện theo Luật BHYT và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Năm 2021, các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh toán chi khám-chữa bệnh BHYT cho trên 1,19 triệu lượt người, với số tiền trên 636,6 tỷ đồng, bằng 82,1% số chi năm 2020 và chiếm 80,5% dự toán chi khám-chữa bệnh BHYT năm 2021. Riêng về chi khám-chữa bệnh BHYT 3 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện chi 220.907 lượt người, với số tiền 126,9 tỷ đồng, bằng 68% về số người và 77% về số tiền so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt thấp và thiếu bền vững, đồng bào dân tộc thiểu số chưa tham gia BHYT chiếm tỷ lệ cao với khoảng 35,11%; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 90% mức đóng BHYT nhưng còn gặp nhiều khó khăn khi phải đóng 10% còn lại, còn khoảng 32.541 người thuộc hộ cận nghèo chưa có thẻ BHYT; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 84,23%, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước 95%, toàn tỉnh còn 51.045 em chưa tham gia BHYT…
Ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH Gia Lai thông tin tình hình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Ảnh: Như Nguyện |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện chính sách BHYT tốt hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Qua các đề xuất, kiến nghị nêu trong hội nghị, đề nghị Sở Y tế và BHXH tỉnh cùng làm việc để có hướng dẫn, trả lời bằng văn bản cho các địa phương và báo cáo về UBND tỉnh. Trong đó, cần tháo gỡ, khắc phục ngay các bất cập trong thực hiện chính sách BHYT, nhất là trong phân bổ thẻ BHYT, cũng như trong triển khai thanh quyết toán khám-chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, các địa phương cần thống nhất thực hiện nhiệm vụ bao phủ BHYT cho toàn dân là trách nhiệm chính trị, cần triển khai các giải pháp để người dân tiếp cận, tham gia BHYT. Trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành BHXH mà cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, đảm bảo 100% đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT. Về công tác tuyên truyền, ngành BHXH, Y tế phải tổ chức tuyên truyền hiệu quả theo từng vai trò, vị trí góp phần vận động người dân tham gia BHYT; tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả trong giải quyết các thủ tục liên quan khám-chữa bệnh BHYT. Đối với chế độ thông tin báo cáo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hàng quý, các địa phương báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHYT về UBND tỉnh.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các cấp, ngành tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc thực hiện chính sách BHYT cho Nhân dân, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam để có các giải pháp phù hợp; đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người dân khi đi khám-chữa bệnh BHYT; đảm bảo cơ sở khám-chữa bệnh đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân trong tình hình dịch Covid-19, các sở, ngành tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác chính sách BHYT cho người tham gia; nêu cao tinh thần xây dựng trong việc phối hợp để tháo gỡ những vướng mắc khi có phát sinh.
NHƯ NGUYỆN